Thị trưởng tư bản và chủ tịch xã nghĩa

♠3 Tập đoàn X

Dân chơi tập bơi
Bài viết
3,872
Xu
3,217

Bộ Nội vụ vừa có đề xuất gây chú ý về “nghiên cứu mô hình thị trưởng” tại hội nghị "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng được tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị, còn lại là cấp chính quyền địa phương với Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân.

Thực ra, từ năm 2013, để nâng cao hiệu quả quản lý, khi xây dựng Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị, Bộ Nội vụ đã đề xuất thiết lập cơ quan hành chính đô thị ở thành phố trực thuộc trung ương và thành phố, thị xã thuộc tỉnh là tòa thị chính, đứng đầu là thị trưởng. Tương ứng với đơn vị hành chính các cấp tiếp theo là quận trưởng, huyện trưởng, trưởng phường, trưởng thị trấn.

Đề xuất "mô hình thị trưởng" rất nên được đón nhận và nghiên cứu. Muốn mô hình này áp dụng hiệu quả thì phải biết khác biệt cốt lõi giữa thị trưởng và chủ tịch UBND thành phố, nằm ở hai điểm sau.

Thứ nhất, thị trưởng là người có quyền hạn cao nhất trong bộ máy chính quyền thành phố, điều hành trực tiếp hoạt động của chính quyền thành phố. Như vậy, thị trưởng thâu tóm vai trò của bí thư thành ủy và chủ tịch thành phố vào một. Lợi ích và sự cần thiết kết hợp vai trò của bí thư và chủ tịch vào một là không bàn cãi, nhưng vẫn chưa được triển khai trong thực tiễn vì một số rào cản liên quan đến cách thức tiến hành, và có cả lo ngại về kiểm soát quyền lực. Mô hình thị trưởng muốn được áp dụng trong thực tế thì phải vượt qua các rào cản này.

Thứ hai là cách thức chọn thị trưởng khác với cách chọn bí thư thành uỷ và chủ tịch thành phố. Thị trưởng được cử tri toàn thành phố bầu chọn trực tiếp. Bí thư thành ủy do Ban chấp hành Đảng bộ thành phố bầu ra với các yêu cầu: phải là ủy viên trung ương Đảng hay ủy viên Bộ chính trị, được Bộ chính trị đề cử, sau đó Ban chấp hành Đảng bộ thành phố bỏ phiếu. Thống kê cho thấy hầu như 100% kết quả bỏ phiếu của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố nhất trí với đề cử của Bộ Chính trị. Chủ tịch UBND thành phố cũng cần phải là ủy viên Trung ương Đảng (đối với Hà Nội và TP HCM), cũng do Bộ Chính trị đề cử, sau đó Hội đồng Nhân dân thành phố bỏ phiếu. Hội đồng Nhân dân thành phố cũng thường nhất trí hoàn toàn với đề cử của Bộ Chính trị.

Để đưa mô hình thị trưởng vào thực tiễn, phải có hình thức lựa chọn thị trưởng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Thực tế, mô hình này đã được áp dụng mức độ nào đó ở Việt Nam. Ví dụ trường hợp bác sĩ Trần Duy Hưng.

Sau nhiệm kỳ Thị trưởng Hà Nội do Hồ Chủ tịch mời ra làm việc từ tháng 8/1945 đến tháng 10/1947, bác sĩ Trần Duy Hưng tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND Hà Nội suốt gần 13 năm: 1954-1977. Đó là khoảng thời gian của nhiều nhiệm kỳ Bí thư Thành uỷ Hà Nội, gồm Trần Danh Tuyên, Nguyễn Lam, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Lam. Bác sĩ Trần Duy Hưng, có thể nói, là Chủ tịch UBND TP Hà Nội thể hiện được vị thế thị trưởng, không bị các Bí thư lấn át. Cho đến nay, ông vẫn được đánh giá là một trong những vị chủ tịch tốt nhất của Hà Nội.

Đề xuất mới của Bộ Nội vụ xuất phát từ những hạn chế đã được nhìn thấy rất rõ: Cơ chế vận hành bộ máy hành chính đô thị hiện tại bị "cắt khúc" theo từng cấp trong nội bộ; điều hành hành chính nặng tính tập thể; trách nhiệm cá nhân người đứng đầu là chủ tịch UBND chưa rõ ràng.

Trước yêu cầu giải quyết các vấn đề tồn đọng hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong các phát biểu gần đây, không ít lần nhắc đến thí điểm. Vấn đề gì phức tạp, mới, chưa có cách làm kinh điển thì làm thí điểm và rút kinh nghiệm.

Đề xuất mô hình thị trưởng của Bộ Nội vụ, theo tôi, đáng được đem vào thí điểm. Trong đó, điều cần quan tâm nhất là chức danh thị trưởng trong đề xuất mới có quyền hạn và nhiệm vụ như thế nào, để tìm được người có năng lực phù hợp.

Lựa chọn thị trưởng cũng cần thí điểm theo phương thức mới, trong đó lưu tâm tới các điểm cốt lõi như sau.

Điểm cốt lõi:
Thứ nhất để đưa mô hình thị trưởng vào thực tiễn là nhập hai vị trí bí thư và chủ tịch vào một người. Đây là cải cách quan trọng nhất về quản trị đô thị.
Thứ hai là phải có tối thiểu hai ứng viên thay vì một ứng viên duy nhất.
Thứ ba là việc đề cử và ứng cử vào vị trí Thị trưởng cần tránh phân biệt TÔN GIÁO, GIAI CẤP, TIỂU SỬ, LÝ LỊCH, XUẤT XỨ. Cải cách cốt lõi thứ tư là mở rộng tập hợp những người được quyền bầu chọn. Càng đông người được quyền chọn thị trưởng thì càng tránh được tính chủ quan, áp đặt, lợi ích nhóm, chạy chức chạy quyền.

Chọn thị trưởng trước hết là chọn người quản lý giỏi. Trong hai phương diện: khả năng nhìn nhận đường lối chung và khả năng quản lý điều hành thì cần ưu tiên khả năng quản lý điều hành. Đường lối chung, không khó để nhận biết. Cái khó là năng lực quản lý điều hành. Người quản lý giỏi tất có độ sáng suốt về đường lối vì dân vì nước. Để nhận biết người quản lý giỏi không thể chỉ nhờ vào quan điểm của một số ít, mà phải quyết định bởi ý kiến của số đông.

Đây là những yếu tố cần tiến hành triệt để nếu muốn thị trưởng có vai trò đổi mới thực sự, chứ không phải chỉ là thay đổi hình thức từ cái tên Chủ tịch UBND thành phố.
Nguyễn Ngọc Chu
Tiến sĩ Toán học
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom