Thiếu nữ lõm ngực, nguy cơ suy tim

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
TP HCMMinh chào đời với ngực bị lõm nhẹ, nay 16 tuổi thường mệt, khó thở, tim đập nhanh, vết lõm lộ rõ nguy cơ suy tim.


Ngày 12/6, ThS.BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết vùng ngực giữa xương ức của bệnh nhân lõm xuống khoảng 3 cm. Nếu không điều trị sớm, tình trạng nặng có thể chèn ép tim phổi, làm giảm khả năng bơm máu. Hình dáng ngực không bình thường khiến Minh gặp trở ngại trong sinh hoạt.

Theo bác sĩ Hiếu, độ tuổi của Minh hiện tại thích hợp để phẫu thuật nâng ngực, do xương lồng ngực có độ mềm dẻo dễ chỉnh sửa. Sau phẫu thuật, xương vẫn tiếp tục phát triển và dễ giữ được dáng khung xương sau nâng. Khả năng hồi phục tốt hơn so với người lớn. Nếu can thiệp khi bệnh nhân trưởng thành, khung xương định hình, xương đã cứng chắc, quá trình phẫu thuật sẽ khó khăn hơn.

Để phẫu thuật, các bác sĩ chọn phương pháp Nuss, tức nội soi kết hợp mổ xâm lấn tối thiểu cho bệnh nhân. Ca mổ kéo dài 90 phút, ê kíp mở các vết mổ nhỏ ở hai bên thành ngực. Dưới hướng dẫn của camera nội soi, kíp mổ đưa từng thanh nâng ngực điều chỉnh dáng lồng ngực.

BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết so với mổ mở cổ điển (phẫu thuật Ravitch), phương pháp Nuss xâm lấn tối thiểu, cải thiện tiên lượng và các biến chứng, thẩm mỹ tốt hơn. Camera nội soi lồng ngực cung cấp hình ảnh độ nét cao. Bác sĩ có thể quan sát rõ tim và các mạch máu lớn, đảm bảo ca mổ diễn ra an toàn.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường đau khi thở do thở ảnh hưởng tới toàn bộ khung xương sườn và lồng ngực. Bác sĩ dùng kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (Erector Spinae Plane Block - ESP) cho người bệnh. Catheter được đặt vào mặt phẳng cơ dựng sống bên cạnh cột sống ở hai bên. Bơm thuốc tê vào khoang này có tác dụng ngăn chặn tín hiệu đau thần kinh, giúp giảm đau hiệu quả, giảm tối đa sử dụng morphin liều cao sau mổ, ít biến chứng.

Minh tái khám định kỳ để theo dõi và phòng ngừa biến chứng muộn. Sau khoảng 2-3 năm khi xương ức ổn định, cứng chắc ở dáng lồng ngực đã điều chỉnh, bác sĩ sẽ bỏ thanh nâng ngực cho bệnh nhân.



Các bác sĩ phẫu thuật Nuss điều trị lõm ngực cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Huyền


Bác sĩ Hiếu cho biết bệnh lý lõm ngực chiếm gần 90% trong các bất thường lồng ngực bẩm sinh và thường được chẩn đoán trong các năm đầu sau sinh. Cứ 400-1.000 trẻ sơ sinh thì có một trẻ bị lõm ngực, tỷ lệ nam nhiều hơn nữ.

Tùy theo mức độ và hình thái ngực lõm, bác sĩ quyết định thời điểm để phẫu thuật. Những trường hợp nặng, ảnh hưởng chức năng tim phổi hay kết hợp dị tật tim bẩm sinh nên điều trị sớm. Nếu chỉ lõm ngực đơn thuần, độ tuổi phù hợp để phẫu thuật là 6-18 tuổi.

"Phẫu thuật sớm quá, xương chưa phát triển hoàn thiện, sau mổ hình dáng xương có thể bất thường", bác sĩ Hoài nói, thêm rằng ngược lại điều trị muộn khi khung xương đã định hình, bệnh nhân sẽ rất đau.

Kỹ thuật hiện khá hiệu quả, nhưng cũng có thể xảy ra biến chứng như di lệch thanh gây biến dạng thành ngực không cân đối, biến chứng tại vết mổ, tái phát... Để giảm nguy cơ này, sau khi xuất viện, bệnh nhân cần tái khám định kỳ, giữ tư thế ngực thẳng, tránh mang vác vật nặng, hạn chế những môn thể thao đối kháng.

Thu Hà

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Hưởng ứng Chương trình Quốc gia chăm sóc sức khỏe học đường, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh , tầm soát lõm ngực và các dị tật xương khớp, cột sống cho người 6-23 tuổi từ nay đến hết tháng 7/2024.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom