Xây dựng Luật Phòng không nhân dân tạo hành lang pháp lý trong bảo vệ vùng trời Tổ quốc-Bài 2: Quản lý hoạt động bay của tàu bay không người lái, phươ

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Những năm qua, ở nước ta, việc khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vào các lĩnh vực đời sống xã hội tương đối phổ biến, đa dạng. Tuy nhiên, vụ việc vi phạm về khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, uy hiếp an toàn hàng không. Vì vậy, đòi hỏi phải hoàn thiện cơ sở pháp lý phù hợp để quản lý hoạt động này.

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết rõ về sự cần thiết quy định quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong dự án Luật PKND?


Thiếu tướng Bùi Đức Hiền: Qua tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về PKND còn nhiều bất cập, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ chưa đáp ứng với tốc độ phát triển, nhu cầu khai thác, sử dụng và công tác quản lý. Nội dung này đã được quy định trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, tuy nhiên hiện nay, công tác quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ còn nhiều hạn chế, bất cập và thiếu chế tài xử lý.


 
Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đang quy định mang tính nguyên tắc, còn lại giao Chính phủ quy định chi tiết, trong đó Bộ Quốc phòng là cơ quan trực tiếp tham mưu, giúp Chính phủ quản lý nội dung này. Hơn nữa, tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì quản lý, bảo vệ vùng trời quốc gia; giám sát hoạt động bay dân dụng; cấp phép bay, quản lý tàu bay quân sự, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong nước và nước ngoài vào Việt Nam theo quy định của pháp luật.


Hiện nay, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đang được các nước trên thế giới sử dụng rộng rãi trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, trong lĩnh vực quân sự, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ ngày càng được sử dụng rộng rãi như một lực lượng tác chiến mới mang lại hiệu quả chiến đấu cao, giá thành rẻ; nó được sử dụng ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến tranh, làm thay đổi phương thức tác chiến truyền thống; thậm chí, bằng tác chiến đường không, có thể nhanh chóng kết thúc cuộc chiến.


Ở nước ta, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như nông, lâm, ngư nghiệp, nghiên cứu khoa học, du lịch... đã góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm quy định về tổ chức hoạt động bay ngày càng gia tăng, trong đó có cả những vụ việc vi phạm pháp luật như sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ để vận chuyển, buôn bán ma túy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và uy hiếp đến an toàn hàng không...


Do đó, việc hoàn thiện thể chế về quản lý, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp tháo gỡ những bất cập, hạn chế và tạo lập khung pháp lý đầy đủ, toàn diện cho công tác quản lý theo quy định của pháp luật.


 
PV: Thưa đồng chí, việc cấp phép bay, phân cấp thẩm quyền cấp phép bay cho tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ được quy định như thế nào trong dự thảo Luật PKND?


Thiếu tướng Bùi Đức Hiền: Kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, dự thảo Luật PKND đang xây dựng theo hướng Bộ Quốc phòng cấp phép bay cho tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong vùng trời, vùng thông báo bay của Việt Nam; bổ sung Bộ Công an cấp phép bay cho các chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của Bộ Công an.


Trong các đối tượng thuộc thẩm quyền cấp phép bay của Bộ Quốc phòng, để bảo đảm tính linh hoạt, chủ động, phù hợp với thực tiễn, giảm bớt thủ tục hành chính và thời gian chờ cấp phép bay, Bộ Quốc phòng sẽ căn cứ vào loại hình, độ cao, tính chất hoạt động của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để phân cấp thẩm quyền cấp phép bay cho bộ tư lệnh quân khu, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh và bộ CHQS cấp tỉnh.


Ngoài ra, để bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ an toàn phòng không và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, dự thảo luật còn quy định các trường hợp được miễn trừ cấp phép để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu tổ chức hoạt động bay phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nghiên cứu khoa học, du lịch... Quy định như trên sẽ nâng cao chất lượng công tác quản lý hoạt động bay của địa phương khi trực tiếp cấp phép bay (đối với những nội dung trên, luật giao Chính phủ quy định chi tiết).


 
PV: Dự thảo Luật PKND quy định về người điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ như thế nào, thưa đồng chí?


Thiếu tướng Bùi Đức Hiền: Dự thảo luật đang được xây dựng theo hướng các đối tượng được cấp phép bay, quản lý phương tiện bay phải có đủ trách nhiệm về dân sự. Vì vậy, quy định yêu cầu người điều khiển phải đủ 18 tuổi trở lên và có kiến thức, hiểu biết về khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, nhằm bảo đảm người điều khiển phương tiện bay ngoài khả năng điều khiển phương tiện bay, còn có khả năng nhận thức đầy đủ về hành vi dân sự, bảo đảm an toàn hoạt động phòng không. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật về bảo đảm an toàn trong tổ chức các hoạt động bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, bởi các lý do sau:


Phép bay là văn bản hoặc hiệu lệnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, xác định mục đích, điều kiện và giới hạn được phép hoạt động của phương tiện bay. Do đó, phép bay chỉ được cấp cho những người có nhận thức đầy đủ về hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không, nhằm thực hiện mục đích thương mại hoặc công vụ; còn các trường hợp không đáp ứng tiêu chí trên thì không đủ điều kiện cấp phép bay, vì một văn bản của cơ quan nhà nước không thể cấp cho những người không nhận thức đầy đủ về hành vi dân sự và không có kiến thức về hàng không. Các quy định trên không áp dụng đối với những trường hợp được miễn trừ cấp phép bay.


Thực tế, thời gian qua, tình trạng người điều khiển phương tiện bay không người lái không được cấp phép bay (bay không phép) diễn ra ngày càng gia tăng. Tại các quận nội thành Hà Nội, lực lượng quản lý, bảo vệ vùng trời của Bộ Quốc phòng đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm, trong đó có cả vi phạm trong khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay.


PV: Đề nghị đồng chí làm rõ mối quan hệ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc cấp giấy chứng nhận cho cơ sở nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ?


Thiếu tướng Bùi Đức Hiền: Nhu cầu kinh doanh, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ tại Việt Nam ngày càng cao. Thực trạng đó đặt ra vấn đề việc cấp giấy chứng nhận cho cơ sở thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ cần được quy định như thế nào? Mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong cấp phép cần được quy định cụ thể ra sao?...


Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, dự thảo Luật PKND quy định: Bộ Công an có trách nhiệm đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của cơ quan, tổ chức, cá nhân (trừ tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ do Bộ Quốc phòng quản lý); cấp phép bay cho tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của Bộ Công an. Bộ Quốc phòng cấp giấy chứng nhận cho cơ sở thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và phụ tùng có liên quan tại Việt Nam; cấp phép cho các chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, trừ tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của Bộ Công an.


Khi Bộ Công Thương cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ thì phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Việc thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Quốc phòng ban hành hoặc các tiêu chuẩn kỹ thuật được Bộ Quốc phòng công nhận. Cơ sở thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và phụ tùng có liên quan phải có giấy chứng nhận do Bộ Quốc phòng cấp, trừ các cơ sở do Bộ Công an quản lý...



Nội dung dự thảo Luật PKND tập trung vào 5 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2-6-2023, gồm: Xây dựng lực lượng PKND; huy động, hoạt động lực lượng PKND; quy định quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; quy định các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chính sách đối với PKND.















PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!


SƠN BÌNH (thực hiện)


* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom