Tập đoàn Phenikaa đạt giải nhất lĩnh vực vật liệu tại Vifotec lần 29

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Công trình nghiên cứu công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất nhựa polyester không no (PEKN) của Tập đoàn Phenikaa giành giải Nhất lĩnh vực công nghệ vật liệu tại Vifotec lần 29.


Ngày 30/5 tại lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) lần thứ 29, Tập đoàn Phenikaa nhận giải Nhất lĩnh vực công nghệ vật liệu với công trình "Nghiên cứu Công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất nhựa polyester không no (PEKN) công suất 25.000 tấn một năm phục vụ sản xuất đá nhân tạo cốt liệu thạch anh". Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phenikaa - PGS. TS Hồ Xuân Năng làm chủ nhiệm, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Vĩnh Diệu - đồng chủ nhiệm, cùng 8 cộng sự là những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực vật liệu, hóa học, cao phân tử và tổ hợp của tập đoàn.

Trong khuôn khổ chương trình, Phenikaa còn đạt giải Công trình xuất sắc do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO - Liên Hợp Quốc) trao tặng, nhằm vinh danh sự đổi mới sáng tạo của Tập đoàn trong việc sử dụng một cách thông minh tài sản trí tuệ để thương mại hóa đồng thời mang lại đóng góp tích cực cho xã hội.



Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phenikaa - PGS. TS Hồ Xuân Năng - Chủ nhiệm công trình và GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu - Đồng Chủ nhiệm đại diện nhóm nghiên cứu (lần lượt đứng thứ hai và thứ ba từ trái sang) nhận giải Nhất lĩnh vực công nghệ vật liệu. Ảnh: Phenikaa Group


Tham gia vào lĩnh vực sản xuất đá nhân tạo cốt liệu thạch anh từ năm 2002, Tập đoàn Phenikaa hiện sở hữu thương hiệu Vicostone - Top 3 nhà sản xuất đá thạch anh thế giới, có mặt tại hơn 50 quốc gia ở cả 5 châu lục. Mỗi năm, để duy trì ổn định hoạt động sản xuất hơn 3 triệu m2 đá thạch anh với chất lượng vượt trội, Phenikaa cần sử dụng hơn 20.000 tấn nhựa PEKN làm chất kết dính.

Sau nhiều năm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, với thế mạnh sở hữu đội ngũ chuyên gia R&D trong lĩnh vực vật liệu, tập đoàn đã đầu tư nguồn lực để triển khai đề tài "Nghiên cứu công nghệ và thiết kế chế tạo dây chuyền pilot sản xuất nhựa polyester không no chịu bức xạ UV và bền thời tiết, ứng dụng trong sản xuất đá nhân tạo cốt liệu thạch anh" nhằm nội địa hóa nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Đây cũng là đề tài do tập đoàn đăng ký và được Bộ Khoa học & Công nghệ giao nhiệm vụ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia năm 2018.



Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phenikaa – PGS. TS Hồ Xuân Năng – Chủ nhiệm công trình và GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu - Đồng Chủ nhiệm (đứng thứ nhất và thứ hai từ trái sang) còn đạt giải Công trình xuất sắc do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO - Liên hợp quốc) trao tặng. Ảnh: Phenikaa Group


Sau thời gian triển khai, nhóm nghiên cứu đã phát triển thành công quy trình công nghệ sản xuất nhựa PEKN từ quy mô phòng thí nghiệm đến dây chuyền pilot với các chỉ tiêu kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sử dụng trong sản xuất đá nhân tạo. Đây cũng là cơ sở để tập đoàn đầu tư thiết kế, chế tạo và lắp đặt dây chuyền sản xuất nhựa PEKN trên quy mô công nghiệp với dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Hóa chất Phenikaa. Khánh thành từ năm 2021, nhà máy hiện có khả năng cung cấp tới 25% tổng nhu cầu về loại nhựa PEKN tại thị trường Việt Nam, là số ít doanh nghiệp Việt Nam sở hữu bí quyết công nghệ riêng và dây chuyền sản xuất vật liệu này.

Đại diện Tập đoàn Phenikaa cho biết, Nhà máy Hóa chất Phenikaa có tổng công suất giai đoạn một là 25.000 tấn một năm. Sau hơn ba năm vận hành, dây chuyền công nghệ sản xuất nhựa PEKN hoạt động ổn định và cung cấp đủ 100% khối lượng nhựa PEKN cho nhu cầu sản xuất của tập đoàn, thay thế hoàn toàn khối lượng nhập khẩu. Điều này góp phần quan trọng giúp tập đoàn thực hiện thành công chiến lược nội địa hóa nguyên vật liệu, làm chủ hơn 95% nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đá thạch anh thương hiệu Vicostone, từ đó hạn chế tối đa rủi ro phụ thuộc vào nhà cung cấp bên ngoài, rủi ro về biến động tỷ giá, kiểm soát chất lượng sản phẩm và tối ưu giá thành.



Nhà máy Hóa chất Phenikaa có khả năng cung cấp tới 25% tổng nhu cầu về loại nhựa PEKN tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Phenikaa Group


Thị trường nhựa Polyester không no (PEKN) toàn cầu đạt tổng giá trị 12,9 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến tăng lên 20,9 tỷ USD vào năm 2030 với mức tăng trung bình hàng năm là 7,1%. Với bí quyết công nghệ mới cho ra sản phẩm có nhiều ưu điểm vượt trội, sản phẩm nhựa polyester không no của Phenikaa có lợi thế cạnh tranh nhất định so với các sản phẩm trên thị trường khu vực và quốc tế.

"Ngoài việc cung cấp nhựa PEKN phục vụ sản xuất đá thạch anh cao cấp tại tập đoàn, sản phẩm nhựa PEKN có thể cung cấp cho các công ty sản xuất đá nhân tạo khác và ứng dụng rộng rãi trong chế tạo vật liệu composite cốt sợi như: chế tạo tàu thuyền, bồn bể chứa, ống dẫn, vật liệu bọc phủ bề mặt, vật liệu xây dựng... Qua đó mở rộng kinh doanh bán hàng trong và ngoài nước, gia tăng doanh thu bền vững cho công ty", đại diện Phenikaa chia sẻ thêm.

Giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam lần thứ 29 thể hiện cam kết của Tập đoàn Phenikaa trong đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, đồng thời là minh chứng cho hiệu quả của mô hình liên kết "Ba nhà": doanh nghiệp - nghiên cứu khoa học - giáo dục và đào tạo của Hệ sinh thái Phenikaa, là niềm tự hào của người Phenikaa khi nghiên cứu và chuyển giao thành công công nghệ 100% Made-in-Vietnam.

Với định hướng phát triển bền vững và tầm nhìn dài hạn, doanh nghiệp đang chiếm vị thế trong lĩnh vực công nghiệp vật liệu, không ngừng đổi mới, sáng tạo để phát triển và đưa vào ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải quyết các bài toán thực tế trong sản xuất kinh doanh của tập đoàn cũng như nhu cầu của xã hội.

Với những kết quả đã đạt được và nhiều dự án nghiên cứu đang tiếp tục được triển khai, Phenikaa mong muốn góp phần đưa tên tuổi của Việt Nam nổi trội trên bản đồ khoa học thế giới, ghi dấu bằng những thành tựu nghiên cứu khoa học, công nghệ mang tính ứng dụng cao, có sức ảnh hưởng trong nền kinh tế, hướng tới những loại vật liệu thân thiện với môi trường, theo định hướng ESG, được phát triển thành công bởi tinh thần sáng tạo và trí tuệ Việt.

Giải thưởng Sáng tạo Khoa học - Công nghệ Việt Nam do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM phối hợp tổ chức thường niên. Giải thưởng nhằm vinh danh các nghiên cứu đang ứng dụng thực tế của các nhà khoa học cả nước giúp nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh và quốc phòng.

Năm 2024, trong số 130 công trình tham dự từ 6 lĩnh vực, Hội đồng giải thưởng lựa chọn 47 công trình tiêu biểu, trao 4 giải Nhất, 10 giải Nhì, 16 giải Ba và 17 giải Khuyến khích. Giải Nhất lĩnh vực công nghệ vật liệu là thành quả, ghi nhận cho sự phát huy trí tuệ của người Việt, nghiên cứu, phát triển vật liệu với những đặc điểm cơ lý tính nổi trội, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe để làm chủ nguồn vật liệu đầu vào, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm đá nhân tạo cốt liệu thạch anh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thế Đan

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom