Nằm sâu trong con một hẻm ở Trung tâm Thành Phố, những căn nhà ổ chuột trong khu Mã Lạng hay còn gọi là Tứ Giác Nguyễn Cư Trinh, cách không xa Chợ Bến Thành. Trước Giải Phóng khu này là nghĩa địa với hàng chục ngôi mộ nằm xen kẽ nhà dân. Hàng trăm ngôi nhà ẩm thấp, diện tích không quá 20m vuông là nơi sinh sống của hàng trăm hộ gia đình lao động chân tay, thuộc top nghèo nhất Sài Gòn... Xe ôm, phụ hồ, bán vé số, nhặt ve chai....
Chả khá khẩm hơn, nhà tôi cũng thuộc nghèo nhất nhì nơi ấy.. nơi sinh hoạt chung đâu đó tầm 6m vuông, nghe mà khó tin nhưng là có thật. Nó bé đến nỗi không dựng vừa được chiếc xe đạp, công cụ mưu sinh nhặt ve chai của mẹ tôi hàng ngày.
Kể qua về mẹ tôi, trước là thợ may, nhận may đồ lặt vặt trong xóm, cái máy may đạp Sinco theo bà từ thời con gái. Về sau khi lấy chồng và ở tại đây, cũng vì muốn kiếm thêm thu nhập mà bà kiếm 1 góc nhỏ ở mặt đường, chẳng may một ngày tối trời, xe Trật tự đô thị đi qua .... thế là mất cần câu cơm!
Ba tôi là bộ đội Giải ngũ, trước đi B tập kết ra Bắc, sau này là thương binh, được nhà nước hỗ trợ một chiếc xe lăn và vài tấm bằng khen, ngôi nhà tôi hiện tại là tài sản lớn nhất Ba tôi có được sau giải ngũ.
Cứ tầm 5h30 sáng, ông bà dậy sớm để lo chuẩn bị mưu sinh, mẹ tôi tranh thủ đẩy xe cho ba ra 1 góc đường, nơi hàng ngày ông nhận sửa giầy dép, cũng may vì là thương binh nên được Chính quyền du di hơn so với mẹ.
Dắt chiếc xe đạp lọc cọc chuẩn bị đi, mẹ không quên dặn tôi:
“ Có chén cơm nguội, mẹ chiên lại rồi, hôm qua cô Sáu cho 2 con cá khô, con ăn một con, để phần trưa cho ba một con nhé Tin”
“Dạ”, chả nghĩ ngợi gì, tôi ôm vội chén cơm chạy ra đầu xóm, nơi mấy đứa nhỏ cùng lứa đang chơi cu li rồi chơi cùng bọn nó.
Ở đây mồ mã nhiều, riết rồi thành thói quen, người ta sống và sinh hoạt chung với “người âm” như chả hề có gì, nó bình thường, quen thuộc, quen như cái nghèo đang hiện hữu vậy! Bởi vậy nghèo người ta không sợ, thì sợ gì ma quỷ!
Được cái hàng xóm bà con đây quý nhau lắm, cùng dân lao động nên ai cũng hòa đồng, thỉnh thoảng chú
Long bán rau ở chợ có cho nhà bó rau, củ khoai tây.... ấm áp lắm chứ.
11h trưa, sực nhớ phải mang cơm ra cho Ba, chạy thót về nhà lấy cái gầu mên mẹ chuẩn bị sẵn....Tôi biết ba đói, nhưng ông vẫn cười khi thấy tôi, xoa đầu tôi và cười: “ Cảm ơn ku Tin “
Nhìn phố xa đông đúc, người người qua lại mua sắm, bọn trẻ con cùng lứa tan học, ba mẹ dẫn đi ăn, nghĩ lại hồi đó có một chút chạnh lòng, do hoàn cảnh nên tôi cũng đi học muộn hơn!
Bất chợt Ba tôi quay lại bảo là hôm nay Tết trung thu, nên tối sẽ đông đúc lắm, nay Ba sẽ về trễ chút vì chắc là người ta sẽ đi chơi về muộn.
Đợi ông ăn xong, tôi cầm Gầu mên về nhà, vừa đi vừa lẩm bẩm, không biết khi nào được đi chơi Trung thu nhỉ? Mà thôi, chạy về nhanh chơi cu li!
Trời sập tối, mải mê chơi đùa thì nghe tiếng mẹ về, nét mệt mọi hiện rõ trên khuôn mặt bà, không mệt sao được khi cả ngày chịu cái nắng , cái mưa !
Nở nụ cười bà bảo tôi: “ Nay mẹ thu được ve chai nhiều hơn mọi hôm, nên có mua được chút thịt, lát đợi ba về cả nhà ăn cơm nhé con, à mà hôm nay mẹ có cái này cho con này!”
Mắt sáng trưng tôi hỏi mẹ, bà lấy trong cái giỏ đồ 1 cái lồng đèn, nhưng mà cái lồng đèn này nó lạ lắm, được làm từ 1 lon sữa người ta vứt đi, nhờ các chú ở vựa ve chai khoan đục cho mấy lỗ để gắn đèn cầy vào!
Tôi vui lắm, trước giờ có được chơi Lồng đèn trung thu lần nào đâu mà biết..... Vậy là hôm nay tôi có đồ chơi rồi! Một đám con nít chơi chung nhau 1 cái lồng đèn tự chế, thiếu thốn vậy đấy nhưng nghĩ lại vẫn vui.
Ở một nơi người ta gọi là Sài Gòn hoa lệ, thì đúng là Hoa chỉ dành cho người giàu, và lệ dành riêng cho phần còn lại. Nhưng không sao cả, cuộc sống của tôi và ba mẹ vẫn thế, cố gắng sông hạnh phúc với những gì đơn giản nhất! Tuổi thơ tôi trải qua ko đầy đủ, không được như mọi người, nhưng ở đấy vẫn còn ba mẹ, còn nơi mà tuổi thơ tôi trải qua!
Sài Gòn hôm nay mưa, cơn mưa mùa hè như giải nhiệt cho những mệt mỏi của người dân lao động ở đây!