- Bài viết
- 3,872
- Xu
- 3,217
Tình nghĩa Việt- Lào: Bản làng biên giới và những gia đình mang hai dòng máu
VOV.VN - Những bản làng của người Lào trên đất Việt và người Việt trên đất Lào đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của mỗi đất nước.
vov.vn
Những bản làng của người Lào trên đất Việt và người Việt trên đất Lào đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của mỗi đất nước.
Điều kiện gần gũi về mặt địa lý, cũng như quan hệ truyền thống mật thiết, gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào đã thúc đẩy quá trình giao thoa, giao lưu dọc biên giới. Từ đó, trên lãnh thổ của hai nước, đã hình thành nên những bản làng xen cư, cộng cư, với nhiều thế hệ công dân mang trong mình hai dòng máu Việt - Lào. Được chính quyền hai nước tạo điều kiện giúp đỡ, những bản làng của người Lào trên đất Việt và người Việt trên đất Lào đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của mỗi đất nước.
Nơi ấy, cuộc sống chan hòa, đoàn kết là minh chứng sống động cho nghĩa tình bền bỉ sắt son giữa hai dân tộc.
Giữa trùng điệp núi rừng của huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, có một bản người Lào Thơng từ Lào sang lập nghiệp và trở thành dân xã Phú Gia. Tất cả đều lấy họ Lê và được cấp quốc tịch Việt Nam. Dù đã gần trăm năm sống trên đất Việt, nhưng bà con vẫn luôn ý thức giữ gìn tiếng mẹ đẻ.
Tuần nào cũng vậy, cứ tiết cuối cùng của ngày thứ 6, những đứa bé người Việt gốc Lào ở bản Lào Thơng này lại được học tiếng Lào do ông Nai Hòe (tức Lê Văn Hòe), Trưởng thôn Phú Lâm giảng dạy, với sự hỗ trợ của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Tĩnh và Đồn Biên phòng Phú Gia. Những đứa trẻ với đôi mắt trong veo, nụ cười hồn nhiên, trong sáng vô cùng thích thú khi được học tiếng Lào:
- Con có được học tiếng Lào không?
- Có cô ạ. Vì học để biết chữ dân tộc mình.
- Con biết những từ nào rồi?
- Con biết từ ăn cá, ăn cơm…”
Trưởng thôn Nai Hòe năm nay đã 56 tuổi, là thế hệ thứ 3, kể từ khi tổ tiên ông cùng bà con dân bản vượt biên giới, sang vùng núi rừng Hương Khê để chạy trốn sự áp bức, đói nghèo hơn 90 năm trước. Phát rừng làm nương rẫy, tỉa lúa, trồng khoai, săn thú, bắt cá, cuộc sống du canh, du cư của bà con người Lào chỉ thực sự chấm dứt khi có sự giúp đỡ của người dân Việt Nam và bộ đội biên phòng Hà Tĩnh. Nhờ đó mà đến nay, bản Lào Thơng ở Phú Gia đã có 5 thế hệ sinh sống với hơn 300 nhân khẩu. Họ thực sự đã trở thành một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
“Theo như lời cha ông kể lại, chúng tôi sang đây trước năm 1930, sống với người Việt Nam, làm việc cũng như người Việt Nam. Đến năm, đến tháng có việc vui, việc buồn thì sang anh em bên kia, trước đây gọi là bản Làng Triều nhưng giờ gọi là bản Vàng Chạng, huyện Na Kai, tỉnh Khăm Muộn” - Trưởng thôn Nai Hòe nói.
Ông Lê Văn Hòe, Trưởng thôn Phú Lâm, đang cố gắng khôi phục và giữ gìn tiếng mẹ đẻ dưới sự giúp đỡ của Sở GDĐT Hà Tĩnh.
Cũng như nhiều nhà dân trong bản, ngôi nhà của Trưởng thôn Nai Hòe luôn đầy ắp tiếng cười. Bởi ngoài tình cảm của cộng đồng người Lào Thơng, còn có sự đùm bọc, sẻ chia của người dân, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh.
“Hộ nghèo họ đầu tư góp tiền của chiến sĩ hỗ trợ sửa sang lại nhà, những cháu nào thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, nghèo thì Đồn Biên phòng đỡ đầu, nhận làm con nuôi. Nhà nước thì hỗ trợ các giống cây trồng, giống chăn nuôi, nên bà con ngày càng được nâng cao đời sống” - một người dân nói.
Hết nắng hạn đến mưa nguồn, người Lào Thơng ở vùng biên giới Hà Tĩnh từ lâu đã hòa nhập vào cuộc sống, sinh hoạt của người Việt. Nhiều thanh niên gốc Lào Thơng đã kết hôn với người Việt, để rồi, bản làng ngày càng nhiều đứa trẻ mang hai dòng máu Việt - Lào ra đời. Tiếng trẻ em bi bô, niềm hạnh phúc của mọi người nhân lên gấp bội. Bởi đó là những mầm xanh, mai này sẽ viết tiếp câu chuyện về tình cảm thủy chung, trong sáng có một không hai giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Cô giáo Bùi Thị Hồng Hoài, có chồng người Lào Thơng chia sẻ: “Dân tộc Kinh với dân tộc Lào cũng giống như những người thân của mình vậy, không phân biệt. Và học sinh bây giờ cũng thế, các em cũng không phân biệt người Lào hay người Việt”.
Học sinh điểm trường Phú Lâm, tiểu học Phú Gia, Hương Khê, Hà Tĩnh giờ tan học.
Di cư sang đất Việt, rồi cắm bản, dựng nhà, cuộc sống no ấm, làng xóm thanh bình. Người dân tộc Lào Thơng là vậy, dù đi đâu ở đâu, bà con vẫn giữ nếp sống mộc mạc, chân tình của mình trong quan hệ với người dân và chính quyền địa phương. Ở biên giới xa xôi, bà con luôn coi Đồn Biên phòng là nơi để nương tựa, kết nối cộng đồng, chung tay cùng bà con người Việt xây dựng quê hương, cuộc sống ngày càng ổn định, khấm khá hơn.
Thiếu tá Nguyễn Văn Quang - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Gia, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết: “Người dân hiện nay cũng ổn định cuộc sống, kinh tế phát triển, tỷ lệ hộ khá và vừa tương đối cao trên địa bàn. Đồn Biên phòng Phú Gia phối hợp tốt với các tổ chức tài trợ, phối hợp phát triển kinh tế - xã hội, động viên bà con địa bàn ổn định cuộc sống”.
Rời bản Phú Lâm, chúng tôi tiếp tục hành trình đi qua tỉnh Bô-ly-khăm-xay của nước bạn Lào sau đó xuôi về phương Nam đến tỉnh Khăm Muộn, tới một ngôi làng mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam ở huyện Nọng Bốc. Đó là bản Xiêng Vảng, bên bờ sông Mê Kông - nơi sinh sống của gần 157 gia đình người Lào, trong đó có 57 gia đình người Lào gốc Việt thế hệ thứ 2, thứ 3. Hơn một thế kỷ di cư từ Quảng Bình sang Lào, bà con vẫn giữ được những nét sinh hoạt truyền thống quê nhà. Một đình làng mái cong cong nép mình dưới bóng cây đa, nơi bà con gặp mặt nhau trong những dịp tế lễ dân gian; nghề làm bánh ít lá gai, bánh đa nem, phở khô mang theo từ Quảng Bình đã giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống.
Hơn 40 năm làm bánh phở, bà Trần Thị Lương ở Xiêng Vảng cho biết, mỗi ngày, 3 người làm được 20 kg bánh phở khô. Sản phẩm làm ra đến đâu, bán hết đến đấy. “Tôi làm nghề này từ lâu rồi, từ mấy chục năm rồi. Mình mang đi bán bên ngoài thì người Lào hay người Việt không phân biệt, người nào cũng mua hết” - bà Lương nói.
Xiêng Vảng còn được biết đến là nơi Bác Hồ từng hoạt động Cách mạng gần 100 năm trước. Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ở đây đã trở thành một điểm tham quan của bà con Việt Kiều và du khách mỗi dịp đến Lào. Tự hào về đất nước, quê hương Việt Nam, người già thường nhắc nhở cháu con giữ gìn văn hóa, tiếng nói, bản sắc dân tộc mình. Bà con thường kể cho nhau nghe những câu chuyện về công ơn của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người con của tỉnh Quảng Bình và tình cảm khăng khít giữa hai dân tộc, hai đất nước Việt Nam - Lào.
Chị Lê Thị Hà ở bản Xiêng Vảng cho biết, rất tự hào vì gia đình mình từng nuôi giấu cán bộ cách mạng. Cộng đồng người Việt và người Lào chung sống như anh em một nhà: “Vào sinh nhật Bác Hồ, ngày Quốc khánh Việt Nam, là ngày mà người dân chúng tôi cả Lào và Việt Nam cùng nhau lên Khu lưu niệm Bác Hồ thắp hương. Người già, bố mẹ, ông bà kể cho con cháu nghe Bác đến đây và dặn làm như thế nào, dạy con, dạy cháu ăn ở có tình cảm, cùng nhau làm việc”.
Hướng dẫn viên tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trưởng bản Xiêng Vảng ông Chằn Thạ Khít Mạ Ni Pạ Còn cho biết, bà con người Việt ở đây đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của bản, từ việc xây dựng văn phòng đến trường học, đường sá... Từ năm 1995, người Việt ở bản Xiêng Vảng đã có quốc tịch Lào. Khu lưu niệm Bác Hồ ở bản Xiêng Vảng đã trở thành địa chỉ quen thuộc để người Việt và người Lào thường xuyên thăm viếng, bày tỏ lòng biết ơn đối với Bác Hồ - người bạn lớn của đất nước và nhân dân Lào.
“Cứ ngày 15 hàng tháng, chúng tôi đều dẫn bà con trong bản đến vệ sinh Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận động cả thanh niên, các đoàn hội tham gia để giữ gìn truyền thống tốt đẹp của hai dân tộc Lào - Việt. Ngoài ra, còn sát sao chỉ đạo để khơi dậy tình đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân hai nước Lào - Việt Nam" - ông Chằn Thạ Khít Mạ Ni Pạ Còn nói.
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên có khách du lịch tới thăm quan.
Còn ông Phay Mạ Ni Phôm Mạ Sản, Phó Chánh Văn phòng tỉnh Khăm Muộn, Trưởng ban quản lý Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiêng Vảng thì rất vui khi nói về những đóng góp của cộng đồng người Lào gốc Việt tại huyện Nọng Bốc đối với sự phát triển kinh tế của địa phương.
“Khăm Muộn có đặc sản bánh gai cũng là nhờ bản Xiêng Vảng này. Phở Xiêng Vảng cũng nằm trong những mục tiêu phát triển thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh và gắn với phát triển du lịch để khách du lịch có thể vừa đến thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa tham quan quy trình sản xuất bánh gai, bánh phở tại đây và mua về làm quà” - Phó Chánh Văn phòng tỉnh Khăm Muộn chia sẻ.
Ông Phay Mạ Ni Phôm Mạ Sản, Phó chánh văn phòng tỉnh Khăm Muộn, Trưởng ban quản lý Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những gia đình mang hai dòng máu Việt - Lào, những bản làng mang trong mình bao hoài niệm, dấu ấn văn hóa dân tộc dọc biên giới hai nước đang ngày càng ấm no, hạnh phúc nhờ các chương trình hỗ trợ của Đảng, Chính phủ. Đó chính là biểu hiện sinh động, là ngọn lửa ấm áp góp phần làm sáng lên mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung son sắt giữa hai dân tộc, hai đất nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản, Chủ tịch Xu Pha Nu Vông và các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã dày công vun đắp./.