- Bài viết
- 772
- Xu
- 993
Đã bao giờ bạn tâm sự với ai đó rằng mình cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống hoặc công việc hiện tại và rồi nhận được lời đáp hết sức cảm lạnh như “Thôi đi, ngoài kia nhiều người còn khổ hơn mình. Phải thấy may mắn vì còn có việc để làm. Lạc quan lên, rồi sẽ ổn thôi”?
Những lời động viên tích cực ấy vô tình lại trở nên độc hại.
Tích cực độc hại là một hiện tượng hoặc trạng thái tích cực thái quá ngay cả trong những tình huống khó khăn. Kiểu suy nghĩ này có thể dẫn đến việc vô hiệu hóa cảm xúc và trải nghiệm thực sự của một người, cản trở quá trình chữa bệnh và thúc đẩy tâm lý “luôn vui vẻ” có hại.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá tích cực độc hại là gì, tác động của tính tích cực độc hại trong công việc và cách nhận biết cũng như tránh nó, nhằm thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện và lành mạnh hơn đối với cảm xúc và sức khỏe tinh thần.
Tích cực độc hại là gì?
Tích cực độc hại (toxic positivity) là khái niệm đề cập đến sự tích cực quá mức và phi thực tế, trong đó các cá nhân không được khuyến khích thể hiện hoặc thừa nhận cảm giác và cảm xúc tiêu cực. Thay vào đó, họ được khuyến khích chỉ tập trung vào những gì tích cực.
Điều này có thể dẫn đến việc kìm nén cảm xúc và khiến con người gặp khó khăn trong việc xử lý và đương đầu với những thách thức trong cuộc sống. Tích cực độc hại không những không khiến chúng ta thấy tốt hơn mà còn làm hạn chế khả năng đối phó với những sự kiện tiêu cực, rủi ro khi gặp phải.
Có nhiều lợi ích khi trở nên tích cực và làm chủ tư duy tích cực. Trái lại, tích cực độc hại chỉ đang chối bỏ những cảm xúc khó khăn và cổ xuý cho sự vui vẻ không mấy chân thật.
Tích cực độc hại tại nơi làm việc sẽ như thế nào?
Đó là những biểu hiện chung của những người tích cực độc hại. Vậy tại một môi trường cụ thể như nơi làm việc, tích cực độc hại có thể ẩn mình trong những dấu hiệu nào?
Đằng sau những slogan chốn công sở như “good vibes only” có thể nhen nhóm và hình thành sự tích cực độc hại.
Một người mang trong mình toxic positivity tại nơi làm việc có thể thường trích dẫn và có niềm tin vào các câu tích cực về những tình huống tồi tệ. Họ sôi nổi như một người cổ vũ và không quan tâm đến đồng nghiệp đang cảm thấy khó khăn như thế nào.
Đối với những người này, trong bất cứ tình huống khó khăn nào, chỉ cần mỉm cười và cố gắng chăm chỉ hơn thì kết quả ắt sẽ tốt đẹp.
Mita Mallick, trưởng bộ phận hoà nhập, bình đẳng và tác động tại nền tảng quản lý Carta đã nói rằng khi ai đó tích cực độc hại, họ không hề lắng nghe, nhìn nhận và thấu hiểu sự tình.
Nếu kéo dài quá lâu, tích cực độc hại sẽ khiến người ta trải qua gaslighting hay thao túng tâm lý. Họ cảm thấy tội lỗi vì chính cảm xúc tức giận của mình, đánh giá những cảm xúc “không tích cực” một cách méo mó trong khi chúng cũng chỉ là những cảm xúc rất tự nhiên của con người.
Người chịu tác động của tích cực độc hại sẽ có thể có những suy nghĩ lệch lạc về bản thân họ. Khi xảy ra vấn đề, họ có thể không tập trung tìm ra cách giải quyết thay vào đó chỉ thụ động “tích cực” chờ mọi chuyện qua đi. Trường hợp thứ hai, họ có thể chỉ thấy vấn đề ở chính mình, họ bấu víu vào sự tích cực và xem nhẹ vấn đề đang diễn ra.
Điều này cực kỳ nguy hiểm nếu những người tích cực độc hại gặp phải khó khăn trong công việc. Họ khó có thể giải quyết vấn đề một cách triệt để và còn làm ảnh hưởng đến người khác.
Tích cực độc hại có thể “hạ độc” sức khoẻ tinh thần
Những người trong trạng thái tích cực độc hại có thể kìm nén cảm xúc tiêu cực hoặc không thoải mái của họ thay vì thể hiện nó ra bên ngoài. Tích cực độc hại không cho phép họ thừa nhận và trải qua những cảm xúc đó.
Rốt cuộc, họ dần phớt lờ thứ cảm xúc thật của mình và tôi luyện bản thân trở thành cái máy nói dối, không bao giờ để lộ khuôn mặt của một người buồn bã, tuyệt vọng, đau khổ, v.v.
Toxic positivity giam cầm những nạn nhân của nó trong thế giới giả tưởng, nơi không có sự cân bằng của hỉ, nộ, ái, ố. Thế giới ấy tưởng chừng tốt đẹp với cái mác “tích cực” lại không thể tránh khỏi làm tổn hại sức khoẻ thể chất, tinh thần, và cảm xúc của chúng ta.
Một người không thể hạnh phúc 100%, và cũng không nên như vậy. Chúng ta là đa diện và trải qua nhiều cảm xúc phức tạp khác nhau. Vì vậy nếu chỉ luôn tích cực mà không màng đến những trạng thái cảm xúc khác thì chúng ta khó có thể thành thực với bản thân cũng như với mọi người xung quanh. Sớm muộn, sự tích cực này cũng khiến ta kiệt sức.
Kết
Tích cực độc hại gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực bộc phát theo bản năng của con người có thể dẫn đến những tổn hại đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Hãy nhớ rằng việc trải qua cảm giác tồi tệ là hết sức bình thường. Khi gặp phải vấn đề nào đó, việc cần làm đầu tiên không phải là nhìn vào khía cạnh tích cực mà phải là nhìn nhận vấn đề, thừa nhận mặt tồi tệ để từ đó hướng về điều tích cực và tìm cách giải quyết.
Tác Giả
Nguồn: https://glints.com/vn/blog/toxic-positivity-tich-cuc-doc-hai-la-gi/