TẠI SAO CÁC TÊN GỌI CỦA THẦN LINH VÀ NHÂN VẬT THỜI KỲ VIỆT CỔ ĐẠI CÓ CÁCH ĐỌC KHÁC VỚI LỐI XƯNG HÔ CỦA NGƯỜI VIỆT HIỆN NAY?

Hít Keo Chân Nhân

Tam Giới Hành Giả
Bài viết
1,080
Xu
33,818
Câu hỏi rằng:
Tại sao thời xưa người Việt cổ có những tên gọi khác hẳn với ngày nay như vậy? Sau khi đọc chúng, tôi có cảm giác như đang đọc tiếng Miên, tiếng Thái hay Lào vậy? Nếu như vậy thì tại sao trong các bộ sử thư của Việt Nam thời phong kiến lại viết tên của họ rất nghe rất Hán–Việt: Văn Lang, Âu Lạc, Kinh Dương vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Lạc hầu, Lạc tướng, Lang quan, Mị nương, Bồ chính, Hùng vương v.v…

Trả lời:
Câu hỏi này thực ra liên quan nhiều đến Ngôn ngữ học. Nếu là một người có nghiên cứu về ngôn ngữ, chúng ta sẽ không khó hình dung về sự biến âm qua từng thời đại. Việc quý vị/các bạn cảm nhận cách xưng hô của tiếng Việt cổ có vẻ giống với tiếng Miên, tiếng Thái, tiếng Lào… thực ra không có gì lạ. Việt Nam vốn dĩ là một nước Đông Nam Á, trước khi chịu ảnh hưởng của văn hoá Hán, văn hoá Lạc Việt ở miền Bắc Việt Nam dĩ nhiên là một nền văn hoá Đông Nam Á cổ đại, chất liệu của nó khác bản chất với nền văn hoá Hoa Hạ của người Hán cổ.

Ngay cả hiện nay, tiếng Việt vẫn được xem là ngôn ngữ có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á. Từ trước, những nhà ngôn ngữ học người Pháp đã xếp tiếng Việt là thuộc ngữ chi Mon–Khmer nằm trong ngữ hệ Nam Đảo (Austroasiatic languages). Như vậy, tiếng Việt có cùng họ hàng với tiếng Khmer của người Campuchia và một số ngôn ngữ trong khu vực Đông Dương. Cho nên, nếu phát âm tiếng Việt cổ nghe có vẻ giống với tiếng Miên là điều bình thường.
Người Lạc Việt cổ đại là sự hình thành do những nhóm người di cư từ miền bắc, thuộc hệ tộc Thần Nông của Bách Việt đi xuống, giao thoa với những người gốc Malay theo đường biển đi lên trú ở phương nam, sự kết hợp giữa hai yếu tố Nam – Bắc với hình tượng của chim và thuồng luồng (rồng) đã tạo nên văn hoá cổ đại của người Lạc Việt. Vì những người phương Nam đến trước, họ đã hình thành văn hoá và tuân theo tập tục mẫu hệ, cho nên văn hoá của những người ở phía Nam đã trở thành chủ đạo và dung hợp với những người Bách Việt gốc Bắc, do đó tiếng Việt cổ nghe rất giống các ngôn ngữ ở phía cực nam Đông Nam Á hiện nay như Malaysia, Indonesia… cũng không có gì lạ. Sau này, người Lạc Việt theo ngữ chi Mon–Khmer lại giao thoa với những người Âu Việt theo ngữ chi Tai–Kadai, sự dung hợp đó đã làm cho tiếng Việt cổ trở nên ngày càng phong phú hơn, dẫn đến sự hợp nhất và ra đời liên minh cổ đại Âu Lạc.

Tuy nhiên, từ sau khi người Hán xâm nhập miền Bắc Việt Nam và thiết lập cơ cấu cai trị của họ, văn hoá Hán được đưa vào và áp dụng cưỡng chế, bởi vậy, tiếng Việt lại chịu sự giao lưu mạnh mẽ với ngôn ngữ thuộc hệ Hán–Tạng. Tiếng Việt hiện đại trở nên có hình thù như ngày nay, phần lớn do chịu ảnh hưởng từ chế độ thuộc địa của các vương triều Trung Hoa suốt 1000 năm, yếu tố Hán đã bàng bạc trong ngôn ngữ Việt tới những 60%. Đến thời cận đại, tiếng Việt lại chịu ảnh hưởng từ phong cách của ngôn ngữ Latin Tây Âu, do đó mới có văn hoá chữ quốc ngữ như hiện nay. Với một quá trình dài bị biến thiên như vậy, hiển nhiên tiếng Việt hiện đại sẽ có kết cấu và phát âm hoàn toàn khác lạ với tiếng Việt cổ đại. Chúng ta đã hoàn toàn đứt mạch với tiền nhân thời cổ, do đó ngôn ngữ và văn tự của người Việt cổ - người Việt hiện đại sẽ không thể đọc hiểu được. Chính vì vậy mới cần đến vai trò của những nhà nghiên cứu, khám phá, biên dịch và diễn giải.

Có một số người chủ trương rằng: thời kỳ cổ đại của Văn Lang–Âu Lạc là không có thật. Nó là sự kiến tạo (nói thẳng ra là nguỵ tạo) của người Việt trung đại thời kỳ triều Hậu Lê. Đối với chúng tôi, chủ trương này chịu ảnh hưởng của lối nhìn duy lý và hơi cực đoan. Văn hoá cổ đại của người Lạc Việt vốn đã bị xói mòn sau thời kỳ Trung Hoa di dân sang Giao Chỉ, nó dẫn đến một tư duy lệ thuộc của người Việt sau này, cho rằng những gì có xuất xứ từ Trung Hoa tức là “văn minh,” còn những gì có xuất xứ từ bản địa là “man di,” do phân biệt hai lối này đã dẫn đến sự kỳ thị và không thừa nhận những di sản cổ đại của thời kỳ Hùng vương. Những thành phần trí thức của người Việt thời xưa cũng bị “nhồi sọ” với tư duy hâm mộ văn hoá Hán, dẫn đến bài trừ những kiến thức khác lạ bị cho là không chính thống. Điển hình như thời Trần, nhà trí thức Trương Hán Siêu còn vỗ ngực tự hào rằng: “Những điều gì không hợp với Nghiêu–Thuấn thì không lưu truyền, những điều gì không đúng với đạo Khổng–Mạnh thì không ghi lại.” Tư tưởng sùng Hán mộ Hoa của người Việt thời đó đã góp phần “bóp chết” truyền thống cổ đại của người Việt cổ, khiến cho nó không có cơ hội sinh tồn trong xã hội người Kinh ở đồng bằng, gần như chỉ có các dân tộc miền núi là còn lưu trữ.

Sự xuất hiện của triều Hậu Lê không phải là “nguỵ tạo” ra lịch sử thời Hùng vương, mà là thừa nhận lại một ký ức bị lãng quên. Tại sao nhà Lê lại làm như vậy? Đơn giản, vì dòng dõi vua Lê không phải là người Kinh. Lê Lợi sinh ra ở Lam Sơn, Thanh Hoá, tổ tiên của ngài ấy là người Mường. Lê Lợi cũng không nói tiếng của người đồng bằng, ông thông thạo tiếng Mường, am hiểu tập tục của người Mường và chắc chắn cũng có nghe về sử thi của những tộc người miền núi, do đó, lịch sử giai đoạn Hùng vương mới được thừa nhận. Các sử thần triều Lê không sáng tác truyện Hùng vương, họ thu thập truyền thuyết thời kỳ Hồng Bàng thông qua lưu truyền của những người dân miền núi.

Tuy nhiên, bản thân các sử thần và giới trí thức thời Hậu Lê cơ bản vẫn là nho sĩ, họ thấm đượm phong cách đào tạo của văn hoá Hán và Nho giáo, họ quen đọc kinh sách bằng chữ Hán, phát âm theo từ Hán–Việt đơn âm, do đó họ không quen phát âm những từ ngữ cổ đại của người miền núi. Có hai lý do khiến họ không phát âm được: thứ nhất, phát âm từ Hán–Việt là đơn âm, ngôn từ tao nhã, quý phái, trang trọng, trong khi đó phát âm tiếng Việt cổ mang tính đa âm, ngôn từ có vẻ thô kệch hơn; thứ hai, những người tri thức Nho giáo sẽ cho rằng những âm đọc tiếng Việt là âm giọng của bọn “man di” chưa khai hoá, chính sự kỳ thị này khiến họ đi đến một quyết định táo bạo: đó là phiên âm tên gọi của các nhân vật thời kỳ Việt cổ.

Phiên âm nghĩa là sao? Nghĩa là đem tất cả những từ ngữ bằng tiếng Việt cổ chuyển ký tự sang âm đọc của Hán–Việt, đẽo gọt và sửa sang lại cách xưng hô, như vậy sẽ biến những thứ “man di” đó trông có vẻ “văn minh” hơn. Và rồi họ đã phiên âm như sau, chúng tôi sẽ nêu một vài ví dụ:

- Văn Lang thực
ra không phải là quốc hiệu của thời Hùng vương. Nó vốn dĩ là một vùng đất thuộc đồng bằng sông Hồng. Thuở xa xưa, đồng bằng sông Hồng vẫn chưa xuất hiện, nó vẫn bị chìm ngập dưới biển, cho đến thời kỳ Đông Sơn, sự kiến tạo lục địa đã làm cho đồng bằng sông Hồng từ từ nổi lên trên đất liền. Khi đó, có những người gốc Mã-lai đã di cư từ biển sang đồng bằng này, họ sống quần tụ và dần dần thành lập các mường của những người mới di cư. Đến thời Hùng vương, các mường này tập hợp thành một bộ, gọi là Nak Kút Xẩm (bộ lạc xăm mình), vùng đất thủ phủ của Nak Kút Xẩm là Maneang (một vùng đất trũng nằm ở ngoại ô Hà Nội bây giờ). Về sau, khi xâm lược Giao Chỉ, người Hán đã phiên âm “Maneang” là Mê Linh (麊泠). Những người Maneang sống trên rừng ngập mặn bị người Hán kỳ thị, gọi họ là người Văn Lang (紋狼). Thực tế, “Văn Lang” và “Mê Linh” đều là phiên âm của Maneang. Giới trí thức nhà nho đã viết lại cách phiên âm là Văn Lang (文郎), và cho đó là quốc hiệu của Hùng vương. Đây là quan niệm sai, vì trung tâm của thời Hùng vương nằm ở Phú Thọ thuộc trung du miền núi, thời đó đồng bằng sông Hồng vẫn chưa được xem là trung tâm của người Việt cổ, do đó không thể có chuyện lấy tên một vùng đất trũng nằm ở đồng bằng sông Hồng làm “quốc hiệu” của một nền văn minh miền cao được.

- Lạc Long Quân là phiên âm Hán–Việt của Cun Thuồng Luồng. Thuồng Luồng là một từ cổ sơ chỉ cho loài thuỷ quái khát máu chuyên ăn thịt, người Hán gọi nó là “giao long.” Người Việt cổ tôn thờ con thuồng luồng là thần linh, cho nên người anh hùng này lấy tên gọi là Thuồng Luồng. Cách phiên âm rất dễ: “Thuồng Luồng” dịch là “Long” (龍), “Cun” (Khun) nghĩa là thủ lĩnh nên dịch là “Quân” (君), người anh hùng này được xem là thuỷ tổ của người Nak (Lạc Việt) nên gắn thêm hiệu “Lạc” (貉) ở đầu, vậy là Lạc Long Quân. Còn nữa, Thuồng Luồng trong ngôn ngữ của người Tày cổ gọi là Thùng Lằn (thuồng luồng có hình dạng như cá sấu, tức là loài bò sát, con thằn lằn trong tiếng Việt cũng là loài bò sát nên có âm đọc tương tự). Thùng Lằn được các nhà nho phiên âm Hán–Việt là Sùng Lãm (崇纜).

- Truyền thuyết kể cha của Lạc Long Quân là Kinh Dương vương (涇陽王), tên thật là Lộc Tục (祿續). Đây cũng là sự gắn ghép sai. Thời xa xưa người Việt cổ không có cách xưng hiệu “vương” hay “quân” như người Hoa Hạ, hơn nữa Kinh Dương là chỉ cho sông Kinh Hà, một dòng sông nằm ở gần Trường An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Nếu gọi người này là “vua của sông Kinh Hà” (Kinh Dương vương) thì không đúng, người Việt cổ chưa bao giờ đặt chân đến đất Thiểm Tây bao giờ. Chi tiết này là các nhà nho ăn cắp từ Truyện Liễu Nghị của Trung Quốc đời Đường, trong đó có chi tiết Liễu Nghị kết hôn với Thần Long nữ vốn là con gái của Long vương Kinh Hà (Kinh Dương quân). Thực tế, nhân vật Kinh Dương vương không hề có thật. Vậy sự thật đó là ai? Lộc Tục là phiên âm từ Luk-suk, có nghĩa là “tộc trưởng.” Trước thời kỳ Cun Thuồng Luồng, ở miền Bắc Việt có một lãnh thổ gọi là Chình Châng, và được cai quản bởi một bộ tộc gồm có 36 đời, các tộc trưởng được gọi là Luk-suk. Sau này, các nhà nho đã phiên âm Luk-suk là Lộc Tục và gán cho đó là tên gọi của một người, còn Chình Châng (vùng đất của các quỷ thần) thì được phiên âm là Xích Quỷ (赤鬼). Sau này, người Âu Việt đọc gọn từ Luk-suk là Suk/Tuk (đọc như Tục) để chỉ cho “vua,” từ này được phiên âm là Thục (蜀) và được gán ghép là họ của An Dương vương.

- Hùng vương (雄王) là phiên âm Hán–Việt của Krung. Trước đây, có người nói Hùng là viết sai của Lạc vương. Thực ra không phải vậy. “Krung” (Hùng) và “Nak” (Lạc) là hai từ mang nghĩa khác nhau. “Nak” có nghĩa là “nước,” người Nak là những người đã phát triển kỹ thuật nông nghiệp trồng lúa nước, do đó phiên âm người Nak là người Lạc Việt (雒越). Krung là một từ ngữ cổ trong ngữ chi Mon–Khmer xưa, trong tiếng Khmer cổ có từ kruṅa (ក្រុង) nó mang nghĩa là trung tâm, là vua, là thủ đô, là thành thị. Trong thần thoại Việt cổ, Krung được lý giải là Cây Sự sống chống đỡ cho vũ trụ, cho nên Hùng vương được xem là Cây Sự sống của nhân gian chống đỡ cho trật tự của loài người. Nó cũng tương tự như danh hiệu Pharaoh (pháp lão) của Ai-cập, mang nghĩa là “ngôi nhà lớn.” Chúng ta biết, Pharaoh được xem như là quốc tổ của người Ai-cập, các đời Pharaoh tôn thờ thần Ra và thần mặt trời. Trong khi đó, các Krung (Hùng vương) thì tôn thờ Đồ Thiên (thiên mẫu), Đồ Tháp (vua trời), Giàng Rê (thần mặt trời) và Bồng Bộc (thần nước).

- Thời xưa, đàn ông lớn tuổi đọc là “Pô/Bô,” là gốc của Bố, ngoài ý nghĩa là người sinh ra mình, còn mang nghĩa là cụ ông có quyền trong làng, do đó nhà nho mới phiên âm là Bồ chính (蒲政). Còn người phụ nữ lớn tuổi đọc là “Me/Mế,” là gốc của Mẹ, nghĩa là cụ bà có tiếng tăm trong làng, do đó nhà nho mới phiên âm là Mị nương (羋娘) và gán ghép đó là con gái Hùng vương. Thủ lĩnh của các mường được gọi là “Lang,” nhà nho phiên âm là Lang quan (郎官) và gán ghép đó là con trai Hùng vương. Thực ra đều không phải vậy. Thời cổ đại, các nhà lang và các bà mế là những người có tiếng tăm trọng vọng trong bản mường, có quyền ra lệnh và điều khiển đám đông, được phép hội họp để bầu cử thủ lĩnh. Có người nói rằng: vua nước Sở của Trung Hoa cũng mang họ Mị, cũng xưng là Hùng, vậy có lẽ Hùng vương là dòng dõi vua nước Sở. Hoàn toàn sai bét. Vua Sở gọi là “Mị” có nghĩa là mẹ, Hùng có nghĩa là “vua,” đó là danh xưng chỉ địa vị xã hội chứ không phải là họ tên. Các quốc gia cổ đại ở miền nam Trung Hoa như Sở, Ngô, Việt… đều có kế thừa một phần văn hoá nguyên thuỷ của bộ lạc Thần Nông (tổ của Bách Việt), cho nên kế thừa những danh xưng đó không có gì lạ.

Ngoài ra còn rất nhiều phiên âm khác như: Dhoong-Dha kre Marng zjoy (gọi tắt là Dhaong-Marng) phiên âm là Hồng Bàng (鴻龐), K’raw phiên âm là Giao Chỉ (交址), K’la (con gà) phiên âm là Cổ Loa (古螺), Tuk Paan phiên âm là Thục Phán (蜀泮), Ou-yang (kẻ thờ mặt trời) phiên âm là An Dương vương (安陽王) v.v…

Thực ra, ngay cả tên gọi của các vị thần trong thần thoại Việt cổ cũng có thể phiên âm Hán–Việt như: Đồ Thiên (圖天), Đồ Tháp (圖塔), Dã Giản (野簡) v.v… Chỉ cần nắm vững kết cấu phiên âm Hán–Việt, chúng ta hoàn toàn không khó để phiên âm tên gọi của các thần vật và nhân vật trong văn hoá Việt cổ.
Tuy nhiên, có nên làm như thế không?


Điều đó là không nên. Người Việt thời trung đại trải qua các vương triều quân chủ đều xây dựng văn hoá theo lề thói của Trung Hoa, do tác động sâu sắc của chữ nho đã khiến họ đi đến quyết định phiên âm tên gọi của nhân vật và địa danh thời cổ đại. Nhưng, người Việt hiện đại đã không dùng chữ Hán–Nôm nữa, chúng ta đã dùng chữ quốc ngữ và quy ước ký tự Latin hiện đại, do đó thiết nghĩ tên giữ lại cách đọc nguyên gốc của tiếng Việt cổ, cho dù có thể nó hơi khó đọc đối với người hiện đại, nhưng ít nhất nó giúp chúng ta mường tượng được diện mạo ngôn ngữ của tổ tiên chúng ta thời nguyên thuỷ. Phiên âm Hán–Việt là một thủ thuật không phù hợp với hiện đại nữa, đối với những phiên âm đã trở thành truyền thống như Hùng vương, Văn Lang, Hồng Bàng v.v… chúng ta có thể tạm chấp nhận sử dụng tiếp, còn những từ ngữ chưa được phiên âm thì ad khuyến nghị không nên phiên âm Hán–Việt, vì nó sẽ làm méo mó ngôn ngữ gốc, khiến cho người đời sau không suy đoán được từ gốc ban đầu đọc là gì.

Bài viết có giá trị mang tính tham khảo.

274662151_1320777641697615_1775029582558363025_n.png

Nguồn FB: Quỷ Học.
 
Thằng nào viết bài này mà viết lung tung, phỉ nhổ vào tổ tiên thế? Lạc Long Quân sao lại là thành Kun Thuồng Luồng? Lộc Tục sao thành tộc trưởng? Viết nhăng quậy hết sức.
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom