Vì sao thị trường khoa học và công nghệ chưa phát triển như kỳ vọng?

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển như thế nào?

Ông Phạm Đức Nghiệm: Thời gian qua, số lượng sản phẩm khoa học và công nghệ có chiều hướng gia tăng. Nhận thức về sản phẩm khoa học và công nghệ của các thành phần kinh tế cũng đã phát triển theo thị trường. Thị trường trong nước đã hình thành nhiều loại dịch vụ khoa học và công nghệ (điển hình như kiểm định mẫu nguyên liệu và sản phẩm, giám định các sản phẩm khoa học và công nghệ, pháp lý về sở hữu công nghệ và chuyển giao công nghệ, dịch vụ tài chính), bước đầu đáp ứng nhu cầu mua, bán các sản phẩm khoa học và công nghệ trên thị trường.


Số lượng các doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng đã có những chuyển biến cả về chất lượng và số lượng. Nếu như năm 2008, Việt Nam chỉ có 150 doanh nghiệp khoa học và công nghệ thì đến tháng 12-2020, số doanh nghiệp khoa học và công nghệ đạt khoảng hơn 535 doanh nghiệp. Từ năm 2005 đến nay, số lượng các tổ chức khoa học và công nghệ đã tăng lên đáng kể, tăng từ 1.320 tổ chức năm 2005 lên 3.836 tổ chức vào năm 2017.


 
PV: Thống kê cả nước hiện có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, trong đó có 21 sàn giao dịch khoa học và công nghệ. Với số lượng tổ chức trung gian, sàn giao dịch nhiều như vậy tại sao thị trường khoa học và công nghệ lại chưa phát triển như kỳ vọng?


Ông Phạm Đức Nghiệm: Nguyên nhân là do thị trường khoa học và công nghệ hình thành sau các thị trường khác như thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường lao động. Chính vì thế thị trường khoa học và công nghệ đang trong giai đoạn hình thành và phát triển. Với tính chất như vậy cả về quy mô và đối tượng phạm vi đang hoạt động của thị trường đang bước đầu hình thành. Đặc biệt là hành lang pháp lý giai đoạn 2013-2020, chúng ta đã bổ sung các nội hàm của thị trường khoa học và công nghệ cũng như các nội dung liên quan đến sàn giao dịch, các tổ chức trung gian. Trong 4 luật, 9 nghị định và 12 thông tư đã cơ bản quy định pháp lý liên quan đến việc thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ.


Tuy nhiên bên cạnh các quy luật vận hành thị trường khoa học và công nghệ giống các thị trường khác như quy luật cung cầu, quy luật giá cả, quy luật giá trị thì thị trường khoa học và công nghệ bị chi phối bởi các tính chất, yếu tố, đặc điểm, đặc thù riêng, phức tạp hơn, khó hơn trong việc thúc đẩy thị trường so với các thị trường khác. Đặc biệt là tính chất liên quan đến tri thức ẩn, liên quan đến tác giả nên quá trình mua bán, giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ phức tạp hơn nhiều. Tức là người mua thường không có năng lực để tự thẩm định chất lượng hàng hóa khoa học và công nghệ, có tâm lý hoài nghi người bán hàng hóa khoa học và công nghệ thổi phồng tính năng, tác dụng của hàng hóa đó. Chính vì thế cần lực lượng rất đặc biệt là tổ chức trung gian, sàn giao dịch, các đơn vị môi giới, tư vấn chuyên nghiệp để làm công việc đánh giá, thẩm định đưa ra các lời khuyên đảm bảo các giao dịch.


Giai đoạn 2013-2020, Việt Nam rất tích cực thúc đẩy các tổ chức trung gian, tuy nhiên rõ ràng chưa đạt theo kỳ vọng của thị trường và với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Vì thị trường đang hình thành nên thời gian vừa qua chúng ta chủ yếu ban hành các văn bản, chính sách mang tính chất khuyến khích. Các vấn đề liên quan đến chính sách quản lý, quản trị đòi hỏi thị trường phải hình thành hoàn chỉnh thì chúng ta mới ban hành các chính sách tiếp theo được.


PV: Bộ Khoa học và Công nghệ có giải pháp gì để thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong thời gian tới, thưa ông?


Ông Phạm Đức Nghiệm: Thị trường khoa học và công nghệ đang trong quá trình hình thành nên cần chú trọng vào công tác truyền thông cho các chủ thể, các bên liên quan về các chính sách phát triển, hỗ trợ của Nhà nước khuyến khích trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tổ chức trung gian, các sàn giao dịch công nghệ để làm sao lành mạnh hóa thị trường, thúc đẩy các giao dịch chất lượng hơn, hiệu quả hơn.


Tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành, các đơn vị, hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ hình thành các đơn vị môi giới tư vấn, các tổ chức trung gian thuộc các ngành hàng để gắn với các lĩnh vực sản xuất chủ lực, nơi có tiềm năng, địa chỉ ứng dụng công nghệ.


Triển khai các hoạt động đào tạo bồi dưỡng cho lực lượng trung gian, đặc biệt là các cán bộ quản lý các sàn giao dịch công nghệ, các đơn vị quản lý hỗ trợ các địa phương để thúc đẩy, hình thành các sàn giao dịch công nghệ cũng như các đơn vị môi giới tư vấn.


Tổ chức trung gian gắn rất chặt chẽ với bên cung và bên cầu nên rất khó phát triển riêng rẽ tổ chức trung gian mà phải gắn bài toán tổng thể thị trường khoa học và công nghệ. Chính vì thế từ năm 2022 trở lại đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực triển khai đồng bộ các chính sách, đặc biệt là các biện pháp gắn với Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập


PV: Trân trọng cảm ơn ông!


LA DUY (thực hiện)


*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom