Thường xuyên nổi mề đay có phải rối loạn chức năng gan?

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Gần đây mỗi khi thời tiết thay đổi, tôi hay nổi mề đay cả người, ngứa, khó chịu. Tình trạng này có phải do rối loạn chức năng gan không, điều trị thế nào? (Kim Hiền, Long An)


Trả lời:

Nổi mề đay, mẩn đỏ trên da là tình trạng các mao mạch dưới da, niêm mạc phản ứng lại trước những tác nhân từ bên ngoài. Lúc này, cơ thể giải phóng một loại protein gọi là histamine và các chất trung gian hóa học khiến các mạch máu nhỏ giãn nở, dịch từ mạch máu thoát ra ngoài.

Triệu chứng gồm sưng phù tại chỗ, da phồng lên kèm theo ngứa, khó chịu, viêm (nóng, sốt), phù và phát ban đỏ. Tình trạng này có thể xuất hiện ở một vùng da hoặc cùng lúc tại nhiều vị trí khác nhau. Các tác nhân gây dị ứng bên ngoài như phấn hoa, thực phẩm, hóa chất tắm gội, lông thú, bụi mịn, các phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm.

Nổi mề đay còn do một số nguyên nhân khác như do thuốc, bệnh gan mật, thận, huyết học, tự miễn hoặc có khi không tìm ra nguyên nhân. Một số trường hợp, nổi mề đay có thể là dấu hiệu của chức năng gan suy giảm. Một trong những vai trò quan trọng của gan là đào thải độc tố, bằng cách chuyển hóa, biến các chất độc thành không độc hoặc ít độc rồi đào thải ra ngoài.

Khi gan chịu tác động của nhiều yếu tố độc hại từ thức ăn nhiễm độc, ăn uống mất cân đối, thường xuyên uống nhiều rượu bia... làm tế bào kupffer (đại thực bào nằm ở xoang gan) hoạt động quá mức, tăng sản sinh các chất gây viêm làm chết tế bào, suy giảm chức năng gan. Khi chức năng gan suy giảm, các độc tố không được đào thải ra ngoài sẽ tích tụ lâu ngày trong cơ thể gây nổi mề đay, ngứa.

Bạn chưa nói rõ nguyên nhân, không biết nổi mề đay do dị ứng, tiếp xúc các dị nguyên hay do chức năng gan suy yếu. Nếu dị ứng do tác nhân bên ngoài, bạn nên đến khám thêm tại chuyên khoa da liễu để xem xét những dị nguyên có thể gặp nhằm tránh xa hoặc hạn chế tiếp xúc. Trường hợp này, bác sĩ chỉ định điều trị cho người bệnh bằng nhóm thuốc kháng histamin, thuốc chống dị ứng để giảm triệu chứng và tình trạng viêm, hạn chế sưng đỏ, ngứa. Nếu mề đay thường xuyên tái phát và kéo dài, bạn cần khám để kiểm tra chức năng gan mật, có kết luận chính xác và hướng điều trị phù hợp.

Thông thường nổi mề đay liên quan đến chức năng có các triệu chứng đi kèm như ăn không tiêu, chán ăn, mệt mỏi, đau tức vùng hạ sườn phải, vàng da, vàng mắt, nước tiểu đậm màu... Tuy nhiên, bệnh gan ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ. Trường hợp nổi mề đay thường xuyên tái phát và kéo dài, cần khám, làm các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh chính xác, có hướng điều trị từ sớm.



Bác sĩ khám bụng cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh


Rối loạn chức năng gan có thể gặp như viêm gan, nhiễm ký sinh trùng... Bên cạnh phát hiện kịp thời các nguyên nhân, tuân thủ điều trị, người bệnh cần kết hợp thay đổi lối sống tích cực, chế độ làm việc, ăn uống và luyện tập khoa học, đảm bảo cung cấp đủ protein, vitamin và khoáng chất để hỗ trợ hoạt động của gan. Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ và chất chống oxy hóa giúp bảo vệ gan khỏi tổn thương, tăng khả năng phục hồi.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Thùy
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM


Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa để bác sĩ giải đáp

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom