- Bài viết
- 3,872
- Xu
- 3,217
TPHCM nhận "0 đồng" từ ngân sách Trung ương trong 3 năm chống dịch Covid-19
(Dân trí) - Từ năm 2020 đến tháng 10 năm 2022, TPHCM đã huy động hơn 12.750 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, kinh phí từ ngân sách Trung ương là 0 đồng.
dantri.com.vn
(Dân trí) - Từ năm 2020 đến tháng 10 năm 2022, TPHCM đã huy động hơn 12.750 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, kinh phí từ ngân sách Trung ương là 0 đồng.
Thông tin này được cho biết tại buổi giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, diễn ra ngày 30/12.Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, từ năm 2020 đến tháng 10 năm 2022, tổng nguồn lực huy động cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Sở Y tế là hơn 12.750 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách Trung ương là 0 đồng. Kinh phí từ ngân sách TPHCM là hơn 11.588 tỷ đồng, gần 205 tỷ đồng từ nguồn huy động khác. Các hiện vật sử dụng quy đổi tương đương số tiền hơn 956 tỷ đồng.
Buổi giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM ngày 30/12 (Ảnh: Hoàng Lê).
Về huy động các nguồn lực xã hội, theo số liệu của Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19, TPHCM đã thu, tiếp nhận của hơn 10.800 đơn vị ủng hộ với tổng số tiền hơn 5.908 tỷ đồng. Trong đó có hơn 1.237 tỷ đồng tiền mặt và chuyển khoản. Hàng hóa, nhu yếu phẩm được ủng hộ trị giá tương đương hơn 339 tỷ đồng.
Các phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế mà TPHCM nhận ủng hộ trị giá hơn 3.190 tỷ đồng, bao gồm hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, máy theo dõi bệnh nhân, đồ bảo hộ, kit test Covid-19… TPHCM cũng được ủng hộ hơn 318 tỷ đồng kinh phí mua vaccine, hơn 2,7 triệu túi an sinh tương đương hơn 821 tỷ đồng.
Về nguồn nhân lực tham gia chống dịch được huy động tại TPHCM, có hơn 43.700 người từ các đơn vị y tế công lập, y tế tư nhân và giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra trong năm 2021 khi tình hình dịch căng thẳng, có 163 đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế các tỉnh thành và các Trường cao đẳng, đại học các tỉnh thành đến hỗ trợ TPHCM, với tổng nhân lực hơn 27.500 người.
Sở Y tế TPHCM nhận định, trong thời gian chống dịch Covid-19, việc mua sắm còn gặp nhiều khó khăn, vì diễn biến của dịch phức tạp, khó lường nên việc lập dự toán kinh phí cho phòng chống dịch chưa xác với thực tế.
Việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang bị y tế trong thời gian dịch bệnh cũng gặp nhiều khó khăn, như hàng hóa khan hiếm, nhà cung cấp cung ứng nhỏ giọt, bất cập về giá cả, công tác nhập khẩu… Đáng chú ý, vì khó khăn trong việc thực hiện các văn bản quy định về mua sắm, dẫn đến việc chậm, muộn hoặc có những trang thiết bị không thể mua được.
Cũng theo Sở Y tế, có nhiều lực lượng thực tế tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 nhưng chưa được quy định chế độ phụ cấp, bồi dưỡng, như: Lực lượng đi tuần tra kiểm soát trong thời gian thực hiện cách ly xã hội; lực lượng tham gia công việc đảm bảo an sinh cho người dân; lực lượng đi kiểm tra giám sát công tác phòng dịch; Lực lượng tài chính, hậu cần, phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Lực lượng kiểm soát quân sự kiểm tra giấy đi đường của người dân thời điểm cách ly xã hội tại TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Từ những tồn tại trên, Sở Y tế TPHCM kiến nghị Quốc hội cho phép gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine đến hết ngày 31/12/2024; kiến nghị sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh, cho phù hợp.
Đối với Chính phủ, Sở Y tế TPHCM kiến nghị hỗ trợ ngân sách cho ngành y tế trong việc dự trữ một số thuốc hiếm trong công tác cấp cứu người bệnh. TPHCM mong được xem xét cơ chế đặc thù trong việc bố trí biên chế, cải thiện lương, thu nhập cho nhân viên y tế.
TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị định, Nghị quyết hướng dẫn giải quyết các khó khăn trong giai đoạn hiện nay về công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; sớm hoàn thiện chính sách, khung pháp lý trong công tác mua sắm thuốc nhằm hạn chế rủi ro, sai sót và tránh tâm lý hoang mang, lo lắng của những người thực hiện.
Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội nghiên cứu, ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh đầy đủ các yếu tố chi phí.