Thắp lên tình yêu nghệ thuật truyền thống nơi người trẻ

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
331
Chiều tháng 4, sự oi ả chói chang của nắng hè rực lửa dường như cũng chẳng “nóng” bằng bầu không khí tại Học viện Ngoại giao (Hà Nội), nơi diễn ra workshop “Sinh viên Truyền thông x Tuồng: Đường tới trái tim”. Sau khi được trực tiếp “chạm” vào tuồng với trích đoạn “Ngũ biến” do các diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện, hàng trăm bạn trẻ trong hội trường đã được tìm hiểu về đặc điểm của tuồng lịch sử và tuồng bắc qua phần giao lưu, chia sẻ cùng các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm. Những tiếng “ồ”, “à” ngạc nhiên, những tràng pháo tay vang lên không ngớt, nhất là khi các nghệ sĩ sử dụng đạo cụ đơn giản để thị phạm lần lượt các yếu tố đặc trưng của tuồng như tính ước lệ, cách điệu, biểu trưng…

Sự kiện được tổ chức khá chuyên nghiệp khiến ai nấy đều bất ngờ khi biết đội ngũ “cầm trịch” phía sau chỉ có Ngô Nguyễn Thanh Thúy và Hà Thị Thanh Huyền - hai sinh viên đang theo học năm thứ 4 Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao. Càng bất ngờ hơn khi biết workshop trên chỉ là một phần trong dự án dài hơi mang tên “Tuồng Date” được hai cô bạn lên ý tưởng thực hiện từ cuối năm 2023. Thúy và Huyền chia sẻ, cả hai đều gặp nhau ở tình yêu nghệ thuật truyền thống cũng như mong muốn có thể lan tỏa vẻ đẹp của di sản cha ông, đặc biệt là nghệ thuật tuồng tới những người cùng trang lứa, nên đã bắt tay nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan và nhiều dự án về tuồng đã vận hành trước đó để tìm hướng đi riêng.

Nhận thấy những người trẻ chưa có động lực đi xem tuồng bởi chưa thật sự hiểu tuồng, chưa được khơi lên sự tò mò muốn được khám phá tuồng, Thúy và Huyền đã kỳ công khởi động “Tuồng Date” bằng một chuỗi các bài viết trên fanpage mang tên “Tuồng tích lưu niên”. Các bài viết cung cấp nhiều kiến thức thú vị về sự khác biệt giữa tuồng Việt Nam và kinh kịch Trung Quốc; về đặc điểm riêng của tuồng ba miền bắc-trung-nam; về những làn điệu phổ biến trong tuồng; và cả những gương mặt nghệ sĩ tuồng tiêu biểu… Kế đến, hai cô bạn tạo ra không gian “hẹn hò” cùng tuồng bằng workshop “Sinh viên Truyền thông x Tuồng: Đường tới trái tim”, giúp những người trẻ được tương tác với tuồng, để rồi từ biết chuyển thành thích, yêu và cao hơn là muốn góp sức mình quảng bá vẻ đẹp, giá trị của nghệ thuật tuồng truyền thống. Để hiện thực hóa điều này, “Tuồng Date” đã mạnh dạn triển khai chương trình đặc biệt là tuyển thực tập sinh truyền thông cho Nhà hát Tuồng Việt Nam. Đây là sự kết nối vô cùng ý nghĩa, không chỉ mang đến cơ hội để sinh viên Học viện Ngoại giao có không gian “thực chiến”, tích lũy trải nghiệm và kinh nghiệm về truyền thông văn hóa ở một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp; mà ở chiều ngược lại còn giúp Nhà hát Tuồng Việt Nam nâng cao hiệu quả truyền thông qua góc nhìn, kỹ năng của những người trẻ được đào tạo bài bản.

Thanh Thúy cho hay, ngay khi có thông tin tuyển thực tập sinh, “Tuồng Date” đã nhận được đăng ký của hơn 70 sinh viên và lựa chọn được gần 20 bạn vào thực tập tại Nhà hát ở các mảng việc liên quan truyền thông như: viết tin, bài; thiết kế; quay chụp; đối ngoại... Thông qua dự án này, “Tuồng Date” cam kết sẽ cung cấp đội ngũ thực tập sinh truyền thông lâu dài cho Nhà hát Tuồng Việt Nam. Và đây cũng là cách để “Tuồng Date” hình thành một mạng lưới nhân sự có khả năng giúp dự án đi đường dài, đủ năng lực tạo ra những hoạt động quảng bá nghệ thuật truyền thống quy mô hơn.

Thanh Huyền tâm sự: “Dù gặp khá nhiều thách thức trong quá trình triển khai nhưng ý tưởng và hoạt động của chúng em đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ Khoa cũng như Nhà hát Tuồng Việt Nam. Đây là nguồn động lực to lớn để những người trẻ như chúng em tiếp tục gắn bó và truyền đi tình yêu dành cho văn hóa nghệ thuật dân tộc”.

Cùng với “Tuồng Date”, dự án “36 Nét Ngài-Giải mã trang phục diễn xướng hầu đồng” vừa được thực hiện bởi nhóm sinh viên Khoa Viết văn, Báo chí (Trường đại học Văn hóa Hà Nội) cũng để lại ấn tượng đậm nét cho người tham dự. Không chỉ được thăng hoa với những mảng màu rực rỡ trong phần trình diễn vẻ đẹp trang phục 36 giá đồng, khán giả còn được say sưa theo những điệu hát chầu văn, và được giao lưu cùng những chuyên gia trong phần talkshow để hiểu hơn về vẻ đẹp của văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt là về sự đa dạng, phong phú và ý nghĩa của những hoa văn, họa tiết trên khăn chầu, áo ngự. Dự án cũng mang đến những gợi mở trong sáng tạo trang phục hầu đồng theo xu thế vừa bảo tồn những đặc trưng truyền thống vừa tích hợp những yếu tố đương đại, góp phần đưa văn hóa dân tộc đến gần hơn với giới trẻ.

Là diễn giả trong chương trình, cũng là người đầu tiên từng đưa khăn chầu áo ngự lên sàn diễn thời trang quốc tế, Tiến sĩ, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển chia sẻ, khi đồng hành cùng những người trẻ trong các dự án quảng bá vẻ đẹp văn hóa truyền thống, ông luôn cảm nhận được nguồn năng lượng tươi mới và tình yêu họ dành cho di sản dân tộc. Người trẻ luôn biết cách tìm ra “chìa khóa” để lan tỏa những tri thức đã được tiếp cận theo cách rất riêng, nên vấn đề là cần trao cho họ nhiều cơ hội để tiếp thu những kiến thức về văn hóa nghệ thuật truyền thống, đánh thức nơi họ mong muốn bảo vệ, gìn giữ vốn quý cha ông.


Đó cũng là lý do vừa qua, phủ Tiên Hương (xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội) của nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển đã trở thành điểm đến của các giảng viên, sinh viên trong nước và quốc tế từ Trường đại học VinUni. Bằng khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo, nghệ nhân đã chia sẻ bằng tiếng Anh với những vị khách đặc biệt về vẻ đẹp của di sản, về tính cách, công trạng của các vị thánh tiêu biểu trong tín ngưỡng thờ Mẫu..., đồng thời trực tiếp diễn xướng một số giá hầu tiêu biểu để các bạn trẻ cảm nhận rõ hơn giá trị, nét đẹp của những thành tố nghệ thuật trong nghi thức hầu đồng. Ông cho biết, thời gian gần đây, có khá nhiều sinh viên trong nước, quốc tế tìm đến ông và Phủ Tiên Hương để thực hiện những nghiên cứu sâu về tín ngưỡng thờ Mẫu. Đây là tín hiệu tích cực khẳng định sức lan tỏa của giá trị di sản văn hóa Việt Nam, cũng như sự quan tâm của những người trẻ dành cho văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Thời gian qua, hàng loạt dự án do người trẻ thực hiện và thực hiện cho người trẻ nhằm tạo sự gắn kết với văn hóa-nghệ thuật truyền thống đã được kích hoạt. Bên cạnh “Tuồng Date”, “36 Nét Ngài-Giải mã trang phục diễn xướng hầu đồng”, còn có “Vọng khúc ca trù”, “Bắc điệu tân thời”, “Tuồng kể”, “Di sản trong lòng phố”, “Chèo 48h”..., góp phần hình thành một cộng đồng những người trẻ yêu văn hóa dân tộc. Cởi mở, sáng tạo, nhưng vẫn bám sát những giá trị cổ truyền là hướng đi chung đang được những người trẻ áp dụng để “họa” nên dung nhan mới cho văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Đặc biệt, các sự kiện ngày càng được đầu tư tổ chức bài bản hơn, giàu hàm lượng sáng tạo hơn. Không chỉ dừng lại ở quy mô là sân chơi của riêng những người trẻ, nhiều dự án còn huy động sự tham gia của các nghệ sĩ, nghệ nhân giàu kinh nghiệm. Sự cộng hưởng từ những trải nghiệm, kinh nghiệm của chuyên gia và góc tiếp cận sáng tạo, tươi mới của người trẻ giúp văn hóa, nghệ thuật truyền thống tìm được nhiều con đường đến với cộng đồng và phát huy giá trị.

Nói như Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, là dù đã đạt kỳ vọng hay chưa, dù đã tiếp cận đúng hướng hay chưa, thì việc tham gia gìn giữ, sáng tạo những giá trị mới dựa trên nền tảng truyền thống của người trẻ cũng vô cùng đáng quý, góp phần khẳng định sự trường tồn của văn hóa nghệ thuật dân tộc cũng như trách nhiệm, ý thức của người trẻ hôm nay. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, khi công nghệ số càng phát triển, nhu cầu về giao lưu văn hóa ngày càng tăng thì đòi hỏi về nhận diện văn hóa dân tộc cũng càng trở nên quan trọng.

Vì thế, xu hướng tìm về và tái tạo văn hóa nghệ thuật truyền thống theo góc nhìn của người trẻ chính là cách để những giá trị thuộc về quá khứ tiếp tục được nối dài sức sống, cũng là cách để phát huy bền vững giá trị di sản cha ông trong cuộc sống hôm nay.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom