Vị tướng 104 tuổi và bản tổng kết “5 nhất” của Sư đoàn “có một không hai”

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Và kể từ đó đến nay cũng đã 34 năm, ở tuổi 104, ông vẫn mạnh khỏe, minh mẫn. Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương là vị tướng cao tuổi nhất của Quân đội còn sống đến nay. Trong dằng dặc những cương vị mà ông từng đảm trách, ít ai biết rằng ông chính là vị chính uỷ đầu tiên của Sư đoàn Bộ Binh 1, đơn vị hạt nhân của Mặt trận Tây Nguyên B3 năm xưa.

Ngày ấy, sau khi thành lập Mặt trận Tây Nguyên (B3) do đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy kiêm Tư lệnh, Huỳnh Đắc Hương khi đó đang làm Trưởng đoàn kiểm tra tình hình Nam Lào của Bộ được điều giữ cương vị Phó chính ủy Mặt trận. Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về chủ trương thành lập các đơn vị chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên, giữa năm 1965, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Sư đoàn Bộ binh 1. Đồng chí Hoàng Kiện lúc đó đang là Tư lệnh Sư đoàn 304 được phân công làm Tư lệnh Sư đoàn, đồng chí Huỳnh Đắc Hương kiêm thêm nhiệm vụ Chính ủy Sư đoàn Bộ binh 1. Mặt trận Tây Nguyên từ khi được bổ sung quân chủ lực đã chiến đấu lập nhiều thành tích, thay đổi cục diện giữa ta và địch tại vùng đất chiến lược.


 
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương vẫn nhớ chuyến đi từ miền Bắc vào Tây Nguyên hoàn toàn hành quân bộ suốt một tuần. Trong 4 năm hoạt động tại chiến trường Tây Nguyên, Sư đoàn Bộ binh 1 luôn là lực lượng nòng cốt, chủ công của Mặt trận Tây Nguyên. Các đơn vị thuộc Sư đoàn sau Chiến dịch Plei Me đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn như Sa Thầy, Sa Thầy 2, Đắk Tô 1, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.


Về tinh thần chiến đấu của anh em các đơn vị thuộc Sư đoàn Bộ binh 1, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương kể lại câu chuyện: Có lần máy bay Mỹ phát hiện vị trí đóng quân của ta bèn cho quân nhảy dù bao vây. Chẳng may lúc đó lực lượng chiến đấu lại đang triển khai nhiệm vụ khác ở xa doanh trại, ở nhà chỉ còn bộ phận nuôi quân, dù thế thì anh em hậu cần đã cầm súng chiến đấu oanh liệt, khi nghe tiếng súng nổ pháo của ta mới bắn yểm trợ và lực lượng chiến đấu quay về giải cứu đơn vị. Từ đó đã ra đời cách đánh “hiệp đồng bằng tiếng súng” của bộ đội Mặt trận B3 Tây Nguyên. Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương cho rằng, đó là một ví dụ sinh động cho truyền thống “Quân đội ta nhiệm vụ nào cũng hoàn thành”, lính nuôi quân vẫn có thể tham gia chiến đấu, theo vị chính ủy đầu tiên của Sư đoàn Bộ binh 1.


Là người con sinh ra tại Quảng Nam, trước Cách mạng đã từng là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam, khi Cách mạng thành công, Huỳnh Đắc Hương được điều vào Quân đội làm Hiệu trưởng Trường Quân chính Quảng Nam. Có thể nói, cả cuộc đời ông đã gắn bó máu thịt với dải đất Liên khu 5, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Nguyên và Lào. Bởi thế, ông hiểu nội tình chiến trường miền Trung - Tây Nguyên hơn ai hết. Việc lựa chọn ông vào vị trí Phó chính ủy Mặt trận Tây Nguyên kiêm Chính ủy Sư đoàn Bộ binh 1 đã chứng tỏ “con mắt xanh” của tổ chức.


Tại buổi ra mắt cuốn sách “Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 1”, vị tướng 104 tuổi, nhân chứng lịch sử hiếm hoi đã đồng hành suốt dọc chiều dài lịch sử của Quân đội ta với trí nhớ tuyệt vời và tư duy mẫn tiệp, hào sảng đã chỉ ra 5 cái nhất của Sư đoàn Bộ binh 1 mà ông cũng đã tổng kết trong bài viết của mình in trong tập sách quý.


Thứ nhất, Sư đoàn Bộ binh 1 là sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta trực tiếp chiến đấu với quân viễn chinh Mỹ khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam, cụ thể là tại chiến trường Tây Nguyên. Hàng loạt những tên tuổi sẽ tham chiến như Sư đoàn 1 Kỵ binh không vận, được mệnh danh là “Anh cả đỏ” của Quân đội Hoa Kỳ, thành lập từ năm 1917, chưa từng thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai; Lữ đoàn 3, Sư đoàn 25 Bộ binh với danh xưng “Tia chớp nhiệt đới”; Lữ đoàn 173 Dù với danh xưng “Thiên thần mũ đỏ”. Khi đó, câu hỏi làm đau đầu Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đó là: Ta có đánh được Mỹ không? Lãnh đạo mặt trận B3 và Sư đoàn Bộ binh 1 đã đi tìm câu trả lời, và cách để trả lời câu hỏi đó là: Hãy cứ đánh khắc tìm ra cách đánh. Chiến dịch Plei Me đã được mở kịp thời để làm suy yếu quân ngụy và đánh quân viễn chinh Mỹ ngay khi chúng mới có mặt ở chiến trường Tây Nguyên. Sự vào cuộc ngay và luôn đã khiến việc ra mắt Sư đoàn phải lùi lại, dù đã có quyết định thành lập. Các Trung đoàn 320, 33, 66 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch Plei Me, đánh bại Lữ đoàn 3, tiếp đó, trong Chiến dịch Đắk Tô 1, với trận đánh then chốt tại Điểm cao 875 ngày 10 đến 11-7-1967 tại Kon Tum, Sư đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu Lữ đoàn 173 Dù sừng sỏ của Mỹ.


Thứ hai, Sư đoàn Bộ binh 1 là sư đoàn tiêu diệt nhiều đơn vị quân của Mỹ nhất, từ cấp đại đội đến cấp tiểu đoàn, lữ đoàn, cũng là đơn vị bắt sống nhiều tù binh nhất. Qua 9 năm hoạt động, Sư đoàn 1 đã đánh 2.974 trận, diệt 91.959 tên địch, trong đó có 36.352 tên Mỹ, 21.513 ngụy Sài Gòn và 31.185 ngụy Lon Non, diệt 60 tiểu đoàn, trong đó có 21 tiểu đoàn Mỹ. Sư đoàn cũng bắn cháy 1.231 máy bay, phá hủy 3.648 xe các loại, 38 kho đạn và xăng dầu cùng 22 bể chứa các loại. 67 cây cầu, 28 tàu chiến cũng đã bị cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn phá hủy. Trong Chiến dịch Plei Me, từ ngày 14 đến ngày 17-11-1965, với 4 trận đánh mang tính then chốt của Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 33, ta đã tiêu diệt Tiểu đoàn 2 và đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 1 Kỵ binh không vận Mỹ. Trận đánh này mang tính quyết định của Chiến dịch Plei Me, ta đã tiêu diệt quân viễn chinh Mỹ ở cấp tiểu đoàn, đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với quân Mỹ. Tướng Westmoreland sau này phải thừa nhận, đây là tổn thất nghiêm trọng của Sư đoàn 1 Kỵ binh không vận Mỹ trong trận đầu ra quân ở Tây Nguyên. Trận đánh đã vượt quá khuôn khổ chiến thuật, trở thành trận đánh có tầm cỡ chiến dịch, mang ý nghĩa chiến lược.


Thứ ba, Sư đoàn Bộ binh 1 là sư đoàn duy nhất được Đảng, Nhà nước tặng thưởng kép hai Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhất cùng một lúc do chiến công đặc biệt xuất sắc trong Chiến dịch Plei Me. Việc này diễn ra sau Chiến dịch Plei Me, vì những thành tích đặc biệt xuất sắc, đã dám đánh và đánh thắng quân viễn chinh Mỹ, Sư đoàn Bộ binh 1 đã được tặng một lúc 2 Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhất. Câu chuyện có vẻ khó tin này hoàn toàn có thật. Thắng lợi của Chiến dịch Plei Me đã giáng một đòn phủ đầu mạnh mẽ vào quân viễn chinh Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên, để biểu dương các lực lượng tham gia Chiến dịch, các đơn vị tham gia đã được Quân đội tặng 2 Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhất. Lý do được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khi đó đưa ra như sau: “Quân đội ta không có huân chương nào cao hơn Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhất để xứng đáng với Chiến thắng Plei Me nên tặng chiến thắng này 2 Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhất”. Cùng với đó, Trung đoàn 66, thuộc Sư đoàn Bộ binh 1, đơn vị lập công xuất sắc trong Chiến dịch đã vinh dự được Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên tặng danh hiệu “Đoàn Plei Me”. Trung đoàn 66 hiện nay thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 34, cái tên này đã trở thành tên truyền thống của Trung đoàn 66 cho đến nay.


Thứ tư, Sư đoàn Bộ binh 1 là sư đoàn duy nhất hoạt động ở tất cả các chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, miền Nam và Đông Nam Campuchia, Sư đoàn Bộ binh 1 cũng là sư đoàn chủ lực duy nhất hoạt động ở chiến trường Tây Nam Bộ trong chiến tranh chống Mỹ. Do tính chất cơ động, Sư đoàn 1 luôn có sứ mệnh “giải quyết chiến trường” nên dấu chân Sư đoàn đã in khắp các chiến trường của cuộc kháng chiến chống Mỹ tại miền Nam. Ra đời và khẳng định vị thế ở Chiến trường Tây Nguyên, sau Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 Sư đoàn được lệnh cơ động về Chiến trường Đông Nam Bộ, tiếp đó là Tây Nam Bộ và sau đó là sang hoạt động tại miền Nam và Đông Nam Campuchia. Ở chiến trường nào Sư đoàn cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Và cuối cùng, Sư đoàn Bộ binh 1 là sư đoàn duy nhất được biên chế nhiều trung đoàn và đơn vị tương đương trong đội hình chiến đấu nhất, tất cả đã có 14 đơn vị từng đứng trong đội hình Sư đoàn Bộ binh 1 trong 9 năm tồn tại, trong đó có 10 trung đoàn và 4 đơn vị tương đương, gồm các đơn vị như: Trung đoàn 320, Trung đoàn 66, Trung đoàn 88, Trung đoàn 33, Trung đoàn 174, Trung đoàn 209, Trung đoàn 95C, Trung đoàn 101D, Trung đoàn 18B (Trung đoàn 14), Trung đoàn 44, Trung đoàn 3 (do 50 và D410), Trung đoàn 46 (Trung đoàn 52).


Sau Chiến dịch Mậu Thân 1968, Sư đoàn Bộ binh 1 được điều vào Chiến trường Đông Nam Bộ, tiếp đó là Chiến trường Tây Nam Bộ và Campuchia. Năm 1974, từ yêu cầu mới của tình hình, Sư đoàn 1 được lệnh giải thể. Tuy chỉ tồn tại 9 năm nhưng Sư đoàn Bộ binh 1 đã lập nên những kỳ tích, đặc biệt là thời kỳ đầu, khi mới ra đời tại Tây Nguyên. Do đã giải thể nên việc tổng hợp truyền thống lịch sử về sư đoàn gặp những khó khăn, tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của Ban Liên lạc Sư đoàn Bộ binh 1 cùng sự vào cuộc nhiệt tình của nhiều tướng lĩnh, năm 2013, Sư đoàn Bộ binh 1 đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ. Mới đây, cuốn “Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 1” cũng đã được Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam hoàn thành và giới thiệu đến bạn đọc.


Một điều đáng mừng là sau gần 50 năm kể từ khi thành lập, đến nay, người chính ủy đầu tiên của Sư đoàn, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương vẫn còn sống và kể lại những câu chuyện về Sư đoàn thời Mặt trận B3. Ông chính là nhân chứng sống động nhất của những trang sử chói lọi về tinh thần chiến đấu và chiến thắng của một Sư đoàn “có một không hai” trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.


NGUYỄN XUÂN THỦY


* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom