Thành viên của EVN có 'tiền gửi lên đến hàng chục nghìn tỷ', 'doanh nghiệp bán điện cho EVN cũng lãi lớn'
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, liên quan đến giá điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau, Lê Thanh Vân cho rằng, EVN kêu lỗ nhưng 5 đơn vị thuộc EVN là Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) lại báo lãi. Tất nhiên là lãi so với cùng kì năm trước không cao hơn, nhưng vẫn là có lãi.
"Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao trong lúc các đơn vị thành viên có doanh số tăng, lãi tăng, trong đó có công ty gửi ngân hàng ít khoảng 4.000 tỷ đồng, công ty nhiều gửi đến 10.000 tỷ đồng, tức là số tiền gửi lên đến hàng chục nghìn tỷ và ngay cả các doanh nghiệp bán điện cho EVN cũng đều có lãi lớn, vậy tại sao EVN lại báo lỗ? Phải chăng đây là cách đẩy cái lỗ về cho tập đoàn mẹ và đẩy lãi về cho các đơn vị thành viên? Đây là câu hỏi lớn, rất cần có câu trả lời", đại biểu Lê Thanh Vân trả lời báo chí tại hành lang Quốc hội.
Theo công bố, năm 2022 công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ hơn 26.000 tỷ đồng. Nhưng Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc có hơn 10.500 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Tổng Công ty Điện lực miền Trung có khoảng 5.000 tỷ đồng. Số tiền gửi ngân hàng của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam là gần 5.500 tỷ đồng. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội có gần 5.000 tỷ đồng và Tổng Công ty Điện lực TPHCM có gần 4.000 tỷ đồng gửi ngân hàng...
Giải trình về vấn đề này EVN cho rằng, cần xem xét con số gửi hàng chục nghìn tỷ với số dư nợ ngắn hạn, khoảng 60.045 tỷ đồng, tại cùng thời điểm của các công ty thành viên.
Theo EVN, các khoản nợ ngắn hạn trên cho thấy số nợ vay tại các đơn vị là rất lớn. Nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao, đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn, nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay thời gian tới.
Ngoài ra, số tiền này được dùng để thanh toán trả nợ cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà, thủy điện nhỏ vào đầu tháng sau theo các hợp đồng đã ký. Số tiền này cũng để đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải (tiêu thụ điện năng), và chi phí cho sản xuất kinh doanh.
'Bất ngờ' với hàng chục nghìn tỷ tiền gửi của doanh nghiệp điện niêm yết
Doanh nghiệp điện niêm yết trên sàn chứng khoán là một phần bức tranh ngành điện, hầu hết trong đó là các doanh nghiệp bán điện cho EVN. Thống kê 28 doanh nghiệp cho thấy, trữ tiền các doanh nghiệp này có gần 27.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022 và 'bốc hơi' nhanh chóng trong quý I/2023. Bất ngờ hơn, lượng trữ tiền này chỉ bằng 30%-36% số dư vay nợ ngân hàng và tổ chức tài chính tại cùng thời điểm.
Dữ liệu cho thấy, tính tới 31/3/2023, hầu hết các doanh nghiệp ngành điện đều có mức trữ tiền giảm mạnh. Trong tổng số 28 doanh nghiệp ngành điện niêm yết khảo sát ghi nhận trữ tiền cuối quý I/2023 giảm 19,2% so với hồi cuối năm 2022, xuống 21.768 tỷ đồng và giảm 28,4% so với Quý I/2022.
Tại ngày 31/3/2023, hầu hết các doanh nghiệp ngành điện đều có mức trữ tiền giảm mạnh. Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính
Trong quý I/2023, các doanh nghiệp có mức trữ tiền tăng so với cùng kỳ năm 2022 như PC1 tăng 15,6% lên 2.748 tỷ đồng; NT2 tăng vọt từ 57 tỷ đồng lên 1.031 tỷ đồng; GEG tăng 89% lên 499,5 tỷ đồng; TMP tăng 25,4% lên 705,8 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp ghi nhận trữ tiền mặt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như HND giảm 72% xuống 118,3 tỷ đồng; GEX giảm 54% xuống 6.487 tỷ đồng; BCG giảm 56% xuống 1.062 tỷ đồng; VSH giảm 47% xuống 75 tỷ đồng; POW giảm 10% xuống 6.842 tỷ đồng; QTP giảm 31,6% xuống 299,2 tỷ đồng; ...
Dù tiền gửi lên đến hàng chục nghìn tỷ nhưng so với số dư vay nợ ngân hàng của các doanh nghiệp, con số này chỉ bằng 30-36%.
Tại các doanh nghiệp điện niêm yết, lượng trữ tiền chỉ bằng 30%-36% số dư vay nợ ngân hàng. Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính
Các doanh nghiệp nợ vay giảm nhẹ so với đầu năm: PC1 vay nợ 11.332 tỷ đồng; POW vay 7.877 tỷ đồng; HND nợ 1.172,6 tỷ đồng; VSH nợ 3.964,7 tỷ đồng; HND nợ 1.172,6 tỷ đồng, CHP ghi nhận 961 tỷ đồng...
'Doanh nghiệp bán điện cho EVN cũng lãi lớn' nhưng thiếu ổn định và bị phụ thuộc
Dữ liệu cho thấy, năm 2022, 28 doanh nghiệp ngành điện niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế gần 12.060 tỷ đồng, tăng bình quân 9% so với năm 2021. Nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng vọt nhờ chênh lệch tỷ giá đến từ khoản vay nợ bằng ngoại tệ; hoặc nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi trong năm 2022 qua đó sản lượng điện thương phẩm tăng. Ngoài ra giá điện cạnh tranh cũng giúp các doanh nghiệp bán điện có lợi thế hơn.
Tuy nhiên, 2 yếu tố chính tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất điện là điều kiện thủy văn và giá nhiên liệu, vì vậy lợi nhuận của các doanh nghiệp này thiếu ổn định và bị phụ thuộc cao. Đơn cử, trong quý I/2023 28 doanh nghiệp điện niêm yết tạo ra doanh thu khoảng 22.500 tỷ đồng, giảm 24% so với quý I/2022 (ở mức 29.600 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế giảm mạnh từ 4.666 tỷ đồng trong quý I/2022 giảm xuống 2.600 tỷ đồng trong kỳ này (giảm 44,3%).
Trong kỳ, phần lớn các doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận đi lùi so với cùng kỳ. Số ít doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng dương, trong đó NT2 tăng 46,4% với 246,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, CHP tăng gần 40% lên 113,4 tỷ đồng, VSH tăng 17% lên 516,2 tỷ đồng, SBA (mẹ) tăng 20% và Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) ghi nhận 17,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 12 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, loạt ông lớn ngành thiết bị điện như PC1, GEX, BCG, hay các công ty nhiệt điện như QTP, HND... đều ghi nhận lợi nhuận giảm sâu.
Cụ thể, trong quý I/2023, BCG trong kỳ này ghi nhận tổng doanh thu 701,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 35,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 44% và 95% so với cùng kỳ năm trước.
PC1 ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.505 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, lợi nhuận trước thuế giảm tới 54% xuống 84,4 tỷ đồng. Sở dĩ lợi nhuận kỳ này của PC1 giảm do lợi nhuận yếu từ mảng phát điện và sản xuất trụ điện ảnh hưởng đến lãi tăng từ mảng xây lắp điện.
GEX trong kỳ đạt 6.410 tỷ đồng doanh thu, giảm 25,8%, lợi nhuận trước thuế giảm tới 84% xuống 143,8 tỷ đồng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp nhiệt điện phía Bắc trong quý I/2023 dường như khó khăn hơn trung bình của cả nước do thiếu nhiên liệu. Nhiệt Điện Quảng Ninh (QTP) trong quý I/2023 giảm 55,6% xuống còn 161,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; Nhiệt điện Hải Phòng (HND) lợi nhuận lao dốc tới 96% xuống còn vỏn vẹn 10,7 tỷ đồng; Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) ghi nhận lỗ gấp đôi so với cùng kỳ lên âm 5 tỷ đồng…
Các doanh nghiệp nhiệt điện cho biết, hiện đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất vì thiếu than. Tình hình cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký. Đến nay, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát.
Bán điện cho EVN lãi lớn, nhưng tiền mặt của doanh nghiệp điện "bốc hơi" chóng mặt
Dữ liệu của Dân Việt cho thấy doanh nghiệp điện niêm yết trên sàn có gần 27.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022 và 'bốc hơi' nhanh chóng trong quý I/2023, và đang bị khối nợ khổng lồ đè nặng. Riêng các công ty thành viên của EVN có vài chục nghìn tỷ gửi ngân hàng nhưng cũng ôm khoản nợ khủng...
danviet.vn