Vì sao cuộc “ly hôn” khí đốt giữa châu Âu và Nga lại mất thời gian?

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Những lời kêu gọi không sử dụng khí đốt của Nga ở châu Âu vẫn tiếp tục gia tăng nhưng trên thực tế điều này dường như không thể. Một báo cáo gần đây của Viện Brookings có tựa đề “Cuộc ly hôn lộn xộn của châu Âu khỏi khí đốt của Nga” chỉ ra rằng, trong hai năm qua, châu Âu đã giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga nhưng lượng nhập khẩu vẫn còn cao.

Theo báo cáo trên, nhập khẩu khí đốt của Nga chiếm 15% nguồn cung ở châu Âu, giảm mạnh so với con số hơn 40% trước thời kỳ xảy ra khủng hoảng. Trong đó, nhập khẩu khí đốt của Nga qua đường ống giảm xuống mức thấp lịch sử. Báo cáo gần đây của S&P Global cho biết, châu Âu đã giảm 83% khí đốt nhập khẩu từ Nga so với năm 2021. Điều này chủ yếu liên quan đến nguồn cung của các nước Trung Âu, như Hungary, Slovakia và Áo, những nước phụ thuộc vào khí đốt từ Nga thông qua đường ống dẫn khí qua Ukraine. Tuy nhiên, tại Áo, khí đốt của Nga vẫn chiếm 80% lượng tiêu thụ trong 5 tháng đầu năm 2024.


Tại Azerbaijan, các cuộc thảo luận về khả năng ngừng nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Nga đi qua Ukraine đang được tiến hành. Thỏa thuận 5 năm về vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sang châu Âu là thỏa thuận thương mại và chính trị duy nhất còn lại giữa Nga và Ukraine. Thỏa thuận này sẽ hết hạn sau ngày 31-12-2024.


Phần còn lại của lục địa, đặc biệt là Đức, phần lớn dựa vào Na Uy để thay thế lượng khí đốt của Nga trước đây đi qua đường ống Nord Stream. Nhập khẩu khí đốt của Na Uy trung bình đã tăng 30% so với năm 2021 nhưng những sự cố xảy ra ở cơ sở hạ tầng của nước này trong những tháng gần đây như một lời nhắc nhở rằng sự cân bằng mới của châu Âu rất mong manh.


EU đã giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga bằng cách thay thế bằng nhập khẩu LNG từ các quốc gia, bao gồm cả Mỹ-nơi đã trở thành nguồn khí đốt chính cho khối này. LNG chiếm lần lượt 37% và 34% lượng tiêu thụ khí đốt của châu Âu vào năm 2022 và 2023, so với 19% vào năm 2021. Trong số đó, khí đốt của Mỹ chủ yếu được vận chuyển vào châu Âu từ tháng 12-2021 đến tháng 4-2024 đã tăng gấp hơn 2 lần, lên 5,9 tỷ m3.


Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây vẫn không ngừng mua năng lượng của Nga mặc dù họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Moscow. Theo Bộ Năng lượng Nga, các quốc gia này vừa chuyển sang “giải pháp thay thế” để mua hàng nhập khẩu từ Nga. Hiện nay, Moscow tiếp tục vận chuyển khí đốt của mình thông qua các hợp đồng cung cấp dài hạn, đặc biệt là với TotalEnergies. Năm ngoái, châu Âu thậm chí còn tăng nhập khẩu LNG của Nga, bởi giá rẻ hơn so với các đối thủ Mỹ và Qatar. Pháp vẫn là nước nhập khẩu LNG hàng đầu của Nga ở châu Âu.


Theo Reuters, trước khi xung đột Ukraine nổ ra, Nga đã cung cấp khoảng 155 bcm khí đốt tự nhiên cho Liên minh châu Âu (EU), chủ yếu qua đường ống. Gazprom từng là nhà cung cấp khí đốt chính của EU, đã giảm đáng kể lượng xuất khẩu sang khối này vào năm 2022, sau lệnh trừng phạt của phương Tây và vụ phá hoại đường ống Nord Stream. Đường ống Nord Stream 1 chạy dưới biển Baltic và vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến EU, cùng với đường ống Nord Stream 2 mới xây dựng, đã bị vỡ do nổ dưới nước vào tháng 9-2022, khiến chúng không thể hoạt động.


Để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã chuyển hướng giao khí đốt về phía Đông và tăng mạnh doanh số bán cho Trung Quốc. Năm ngoái, Bắc Kinh đã tăng lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống từ Nga thông qua đường ống Power of Siberia lên 22,7 bcm, gần gấp 1,5 lần so với 15,4 bcm được vận chuyển vào năm 2022. Dẫu vậy, Gazprom vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt để vận chuyển đến Tây và Trung Âu qua lãnh thổ Ukraine thông qua trạm bơm khí Sudzha.


BÌNH NGUYÊN


*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom