Xuất khẩu “nữ hoàng trái cây” mang về 1,5 tỷ USD

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Át chủ bài của ngành xuất khẩu rau quả

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruite), tháng 6/2024, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 800 triệu USD, tăng 20,84% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2024, xuất khẩu rau quả mang về 3,5 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 30,6%. Đáng chú ý, trong đó mặt hàng sầu riêng chiếm tới 1,5 tỷ USD.

Xuất khẩu “nữ hoàng trái cây” mang về 1,5 tỷ USD- Ảnh 1.


Thời gian qua, "nữ hoàng trái cây" Việt đã khuấy động thị trường khu vực và toàn cầu.


Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 5,69 tỷ USD; trong đó, sầu riêng là ngành có sức tăng trưởng ấn tượng nhất khi đem về 2,3 tỷ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.


Thực tế cho thấy, thời gian qua, "nữ hoàng trái cây" Việt đã khuấy động thị trường khu vực và toàn cầu. Trên cơ sở nhu cầu đơn hàng nhộn nhịp ngay từ những ngày đầu năm 2024, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định, năm nay Việt Nam đặt mục tiêu đạt doanh thu từ sầu riêng 3,5 tỷ USD, tăng 55% so với năm trước. "Bên cạnh việc xuất khẩu trái cây tươi, các doanh nghiệp đã hướng đến gia tăng lượng sầu riêng đông lạnh, các sản phẩm chế biến, sầu riêng sấy cũng ghi nhận có sự tăng trưởng mạnh mẽ", ông Nguyên chia sẻ thêm.

Thời điểm này, miền Tây đang về cuối vụ thu hoạch sầu riêng cũng là lúc Đông Nam bộ trong những ngày chính vụ. Tây Nguyên thì chuẩn bị bắt đầu thu hoạch. Có thể thấy, sầu riêng hầu như có quanh năm và cũng là lợi thế của Việt Nam so với các nước xuất khẩu khác. Được biết, diện tích sầu riêng ở Tây Nguyên lớn gấp 2 lần so với miền Tây Nam Bộ, nên sản lượng sầu riêng trong tháng 8 và 9 rất nhiều, có thể đẩy kim ngạch rau quả tăng lên hàng tỷ USD/tháng. Một ưu thế khác của sầu riêng Tây Nguyên là cho trái nghịch vụ so với các nước xuất khẩu khác nên có giá bán cao gấp đôi so với miền Tây và miền Đông.

Giành vị trí số 1 tại thị trường tỷ dân

Theo ngân hàng HSBC, những năm gần đây, nhu cầu sầu riêng toàn cầu tăng 400% chủ yếu nhờ sức mua tăng từ Trung Quốc. Với người Trung Quốc, sầu riêng là món quà thượng hạng, là biểu tượng của sự sang trọng và bữa tiệc của vị giác. Nghị định thư về việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đưa sầu riêng trở thành loại quả tỷ đô.

Chỉ tính trong quý I/2024, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc với khối lượng đạt 32.750 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tính theo kim ngạch đã tăng từ mức 32% của năm 2023, lên mức 57%.


Đến nay, diện tích sầu riêng của cả nước đã lên tới khoảng 150,8 nghìn hec - ta, trong đó có khoảng 76.000ha đang cho thu hoạch, tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên, đạt 75,5 nghìn hec - ta; tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 42,9 nghìn hec - ta; Vùng Đông Nam Bộ với 25,3 nghìn hec - ta. Năng suất nhìn chung có xu hướng tăng, biến động nhẹ qua các năm từ 14,7 - 15,7 tấn/ha, sản lượng sầu riêng tăng cao gần 1,2 triệu tấn. (Số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ NN &PTNT)


Hiện tại các cơ quan chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán kỹ thuật để đi đến ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, sau đó sẽ thống nhất và ký nghị định thư. Nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ tăng rất mạnh. Bởi, một container sầu đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ có giá trị cao gấp nhiều lần so với xuất khẩu quả tươi. Ngoài ra, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào thực thi giúp vận tải biên giới thuận lợi hơn. Việc Việt Nam tăng cường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, từ đó sầu riêng Việt Nam sẽ có giá thành cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, dù chỉ mới bắt đầu mùa thu hoạch sầu riêng ở Tây Nguyên nhưng thị trường đã "nóng" bởi sức đặt hàng, tiêu thụ từ Trung Quốc, hứa hẹn một năm sầu riêng Việt tiếp tục thâm nhập sâu vào thị trường tỷ dân này.

Tuy nhiên, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc vừa ra thông báo sẽ cấm nhập khẩu sầu riêng từ 18 vùng trồng và 15 cơ sở đóng gói của Việt Nam do phát hiện tồn dư kim loại nặng vượt mức cho phép. Quyết định trên của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh sầu riêng Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh với sầu riêng Malaysia, khi nước này vừa lần đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sầu riêng tươi vào đất nước tỷ dân. Một số nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu sầu riêng từ một số vùng trồng của Việt Nam có thể là cơ hội lớn cho Malaysia và gây khó khăn nhất định cho xuất khẩu sầu riêng Việt. Do đó, doanh nghiệp phải giữ vững chất lượng và tập trung nâng cao thương hiệu quốc gia thì mới chiếm lĩnh thị phần lớn ở thị trường này một cách bền vững.

Chế biến sâu để mở rộng thị trường xuất khẩu

Để xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng bứt phá và bền vững, đem lại giá trị kinh tế cao, bên cạnh việc giữ vững chất lượng, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, đóng gói, bảo quản… “Doanh nghiệp và nông dân cần tăng cường chuỗi liên kết, phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định của các quốc gia nhập khẩu, đặc biệt là ổn định về mặt bằng giá. Cần tiếp tục cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng để tiếp tục tạo cơ hội mở rộng thị trường. Ngoài xuất khẩu sầu riêng tươi, doanh nghiệp nên nghiên cứu các sản phẩm chế biến sâu như cấp đông múi, đa dạng sản phẩm để phát triển thị trường ra các nước như: Nhật, Mỹ, Canada, Australia…tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc”, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN & PTNT) nhấn mạnh thêm.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mong muốn cơ quan quản lý nhà nước có những chính sách, quy định, tiêu chuẩn trước khi xuất khẩu, hướng cho nông dân quy trình kỹ thuật để doanh nghiệp thu mua không gặp rủi ro khi đối tác kiểm tra chất lượng.

Một điểm đáng chú ý, thời gian qua, việc tăng trưởng xuất khẩu kéo theo đó là diện tích sầu riêng tăng “nóng”, tạo nên cơn sốt mở rộng diện tích, phá vỡ quy hoạch trên diện rộng, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong kiểm soát chất lượng, mất cân đối cung - cầu, gây ảnh hưởng cho cả người trồng và doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu. Do đó, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân thực hiện công tác trồng mới, tái canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn theo định hướng của địa phương và không trồng mới, tái canh, chuyển đổi các loại cây lâu năm chạy theo giá cả thị trường.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom