Tiểu thuyết đầu tay của Ocean Vương là một sự kiện văn học quan trọng nhanh chóng được dịch thành 24 thứ tiếng và New York times xếp hạng best seller 1999.
Sau đây là cuộc trò chuyện với tác giả về Việt Nam, về định kiến châu Á và sự cô đơn trong các chuyến xe buýt đến trường (được thực hiện bởi nhóm phóng viên tờ Ziet online- một trong những tờ báo lớn của Đức)
Ocean Vương đứng đó với nụ cười hiền từ trong phòng khách sạn ở Berlin và ngồi vào một chiếc bàn nhỏ. Người Mỹ 30 tuổi này sinh ra ở Sài Gòn và mới phát hành cuốn tiểu thuyết đầu tay “On Earth, We’re Briefly Gorgeous”, mang lại cho anh danh tiếng là một thần đồng văn học. Ở Berlin, anh xuất hiện trên bục đọc sách tại Liên hoan văn học quốc tế. Vào ngày thứ sáu cuối tháng 9 này, anh mặc một chiếc áo màu xanh, đội mũ lưỡi trai màu hồng và đeo một chiếc khuyên dài bằng vàng ở tai phải. Phong thái người nghệ sĩ toát ra một hỗn hợp hài hòa của sự dễ bị tổn thương và niềm tự hào. Khi biết rằng, ký giả phỏng vấn cũng có bố mẹ người Việt, mặt anh sáng bừng lên. Anh chuyển đổi dễ dàng từ tiếng Anh sang tiếng Việt trước khi quay lại tiếng Anh.
ZEIT ONLINE: Ông trốn khỏi Việt Nam cùng gia đình khi ông mới có hai tuổi. Ông có còn ký ức nào về thời gian trước đó không?
Ocean Vương: Không còn một chút nào. Điều đó thật buồn cười, nhưng những ký ức đầu tiên của tôi là từ Mỹ. Dù sao, tôi vẫn còn bà con ở Việt Nam và thỉnh thoảng có về thăm. Năm 2009, tôi trở về để tham dự đám tang của bà tôi. Lúc ấy tâm trạng thật bối rối: Trong tiềm thức, hình ảnh Việt Nam được tạo thành qua lời kể của những người thân. Tuy nhiên, khi đến Sài Gòn, tôi cảm thấy như mình đang ở Times Square thành phố New York. Nó giống như một thế giới khác! Văn hóa cũng đã thay đổi: trẻ con cởi mở và tự do hơn nhiều, gần như thiếu lễ độ. Tôi đã được giáo dục rất nghiêm ngặt ở nhà; khi thấy cách chúng nói chuyện với bố mẹ, tôi cảm thấy mình như một bà già.
ZEIT ONLINE: Ông lớn lên cùng gia đình Việt Nam tại Hartford, Connecticut. Cuộc sống đó giống như thế nào?
Vương: Chúng tôi bảy người sống cùng nhau trong căn hộ chỉ có một phòng ngủ: bố mẹ tôi, bà ngoại, chú, hai dì và tôi. Họ từng là nông dân trồng lúa, không được học hành và cũng chưa hề có một chiếc truyền hình; khi bước vào căn hộ đó, bạn có cảm giác như một cuộc hành trình vào quá khứ. Nhưng đồng thời, nơi đó thật vô cùng sinh động, giống như một ngôi làng nhỏ. Luôn luôn có một điều gì đó diễn ra, tiếng Việt luôn luôn được nói, không có một lúc nào yên lặng. Đối với một đứa trẻ như tôi không quen nói nhiều, điều đó thật tuyệt vời: tôi chỉ cần nhắm mắt, lắng nghe và cảm nhận là một phần của gia đình này.
ZEIT ONLINE: Điều gì đã xảy ra khi ông rời khỏi ngôi làng nhỏ này và bước ra ngoài?
Vương: Chúng tôi sống ở trung tâm thành phố, giữa một cộng đồng người da đen và châu Mỹ La-tinh. Bởi vì không có xe hơi, nên chúng tôi phải đi bộ đến khắp mọi nơi. Tôi không biết rằng nước Mỹ chủ yếu là người da trắng, cho đến khi tôi lớn lên và lái xe đến trung tâm thương mại. Lúc ấy tôi nghĩ: Đợi đã, chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy?! Có một huyền thoại, nước Mỹ là chiếc nồi dùng để nấu chảy mọi thứ, nhưng trong thực tế không có gì được hòa nhập với nhau, mọi thứ đều tách biệt. Bây giờ khi nghĩ về điều đó, tôi tin rằng thông qua những thế giới khác nhau này, tôi đã học được cách trở thành một con tắc kè hoa [có thể tự đổi màu]: tôi có thể điều chỉnh hành vi và cách nói chuyện của mình ở bất kỳ nơi nào tôi đến. Đối với một nhà văn, đó là điều tuyệt vời nhất: tôi có thể thoát xác để mang bất cứ tính chất nào, trở thành bất kỳ nhân vật nào.
ZEIT ONLINE: Có người Việt nào khác trong khu phố của ông không?
Vương: Có một gia đình Trung Quốc, nhưng họ không bao giờ rời khỏi nhà. Nhưng cũng có một siêu thị châu Á. Nó rất nhỏ và được nhồi nhét từ trên xuống dưới bằng ấm trà, đũa và những chiếc chăn đỏ kiểu Việt Nam. Mẹ tôi thường mua sắm ở đó một cách chậm rãi đặc biệt, để có nhiều thời gian hơn ở đó. Mẹ tôi chỉ vào các thứ và nói, “Đây là nước mắm, nước tương. Người ta nấu Phở như thế.” Khi còn bé, tôi ghét nó, nhưng bây giờ tôi nghĩ nó rất đẹp, một phương tiện giáo dục tuyệt vời.
[Khuê Phạm:] Vương ăn nói dịu dàng với dáng trầm tư. Anh đến với văn học qua thơ. Những bài thơ của anh đã xuất hiện trong các báo lớn như “New Yorker” hay “New York Times”, tập thơ “Night Sky with Exit Wounds” được Giải thưởng T. S. Eliot và sẽ được Hanser (ND: Nhà xuất bản Đức) xuất bản vào mùa xuân sang năm trong phiên bản song ngữ (“Nachthimmel mit Austrittswunden”). Cuốn tiểu thuyết “On Earth, We’re Briefly Gorgeous” có một hình thức trữ tình khác thường: Nó được viết như một lá thư; người kể chuyện về „tôi“ viết cho người mẹ Việt của mình, một người không biết đọc.
Trong từng mảnh vỡ, Vương kể về cuộc đời của một cậu bé tên là Little Dog, cũng sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Hartford và yêu một cậu bé da trắng, người sau này đã rơi vào nghiện ngập ma túy. Từ bản phác họa của anh, người ta đọc được nỗi đau của một người ngoại cuộc, người phải đấu tranh để thoát khỏi quá khứ chiến tranh của gia đình và hạn chế của môi trường sống chung quanh. Vương nói, tất cả các nhân vật đều dựa trên những con người thật. Anh chủ ý quyết định không viết theo thể loại hồi ký hoặc phi hư cấu: các nhân vật của anh nên có một cuộc sống riêng của họ.
Con là người Việt Nam, điều đó đã đủ phiền toái rồi
ZEIT ONLINE: Little Dog, nhân vật chính trong cuốn sách của ông, đón xe buýt đến trường mỗi buổi sáng và đau khổ với sự thật rằng, không ai muốn ngồi bên cạnh mình. Ông thường có trải nghiệm này không?
Vương: Vâng, điều đó xảy ra với tôi thường xuyên. Trong bản thảo đầu tiên, tôi đã viết một phiên bản trung thực hơn của cảnh này trên xe buýt, nhưng sau đó lại lấy nó ra vì nó quá hoàn hảo, tựa như một cảnh được dàn dựng trong phim ảnh.
ZEIT ONLINE: Câu chuyện thực sự như thế nào?
Vương: Một hôm, một cô gái da trắng thấy tôi ngồi đó và khóc. Cô cũng bị người khác trêu chọc vì cô có niềng răng và đeo kính. Cô ấy ngồi xuống cạnh tôi và làm một điều tuyệt vời. “Bạn có bảng tính nhân ở đó không?”, cô ấy hỏi tôi. “Một lần một là 1. Hai lần hai là 4.” Chúng tôi cùng nhau nói như thế. Sau khi tôi viết ra cảnh này, tôi đọc lại một lần nữa và tự nhủ: Đối với tôi, khoảnh khắc này có giá trị thật tuyệt diệu, tôi không muốn biến nó thành văn chương. Dường như tôi đã nghĩ sai. Trong cuốn sách, Little Dog sau đó được người ông da trắng cứu thoát.
ZEIT ONLINE: Có vấn đề gì không, khi ông luôn phải ngồi một mình trong xe buýt đến trường?
Vương: Mẹ của Little Dog khuyên hắn là nên làm kẻ vô hình để không ai chú ý đến. Bà nói: “Con là người Việt Nam, điều đó đã đủ phiền toái rồi”. Bà ấy đến từ một thế giới khác, từ chiến tranh, vì vậy bà ấy muốn bảo vệ đứa con của mình: ai tỏ ra lộ liễu quá, sẽ có nguy cơ bị làm tổn thương. Đứa bé nghe lời mẹ. Một mặt, cuốn sách là một cuốn tiểu thuyết giáo dục, nhưng mặt khác cũng là cuốn tiểu thuyết nghệ thuật. Làm thế nào mà người này đã trở thành một nghệ sĩ? Làm thế nào mà đứa trẻ này, luôn cố gắng làm ra vẻ vô hình, rồi cuối cùng bắt đầu nói và tìm kiếm sự thỏa mãn trong tình dục của mình?
ZEIT ONLINE: Những cảnh ân ái giữa Little Dog và người bạn da trắng của anh ta, Trevor, thật vô cùng mạnh mẽ. Thật hiếm khi người ta đọc được một điều như vậy. Có khó để viết như thế không?
Vương: Những cảnh này rất khó, nhưng tôi muốn viết ra vì chúng nói lên khía cạnh của sự đồng tính luyến ái, chuyện mà mọi người sợ nhất. Chúng ta học được lạc thú tình dục trong thất bại. Ở trường, họ không dạy bạn bất cứ điều gì về tình dục đồng tính trong giáo dục giới tính. Cha mẹ không hề nói điều đó với con cái. Không có gì hết. Người ta vấp ngã trong bóng tối, theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng, và đó là một phần của trải nghiệm bản thân. Tôi muốn tôn vinh truyền thống lâu đời của những người đồng tính.
ZEIT ONLINE: Bằng cách viết những cảnh ân ái này một cách cởi mở, ông cũng đã phá vỡ định kiến của người đàn ông châu Á vốn thường là ức chế.
Vương: Người châu Á thường được cho là nhỏ bé, ít nói và có nữ tính – những phẩm chất được coi là yếu đuối ở Mỹ. Điều khuôn mẫu là, chúng tôi làm như thể người khác luôn luôn có lý, và thể hiện một bản sắc “theo sau quí vị!”. Chúng tôi làm việc trong ngành dịch vụ, trong tiệm giặt ủi và tiệm làm móng, chúng tôi dọn dẹp khách sạn và chăm sóc người bệnh. Tôi rất ray rứt muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra, khi một người Mỹ gốc Á chấm dứt việc cố gắng làm hài lòng người khác và bắt đầu tự chú ý tới bản thân mình.
Sẽ như thế nào khi ta thuộc về một thiểu số đang dần dần trở nên hữu hình? Vương giơ tay lên không trung và làm một vòng bán nguyệt, để tưởng tượng một đống tuyết cao. Anh nói, làm một nghệ sĩ châu Á có nghĩa là chạy qua đống tuyết này. Ban đầu không có gì hết, nhưng cuối cùng còn một dấu vết ở đó.
ZEIT ONLINE: Năm ngoái có một bộ phim Hollywood đã được ra mắt trong các rạp chiếu bóng. Tất cả diễn viên đều là người gốc Á, không có ngoại lệ, đó là phim Crazy Rich Asians. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, phim đó đã giành vị trí số một trên bảng xếp hạng đắt khách của điện ảnh Mỹ. Ông đã xem chưa?
Vương: Crazy Rich Asians là một bộ phim hài lãng mạn vốn không lý giải sâu sắc các chủ đề của người Mỹ gốc Á. Nhưng nó đã chạm vào cánh cửa và kiếm được rất nhiều tiền. Tôi không đặc biệt thích thể loại này, nhưng tôi đã xem vì nó quan trọng. Đó là một buổi sáng lúc mười một giờ và phòng chiếu phim đầy những khán giả da trắng. Cảnh đầu tiên bắt đầu với một bài hát opera tiếng Hoa. Tôi ngồi đó và không cầm được nước mắt. Bất kể nội dung phim thế nào – ở đây toàn những người da trắng, lúc mười một giờ sáng, nghe một bài hát opera tiếng Hoa! Chỉ riêng điều đó thật là quan trọng!
Bà rất tự hào, rằng con bà đã làm được chuyện như thế
ZEIT ONLINE: Ông có nghĩ rằng bây giờ công chúng quan tâm hơn đối với những câu chuyện thuộc loại đó không? Ông có được lợi ích từ điều đó không?
Vương: Hoàn toàn đúng. Nếu tôi viết cuốn sách của mình vào năm 1970, sẽ không có ai biết gì về nó. Tôi thậm chí sẽ không dám đặt chân vào một tòa nhà xuất bản! May mắn thay, đã có một vài nhà văn mở đường: người đấu tranh cho nữ quyền Maxine Hong Kingston, người đoạt giải Pulitzer Việt Thanh Nguyễn, tiểu thuyết gia Monique Truong. Trong thời gian qua, ý thức đã mạnh hơn. Câu hỏi là, liệu nó sẽ giữ được như vậy hay không.
ZEIT ONLINE: Sách của ông đã được dịch sang 23 thứ tiếng. Có ai dịch ra Việt ngữ chưa?
Vương: Cho đến bây giờ thì chưa. Việt Nam thật khó khăn, vì có rất nhiều kiểm duyệt và cuốn sách thì nói về Việt Nam. Nhưng sách đã được bán ở Trung Quốc, nơi nó cũng bị kiểm duyệt một chút.
ZEIT ONLINE: Gần đây, tôi có về Sài Gòn và nghe một số trí thức đang nói về ông. Họ biết ông qua kênh YouTube.
Vương: Có một sự khác biệt lớn giữa nhà nước Việt Nam và các nghệ sĩ trong bóng tối. Ở Việt Nam từ trước vẫn luôn như vậy, nhưng bây giờ chúng ta biết được nhiều hơn thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Khi họ bảo tôi nên về một chuyến, trái tim tôi thật xao xuyến. Tôi cũng muốn thế, nhưng nhiều người bạn của tôi gặp vấn đề về thị thực nhập cảnh khi họ muốn du lịch đến đó, hoặc họ bị rơi vào danh sách của bộ máy an ninh quốc gia. Tôi đang chờ đợi một cơ hội tốt để đi. Nhưng tôi biết rằng, có nhiều điều tuyệt vời trong đời sống ngầm, cũng như việc đọc thơ.
ZEIT ONLINE: Ông đã dịch vài đoạn văn từ cuốn sách của mình để đọc cho gia đình nghe chưa?
Vương: Tôi không thể dịch nó. Tiếng Anh quá phức tạp và vốn tiếng Việt của tôi chưa đủ tốt. Trước đây, tôi muốn cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của mình vì tôi nghĩ đến việc sẽ làm nghề phiên dịch. Rồi tôi học nhiều từ mới, đem về nhà và sử dụng chúng. Gia đình tôi không hiểu gì hết. Tôi tự nhủ: Tôi quả thật đã ở rất xa họ vì tiếng Anh của tôi, tôi không thể để bản thân mình bị tách xa hơn khỏi gia đình chỉ vì chuyện tiếng Việt. Có lẽ tôi sẽ học lại, khi họ không còn nữa. Nhưng bây giờ, tôi cứ để tiếng Việt của mình ở tình trạng này, tức ở trình độ lớp ba.
ZEIT ONLINE: Cuốn sách của ông là một lá thư gửi mẹ của người kể chuyện về „tôi“. Mẹ của ông nói gì về chuyện đó?
Vương: Tôi nói với mẹ những gì tôi đang viết, nhưng hơi giống như tôi đang kể cho mẹ về chuyện ở Sao Hỏa. Đó không phải là thế giới của mẹ tôi. Những người trong gia đình tôi làm việc trong các nhà máy và tiệm làm móng, đọc chữ là một thứ hàng xa xỉ tư sản mà họ chưa bao giờ có. Tại sao tôi nên yêu cầu họ phải quan tâm? Bằng cách nào đó, tôi thích thế này: Khi tôi về nhà, tôi chỉ là một đứa con trai, không phải là nhà văn Ocean Vương. Tuy nhiên, mẹ tôi lại thích đến những buổi đọc sách của tôi, bà trang điểm thật hợp thời trang và nhìn khán giả vì bà không hiểu tôi đang nói gì. Bà muốn nhìn khuôn mặt của họ, và nghiên cứu họ như một nhà nhân chủng học. Bà rất tự hào rằng, con trai mình đang làm điều như thế.
ZEIT ONLINE: Rằng con bà đạt được điều đó.
Vương: Chính xác. Bây giờ tôi có thể hỗ trợ mẹ. Trước đây, người ta phải gọi điện khắp bà con nếu ai đó cần một chiếc răng mới hoặc khi chiếc xe bị hỏng. Cả làng như chìm trong đám cháy. Sau đó, chúng tôi phải đến siêu thị châu Á nhỏ kia để vay tiền. Điều đó thật khủng khiếp và vô cùng căng thẳng. Bây giờ tôi có thể xử lý nó khi điện thoại đổ chuông, thật giống như trò ảo thuật. Đôi khi tôi nói đùa về nó. Khi mẹ gọi điện, tôi nhấc máy và chỉ hỏi: bao nhiêu? (Cười)
ZEIT ONLINE: Nhiều người nhập cư thế hệ một hy sinh rất nhiều để con cái họ được tốt hơn. Mẹ ông hiện đang bị ung thư. Ông có cảm thấy rằng thành công của ông là một sự bù đắp cho sự đau khổ của bà? Rằng ông có thể trả lại cái gì đó cho bà?
Vương: Điều đó có thể đúng, nhưng tôi cũng sẽ hỗ trợ mẹ tôi ngay cả khi tôi không trở thành nhà văn. Khi tôi học cấp ba, tôi làm việc tại Panera Bread (ghi chú BBT: một chuỗi cửa hàng bánh của Mỹ). Tôi lo chuyện nhập đơn đặt hàng cho các bánh sandwich trên máy tính. Những người khác đã làm thành thạo điều đó, nhưng tôi vẫn không thể xử lý nổi chiếc máy tính. Anh chàng làm bánh sandwich lúc nào cũng la mắng tôi, “Ocean, bạn đã làm sai!” Tôi xin mọi người cho tôi đi dọn dẹp nhà vệ sinh, họ hết sức ngạc nhiên. Ông chủ chạy theo tôi vì ông nghĩ rằng tôi đang tính làm điều gì đó cấm kị. Nhưng tôi chỉ muốn ở một mình, điều đó tốt hơn cho tôi rất nhiều. Ngay cả thời đó, tôi cũng đã hỗ trợ mẹ và gia đình.
Sửa lần cuối: