Tưởng thoát vị đĩa đệm hóa nang nước lấp kín ống sống

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
TP HCMBà Huyền, 60 tuổi, đau nóng dữ dội quanh mông, lan dần ra sau đùi, hậu môn, bác sĩ phát hiện nang nước chiếm hết ống sống, chèn ép các rễ thần kinh.


Triệu chứng của bà Huyền kéo dài từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tưởng thoát vị đĩa đệm, chạy chữa nhiều nơi không bớt. Trong nửa năm bà sút 8 kg, mất ngủ, căng thẳng, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Kết quả chụp MRI 3 Tesla cho thấy bà Huyền có khối nang nước Tarlov, kích thước 2x3 cm, chiếm hết ống sống vùng cùng cụt.

Nang Tartov là những nang chứa đầy dịch não tủy quanh rễ thần kinh. Khối nang chèn ép hầu hết rễ thần kinh ở chùm đuôi ngựa (vị trí tận cùng của tủy sống có nhiều rễ thần kinh đi xuống giống như chùm đuôi ngựa).

Ngày 17/7, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trường hợp khối nang nước Tarlov to dần lên như bà Huyền khá ít gặp. "Khoảng 5-9% dân số mắc nang Tarlov bẩm sinh nhưng thường là nang nhỏ tại cột sống, bàn tay, cổ tay hoặc bụng", bác sĩ Tấn Sĩ nói. Trong đó, hơn 80% khối nang Tarlov không phát triển lớn (thường dưới 1 cm) và không gây triệu chứng, người bệnh có thể chung sống với nang, không cần thiết can thiệp. Kích thước khối nang nước của bà Huyền to 3 cm, thuộc dạng ít gặp trong số dưới 20% trường hợp phát triển hơn 1 cm.

Tình trạng của bà Huyền không đáp ứng với điều trị nội khoa. Nếu chậm trễ phẫu thuật, khối nang Tarlov phát triển kích thước liên tục do dịch não tủy chảy vào, mắc kẹt lại trong nang. Khối nang càng lớn càng gây chèn ép cấu trúc thần kinh xung quanh, triệu chứng nghiêm trọng hơn.



Hình chụp MRI 3 Tesla ghi nhận khối nang Tarlov trong cột sống bà Huyền chiếm hết ống sống vùng cùng cụt. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh


Theo bác sĩ Tấn Sĩ, nang Tarlov cột sống thông với đường dịch não tủy (chất lỏng không màu, lưu thông xung quanh não và tủy sống). Cách mổ truyền thống là cắt bao nang hoặc thắt cổ bao nang song dễ gây tổn thương các rễ thần kinh chứa nang (S1, S2). Người bệnh có thể bị di chứng thần kinh nghiêm trọng hơn trước mổ. Đồng thời, tình trạng ứ dịch não tủy tại vị trí cắt bao nang hoặc thắt cổ bao nang cũ làm tăng nguy cơ tái phát hoặc mọc mới khối nang Tarlov lân cận.

Bà Huyền được chỉ định mổ bằng kỹ thuật Modified MacNab. sử dụng hệ thống Kính vi phẫu K.Zeiss Kinevo 900 có chức năng chụp huỳnh quang 3D thế hệ mới nhất để mở đường mổ dài khoảng 7 cm dọc theo xương cùng, xương cụt cột sống. Từ đó, bác sĩ bóc tách các rễ thần kinh khỏi khối nang Tarlov, bảo tồn được toàn bộ chức năng cho người bệnh.

Sau đó, ê kíp mở vỏ bao, tháo và hút hết dịch não tủy chứa bên trong khối nang. Ngay lập tức, nang xẹp xuống, giảm gần hết kích cỡ, chỉ còn lại phần vỏ mỏng bao bên ngoài.

Với độ phóng đại và phân giải hình ảnh 3D lớn, kính vi phẫu K.Zeiss Kinevo 900 hỗ trợ bác sĩ dễ dàng bóc tách, bảo tồn các rễ phụ, nhánh nhỏ của rễ thần kinh còn dính vào bao nang.



Bác sĩ đang phẫu thuật khối nang Tarlov cho bà Huyền bằng Kính vi phẫu thế hệ mới. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh


Theo bác sĩ Tấn sĩ, điểm mấu chốt của kỹ thuật mổ Modified MacNab là ở bước cuối cùng loại bỏ hoàn toàn khối nang Tarlov cột sống. Thay vì cắt bao nang hoặc thắt cổ bao nang như trước đây, phẫu thuật viên khéo léo khâu túm vỏ bao, cuộn mép, quấn chặt vỏ bao nang vào các rễ thần kinh chứa nang, trả lại đúng vị trí giải phẫu thần kinh.

Để gia cố thêm thành bao nang, bác sĩ sử dụng một lớp màng cứng nhân tạo đưa vào quấn quanh lớp bao nang và các rễ thần kinh, giúp xử lý triệt để nguy cơ tái phát tại vị trí cũ hoặc mọc mới nang Tarlov ở vị trí lân cận.

Sau mổ, bà Huyền hết hẳn triệu chứng của bệnh, đi đứng, ăn uống bình thường, ngủ ngon giấc, dự kiến xuất viện sau 5 ngày.



Bác sĩ kiểm tra khả năng đi đứng, mức độ hồi phục vận động của bà Huyền sau mổ ba ngày. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh


cho biết nang nước Tarlov thường xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam, thường ở độ tuổi 31-60. Người bệnh nang rễ thần kinh cột sống Tarlov từ không có triệu chứng có thể chuyển sang có triệu chứng sau chấn thương do tai nạn, té ngã hoặc các hoạt động làm tăng áp suất dịch não tủy như khuân vác vật nặng, lao động gắng sức.

Tùy vào vị trí, kích thước, mức độ chèn ép của khối nang Tarlov vào dây thần kinh hoặc rễ thần kinh chi phối vùng cơ thể nào gây ra triệu chứng tê, đau, nóng, cảm giác kim châm, kiến bò hoặc ong đốt ở vùng cơ thể tương ứng. Khi có triệu chứng tương tự, người bệnh nên đi khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa phẫu thuật thần kinh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để khối nang phát triển ngày càng lớn, càng khó điều trị.

Trường Giang

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh để bác sĩ giải đáp

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom