Thắc mắc thường gặp về tiêm kích trứng

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Tiêm kích trứng thường được áp dụng trong các phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản, nhằm chủ động thời điểm thu được trứng trưởng thành, tăng tỷ lệ thụ tinh thành công.


Tiêm kích trứng là gì?

Tiêm kích trứng là mũi tiêm kích hoạt buồng trứng giải phóng những quả trứng trưởng thành, tức rụng trứng. Mũi tiêm này chứa hormone gonadotropin màng đệm ở người (hCG), còn gọi là "hormone thai kỳ". Khi được sử dụng làm thuốc kích hoạt, hCG hoạt động giống như hormone tạo hoàng thể (LH) được sản xuất trong tuyến yên của nữ giới. LH tiết ra ngay trước khi rụng trứng, có nhiệm vụ chuẩn bị cho trứng trưởng thành rồi thoát ra khỏi buồng trứng.

Thủ thuật này thường được áp dụng trong điều trị vô sinh hiếm muộn trong trường hợp nữ giới không rụng trứng hoặc rụng không thường xuyên, vô sinh không rõ nguyên nhân.

Quy trình tiêm thế nào?

Mũi tiêm kích trứng được thực hiện một lần trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, trước thời điểm rụng trứng. Thuốc có thể được tiêm vào cơ (tiêm bắp) hoặc dưới da (tiêm dưới da). Nhiều phụ nữ chọn cách tự tiêm thuốc vào vùng dưới da ở bụng.

Với trường hợp kích trứng để thụ tinh tự nhiên hoặc thụ tinh nhân tạo (IUI), bác sĩ theo dõi các nang trứng đến thời điểm phù hợp và thực hiện mũi tiêm. Bác sĩ khuyến nghị người bệnh quan hệ tình dục hoặc bơm tinh trùng vào buồng tử cung trùng thời điểm rụng trứng sau khi tiêm thuốc.

Với thụ tinh ống nghiệm (IVF), bác sĩ tiêm kích trứng và chọc hút trứng trưởng thành để thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm. Phôi tạo ra được chuyển trở lại tử cung để làm tổ, giúp người phụ nữ mang thai.

Thời điểm nào nên tiêm kích trứng?

Rụng trứng thường xảy ra khoảng 36-40 giờ sau khi tiêm thuốc. Thời điểm tiêm rất quan trọng vì mũi tiêm được sử dụng khác nhau trong IUI và IVF.

Với IUI, bác sĩ theo dõi các nang trứng thông qua siêu âm khi sắp rụng trứng hoặc giữa chu kỳ kinh nguyệt. Thuốc có thể được tiêm khi nang trứng đạt kích thước 15-20 mm và khi niêm mạc tử cung dày ít nhất 7-8 mm. Thủ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung thường được thực hiện trùng với thời điểm rụng trứng, tức 24-36 giờ sau tiêm. Bác sĩ cũng có thể đề nghị dùng chất bổ sung progesterone (bằng đường uống hoặc qua âm đạo) để hỗ trợ quá trình thụ thai.

Tương tự với IVF, bác sĩ theo dõi buồng trứng qua siêu âm và thực hiện tiêm kích hoạt khi nang trứng đạt kích thước khoảng 15-22 mm, thường vào ngày 8-12 của chu kỳ kinh nguyệt. Sau khi tiêm, bác sĩ lên lịch trong vòng 36 giờ. Trứng đã thụ tinh được chuyển vào tử cung trong khoảng 3-5 ngày sau đó hoặc đông lạnh chờ thời điểm thích hợp chuyển phôi.



Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chọc hút trứng cho một phụ nữ thực hiện IVF. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp


Tác dụng phụ là gì?

Có nhiều tác dụng phụ nữ giới có thể gặp phải khi tiêm thuốc kích trứng, phổ biến nhất là đầy hơi và đau bụng hoặc vùng chậu, đau nhức ở chỗ tiêm.

Hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) có thể xảy ra nếu buồng trứng bị sưng lên và chứa đầy chất lỏng. Trường hợp nhẹ, người bệnh chỉ cảm thấy khó chịu ở bụng, đầy hơi và gặp các vấn đề về đường tiêu hóa, như buồn nôn, nôn, tiêu chảy. OHSS nghiêm trọng ít khi xảy ra, có thể cần cấp cứu y tế. Các dấu hiệu bao gồm tăng cân nhanh, chướng bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa nhiều. Các triệu chứng khác của hội chứng này bao gồm cục máu đông, khó thở, lượng nước tiểu giảm.

Tỷ lệ thành công

Tỷ lệ thành công của việc tiêm thuốc rất khó xác định vì thường được kết hợp với các loại thuốc hoặc thủ thuật khác để điều trị vô sinh.

Theo một nghiên cứu năm 2017 tại Canada trên 365 chu kỳ IUI, tỷ lệ mang thai khi không tiêm thuốc kích trứng là 5,8% và tăng lên 18,2% nếu tiêm thuốc. Nếu tiêm kích trúng đúng thời điểm hormone LH tăng vọt trong cơ thể phụ nữ, tỷ lệ mang thai là 30,8%.

Khi nào nên thử thai?

Thuốc tiêm kích trứng chứa hCG nên có thể cho kết quả dương tính giả nếu thử thai quá sớm. Các chuyên gia khuyên phụ nữ nên đợi ít nhất hai tuần sau khi tiêm mới thử thai vì cần khoảng 10-14 ngày để thuốc tan hết trong cơ thể. Xét nghiệm máu để kết quả chính xác nhất.

Anh Ngọc (Theo Healthline)

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom