Vì sao lượng thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh?

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Không đủ nguồn cung từ nội địa

Thép cán nóng (HRC) là sản phẩm đặc biệt quan trọng đối với ngành thép, là nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác. Nhu cầu HRC tại Việt Nam hiện đang nằm trong khoảng 12 - 13 triệu tấn/năm.

Hiện, cả nước có 2 doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng là Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh với tổng công suất thiết kế đạt 8,2 triệu tấn/năm.

Báo cáo mới nhất từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 8,2 triệu tấn thép trong 6 tháng đầu năm 2024 (tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái) với tổng giá trị gần 6 tỷ USD (tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Giá trị nhập khẩu sản phẩm từ sắt thép là hơn 3,03 tỷ USD, tăng 24,8%.

Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho biết: Trong bối cảnh cung HRC nội địa trong năm 2023 không đáp ứng đủ nhu cầu thì Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh lại tăng sản lượng HRC xuất khẩu so với năm 2022, khiến cho nguồn cung HRC nội địa càng thiếu hụt nghiêm trọng.

Năm 2022, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chỉ xuất khẩu HRC với sản lượng chiếm 21% tổng sản lượng bán hàng HRC thì đến năm 2023, tỷ trọng này đã tăng lên đến 50%. Cụ thể, trong năm 2022, sản lượng HRC bán tại thị trường nội địa của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chiếm 79% tổng sản lượng bán hàng thì đến năm 2023, tỷ trọng này chỉ còn 50%. Do đó, các doanh nghiệp phải nhập khẩu HRC để đáp ứng đủ nhu cầu.

Vì sao lượng thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh?- Ảnh 1.


Vận chuyển thép thành phẩm đến các khu tập kết tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát (Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN


Đại diện Công ty Tôn Đông Á cho biết, tình trạng cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu tiếp tục diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu HRC lần lượt là 4.992.657 tấn và 7.429.755 tấn, tăng 2.437.098 tấn so với 6 tháng đầu năm 2023. Điều này hoàn toàn là bình thường vì nhu cầu thép trong năm 2024 tăng so với năm 2023 là điều đã được dự báo từ trước.

Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong chính sách cho thị trường bất động sản; các địa phương, bộ, ngành đồng loạt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông, từ đó góp phần thúc đẩy sản lượng thép tiêu thụ trong nước, dẫn đến nhu cầu sử dụng nguyên liệu HRC tăng. Tuy nhiên, số lượng HRC mà Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán tại thị trường nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam. Nguồn cung HRC nội địa trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ đáp ứng 29% tổng nhu cầu HRC tại Việt Nam, giảm 5% so với 6 tháng đầu năm 2023.

“Lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc sẽ giải quyết trước mắt nhu cầu thiếu hụt nguồn cung từ sản xuất trong nước và lượng nhập khẩu HRC từ các thị trường truyền thống khác”, đại diện Công ty Tôn Đông Á khẳng định.

Doanh nghiệp phản biện vụ việc chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu

Ngày 4/7, 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép đã có đơn phản biện gửi Bộ Công Thương trong vụ việc Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh nộp hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Các doanh nghiệp trong đơn, gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen; Công ty cổ phần Thép TVP; Công ty cổ phần Tôn Đông Á; Công ty Cổ phần Thép Nam Kim; Công ty Tôn Phương Nam; Công ty cổ phần Thép Bình Dương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất Lê Phan Gia Bình Dương và Công ty cổ phần Thép Việt Thành Long An.

Trước đó, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen thông tin, ngày 19/3/2024, Tập đoàn Hòa Phát và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nộp cho Cục Phòng vệ thương mại hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Ngày 14/6, Cục Phòng vệ thương mại thông báo hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ đầy đủ và hợp lệ.

Đại diện 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép cho rằng, nếu Việt Nam khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ thì việc này sẽ ảnh hưởng cực kỳ tiêu cực và nghiêm trọng đến toàn ngành sản xuất tôn mạ và ống thép Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Dẫn thêm số liệu, đại diện nhóm 8 doanh nghiệp này cho hay, hiệu suất sử dụng công suất của ngành sản xuất HRC tại Việt Nam trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 74% và 82%, tỷ lệ tăng trưởng là 11%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, hiệu suất sử dụng công suất của ngành sản xuất HRC tại Việt Nam đạt 84%, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, hoàn toàn không có thiệt hại của ngành sản xuất HRC tại Việt Nam về hiệu suất sử dụng công suất vì hiệu suất sử dụng công suất ổn định ở mức rất cao là trên 80% và hiệu suất sử dụng công suất tăng trưởng liên tục từ năm 2022 đến hết 6 tháng đầu năm 2024.

Đại diện 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép khẳng định, nguồn cung HRC nội địa hiện không đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam còn thể hiện qua việc mặc dù Hòa Phát là 1 trong 2 nhà sản xuất HRC tại Việt Nam nhưng các công ty con của Hòa Phát vẫn phải nhập khẩu HRC từ Trung Quốc với số lượng lớn và ngày càng tăng tính đến hết tháng 3/2024.

Theo đại diện 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép, phần giá tăng thêm do áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là lợi nhuận ròng tăng thêm cho Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh. Phần lợi nhuận tăng thêm này chính là khoản tiền mà người mua tại Việt Nam (bao gồm các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam, các nhà thầu xây dựng, các chủ đầu tư công trình, người tiêu dùng cuối cùng…) phải trả thêm để mua được HRC và các loại thành phẩm được sản xuất từ HRC (tôn mạ, ống thép…) với số lượng như trước đây so với khi chưa có thuế chống bán phá giá.

“Các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam tin tưởng rằng Bộ Công Thương sẽ đưa ra những quyết định khách quan, thấu tình đạt lý, phù hợp với quy định của pháp luật, bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam,” đơn phản biện của đại diện 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép bày tỏ.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong tương lai gần, ngành thép nội địa vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc do quy mô sản xuất nhỏ và chi phí sản xuất vẫn còn cao nếu so sánh với các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc. Đồng thời, có nhiều sản phẩm thép trong nước vẫn đang phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc.

Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành "Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" trong thời gian tới đây. Cơ quan này cũng đang hoàn tất dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành "Luật phát triển công nghiệp trọng điểm" với mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom