- Bài viết
- 430
- Xu
- 100,172
Vụ án Việt Á điển hình của 'lợi ích nhóm và thông đồng cấu kết tham nhũng'
Kiểm sát viên nhận định, vụ án Việt Á là một điển hình cho 'lợi ích nhóm', 'nhóm lợi ích' và 'thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống'. Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền, vì lợi ích vật chất đã thực hiện trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước đặc biệt nghiêm trọng.
Vụ án lợi ích nhóm điển hìnhHiện TAND TP Hà Nội đang nghị án, dự kiến sẽ đưa ra phán quyết với 38 bị cáo trong vụ án Việt Á vào chiều 12/1 tới đây.
Trước đó, khi nêu quan điểm luận tội , đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, những năm qua, với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp; cùng đó là nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến mạnh mẽ, củng cố được niềm tin.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát với tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng, sức khoẻ của người dân. Nhà nước, Chính phủ và toàn dân đang phải nỗ lực, gồng mình để chống chọi thì một bộ phận lãnh đạo cấp cao tại các bộ, ngành trung ương và địa phương đã cấu kết thông đồng với doanh nghiệp để hưởng lợi ích nhóm, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Theo Viện kiểm sát, các bị cáo đã giúp Công ty Việt Á được phối hợp tham gia thực hiện Đề tài nghiên cứu cấp Quốc gia về Test xét nghiệm COVID-19 do Bộ KH&CN đại diện chủ sở hữu.
Sau đó, bằng nhiều thủ đoạn, các bị cáo thực hiện chuỗi hành vi sai phạm, biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu của Đề tài thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á. Doanh nghiệp này đã sản xuất, bán thương mại trái phép trên cả nước với giá đã được nâng khống, thu lời bất chính đặc biệt lớn.
Kiểm sát viên khẳng định, vụ án này là một điển hình cho “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” và "thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống".
Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền, vì lợi ích vật chất đã thực hiện trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho nhà nước. Hơn nữa, hành vi của các bị cáo còn xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và cá nhân, làm cho một bộ phận cán bộ, công chức bị thoái hoá biến chất, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân.
Bị cáo Phan Quốc Việt
Tổng giám đốc Công ty Việt Á giữ vai trò chính
Căn cứ hồ sơ vụ án, quá trình xét hỏi tại tòa, Viện kiểm sát xác định bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đã thông đồng, cấu kết với Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KH&CN) để Hùng tác động Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN), Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) quyết định cho Công ty Việt Á được phối hợp thực hiện Đề tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm trái pháp luật.
Sau khi được tham gia đề tài, Việt tiếp tục cấu kết với Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (nguyên Thư ký của ông Long), Nguyễn Văn Trịnh (trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ) và các bị cáo khác, thực hiện nhiều hành vi sai phạm, giúp Công ty Việt Á được kiểm định Test xét nghiệm; được nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài để lập hồ sơ gửi Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức. Từ đó, doanh nghiệp sản xuất, tuồn sản phẩm ra thị trường bán thu lợi bất chính.
Viện kiểm sát cho rằng, để "đánh bóng" tên tuổi cho kit test, Việt cấu kết với nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo Bộ KH&CN để được đề nghị tặng Bằng khen; cấu kết với các bị cáo thuộc Bộ Y tế để được hiệp thương theo giá đã được nâng khống; giới thiệu với các Lãnh đạo tỉnh, thành phố để bán thương mại test xét nghiệm.
"Để được giúp đỡ, Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia, đưa tiền hối lộ, tiền cảm ơn cựu quan chức nhiều lần", Viện kiểm sát nêu.
Để tiêu thụ test xét nghiệm tại các địa phương với số lượng lớn và được thanh toán theo giá nâng khống, Phan Quốc Việt, cùng các nhân viên Công ty Việt Á đã thông đồng, cấu kết với Lãnh đạo, nhân viên các cơ sở y tế công lập thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật về đấu thầu, ứng hàng sử dụng trước, hợp thức thủ tục, hồ sơ thanh toán sau. Hành vi này bị nhận xét là trái quy định của Điều 89 Luật Đấu thầu.
Đáng chú ý, sau khi tiêu thụ kit test, Phan Quốc Việt chỉ đạo các nhân viên tính toán và chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng; chỉ đạo thuộc cấp đưa hối lộ tổng cộng hơn 34 tỷ đồng cho các lãnh đạo, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập trên phạm vi cả nước.
Tổng số tiền Việt đưa hối lộ Viện kiểm sát kết luận là hơn 106,6 tỷ đồng; hành vi của Việt gây thiệt hại số tiền 1.235 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 400 tỷ.
Theo Viện kiểm sát, trong vụ án Phan Quốc Việt giữ vai trò chủ mưu, tổ chức thực hiện chuỗi hành vi sai phạm; xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, làm cho một bộ phận cán bộ, công chức bị thoái hoá biến chất; làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Vụ án Việt Á điển hình của 'lợi ích nhóm và thông đồng cấu kết tham nhũng'
Kiểm sát viên nhận định, vụ án Việt Á là một điển hình cho 'lợi ích nhóm', 'nhóm lợi ích' và 'thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống'. Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền, vì lợi ích vật chất đã thực hiện trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện để doanh...
soha.vn