Dự án tái định cư sân bay Long Thành được phân bổ hơn 22.855 tỷ đồng, nhưng tới cuối 2022, 2.500 tỷ chưa giải ngân đã bị hủy dự toán và chưa có nguồn thay thế.
Chiều 15/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành.
Sân bay Long Thành công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (16 tỷ USD), trong đó 34% cho giai đoạn một.
Theo kế hoạch đầu tư công, dự án này tới cuối 2022 mới giải ngân được 16.697 tỷ đồng, còn hơn 2.510 tỷ chưa giải ngân hết. Trình Quốc hội hôm 26/10, Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian giải ngân số vốn này tới hết năm 2024 để hoàn thành dự án.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hôm nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết theo Luật Đầu tư công, kế hoạch đầu tư công 2020-2021 chỉ được giải ngân tương ứng đến hết năm 2021 và 2022. Như vậy, 2.510 tỷ đồng còn lại chưa giải ngân hết đã bị hủy dự toán theo quy định.
Về nguyên tắc, UBND tỉnh Đồng Nai phải nộp toàn bộ số vốn chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 về ngân sách trung ương. Do đó, số tiền hơn 2.500 tỷ đồng (gồm hơn 1.540 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và 960 tỷ kế hoạch vốn năm 2020) đã hủy dự toán. Ông Thanh nói "phương án Chính phủ đề xuất không thể thực hiện được, vì không còn tiền để chuyển nguồn".
Mặt khác, Chính phủ hiện chưa trình đề xuất chuyển nguồn để bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và bố trí dự toán hằng năm. Vì thế, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ngay trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội "là chưa chặt chẽ". Dù Chính phủ có tờ trình về nguồn vốn, cũng cần có cơ quan thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm đầy đủ quy trình, thủ tục.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương giải thích thêm trong 2.510 tỷ đã hủy dự toán, hơn 960 tỷ thuộc kế hoạch trung hạn 2016-2020.
"Kế hoạch trung hạn này kết thúc từ lâu. Tiền này vẫn còn, giờ muốn cấp lại 966 tỷ phải bổ sung vào trung hạn 2021-2025. Muốn vậy, phải có nguồn tương ứng và phải trình với Quốc hội cho phép trích dự phòng", ông Phương giải thích.
Để tháo gỡ, ông đề xuất trích nguồn dự phòng ngân sách trung ương của năm 2023. "Hiện nay vẫn còn một khoản chưa tiêu hết có thể đủ đáp ứng 2.510 tỷ này", ông nói, nhưng phải trình Quốc hội cho ý kiến.
Phương án khác là bố trí bằng nguồn dự phòng ngân sách trung ương của 2024, song nguồn này "về mặt tiêu chí thì chưa đúng về luật ngân sách". Nhưng trường hợp cấp bách, ông nói "có thể xem xét".
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay Thường vụ Quốc hội đã có Kết luận hồi tháng 10, đề cập bố trí vốn cho dự án và đề nghị Chính phủ làm rõ số kinh phí chưa giải ngân hết của năm 2020, năm 2021 đã hủy bỏ theo quy định chưa, hay đang cho phép chuyển nguồn.
Ông Hải đề nghị Chính phủ căn cứ quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước và đầu tư công đề xuất phương án bố trí vốn cho dự án, trình Quốc hội xem xét.
Theo ông Hải, số vốn chưa giải ngân hết đã hủy, về nguyên tắc, Chính phủ cần đề xuất nhưng đến nay chưa đề xuất phương án cụ thể để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến; còn việc cân đối nguồn để phân bổ thuộc thẩm quyền Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói những vướng mắc này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập tại phiên họp tháng 10, nhưng đến giờ Chính phủ cũng chưa có tờ trình về việc bổ sung nguồn thì "Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có cơ sở để bàn". Ông Huệ đề nghị lãnh đạo Chính phủ làm việc với bộ, ngành xây dựng phương án và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.