- Bài viết
- 1,556
- Xu
- 138,157
Cách đây 3 ngày, trên mạng xã hội xuất hiện clip một người đàn ông lớn tiếng quát mắng tại Bệnh viện Việt Đức, yêu cầu được gặp người đã chụp X-quang cho con gái mình (16 tuổi), vì cho rằng con gái bị sàm sỡ.
Những vụ kiểu này thường giải quyết = tình + tiền!
Để tôi mô tả một tình huống chung như thế này, không phải câu chuyện ở Bệnh viện Việt Đức, mà chỉ là tình huống được tôi tổng hợp lại sau nhiều năm làm bác sĩ.
Tình huống là bệnh nhân đến viện cấp cứu, người nhà cho rằng bệnh nặng, đòi hỏi bác sĩ phải khám và xử trí ngay lập tức. Bác sĩ trên tinh thần “cứu người là trên hết”, lại bị người nhà bệnh nhân gây áp lực, nên bỏ qua một số quy định. Người nhà bệnh nhân quay lại clip, sau đó gây sự, thậm chí là chửi bới đánh đập bác sĩ, tung clip lên mạng xã hội để gây áp lực, yêu cầu xử lí bác sĩ và đòi tiền bồi thường. Báo chí vào cuộc đi bài, dư luận hầu hết đứng về phía bệnh nhân vì “không có lửa làm sao có khói”, sự việc đẩy lên cao trào. Bệnh viện sẽ xử lí thế nào? Đầu tiên, giám đốc sẽ yêu cầu bác sĩ và những người liên quan ngừng làm việc nửa buổi, ngồi viết bản tường trình, phải mô tả lại chi tiết toàn bộ tình hình. Sau đó Sở Y tế hoặc Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo, yêu cầu bệnh viện xác minh sự việc, soi kĩ hồ sơ bệnh án xem có tuân thủ đúng quy trình hay không, yêu cầu nếu phát hiện sai sót sẽ phải xử lí nghiêm khắc, kiểu gì bác sĩ cũng bị cắt tiền phúc lợi và cắt thi đua. Sau đó, bệnh viện sẽ thành lập hội đồng chuyên môn kiêm kỉ luật, tổ chức vài cuộc họp để chỉ trích bác sĩ cho đến khi bác sĩ mất hết sự kiên nhẫn và bình tĩnh. Cuối cùng, bệnh viện cử đại diện gặp bệnh nhân và gia đình, để thông báo không phát hiện bác sĩ mắc sai sót, mà lỗi chỉ là bỏ qua một quy định nào đó trong quy trình khám bệnh chữa bệnh, mong bệnh nhân và gia đình bỏ qua, mong sự việc được giải quyết theo góc độ tình cảm. Kết thúc là, bệnh nhân và người nhà đồng ý giải quyết tình cảm kèm theo một khoản tiền bồi thường, bác sĩ phải bỏ tiền để mua lấy sự im lặng.
Các tình huống hao hao giống những vụ tống tiền.
Tại sao? Tôi lấy ví dụ, các khoa hậu môn trực tràng toàn bác sĩ nam vì ngón tay của họ rất dài và khéo léo, một ngày kia có bệnh nhân nữ rất trẻ đến khám vì đau và chảy máu khi đi ngoài. Hiện trường khám bệnh không chỉ có bên thứ ba chứng kiến, mà có hẳn một tập thể bác sĩ thực tập đứng chăm chú quan sát, số lượng rất tốt với khoảng 20 người. Tất cả đều là bác sĩ nam. Hoàn toàn phù hợp với quy trình. Khám xong, bệnh nhân nữ không hài lòng, rõ ràng cô bị một nhóm hơn hai chục ông già nhìn chằm chằm vào hậu môn và bình phẩm đủ thứ cô nghe không hiểu, chắc chắn họ sẽ quan sát luôn cả bộ phận ở phía trên. Và cô làm ầm ĩ. Tất nhiên là, quá trình khám hậu môn, bác sĩ có tài thánh vẫn phải chạm tay vào âm hộ. Và đó là cái để cô phản ứng. Đất nước chúng ta thực sự là đất nước cởi mở, nhiều chị em đi ngoài đường hở cả bộ phận sinh dục, trong khi miệng thì luôn được bịt kín bằng khẩu trang. Vào bệnh viện thì khác. Bệnh nhân nữ mà tôi giả định trong ví dụ này, mặc dù cô biết hậu môn của mình bị chảy máu thì chẳng có gì hấp dẫn, nhưng cô vẫn cho rằng bác sĩ đã sàm sỡ mình. Theo một logic rất đơn giản, nếu cô bị sàm sỡ, thì cách tiếp cận đúng phải là báo cảnh sát, sau đó dùng pháp luật để trừng trị kẻ phạm tội. Nhưng người phụ nữ sẽ không làm vậy, cô tuyên bố mình bị sàm sỡ vì niềm tin mình bị sàm sỡ, tất nhiên cô sẽ đòi bồi thường nhân phẩm và danh dự. Hãy thử tưởng tượng, một người bị xâm hại tình dục mà không báo cảnh sát, lại cứ đi chửi bới ầm ĩ, cho đến khi nhận được một khoản tiền thì sẽ thôi. Hành động ấy là gì? Phải chăng đó là tống tiền? Không còn nghi ngờ gì nữa, việc hơn hai mươi ông già nhìn chằm chằm vào âm hộ của cô là không phù hợp, nhưng không phù hợp cũng không đồng nghĩa với việc tấn công tình dục, còn việc bác sĩ lúc khám chạm tay vào âm hộ của cô là điều bất khả kháng. Vì thế mà cô gái không trình báo cảnh sát. Bởi suy cho cùng, cô báo cảnh sát thì cũng chẳng thể nào đưa ra được bằng chứng chắc chắn mình bị xâm hại tình dục, nên thứ mà cô cần là sự an ủi về tinh thần và tiền.
Thực tế ngành y chúng tôi rất tàn khốc.
Không chỉ mỗi chuyên khoa sản có đa số bác sĩ nam, mà chuyên ngành Xquang chúng tôi cũng rất nhiều bác sĩ nam giới làm siêu âm vú, siêu âm đầu dò âm đạo. Chúng tôi hàng ngày nhìn vài chục bông hoa cúc thối nát, thử hỏi có gì để mà xem, bác sĩ hoàn thành công việc nhằm mục đích lĩnh lương, chứ trong thâm tâm chẳng ai muốn nhìn hay sờ vào đó. Có những bác sĩ sản chán đến mức không muốn lấy vợ. Đó là tôi chưa kể có những tình huống ngược lại. Tôi có chị bạn chuyên siêu âm tinh hoàn tuyến tiền liệt, chị có kĩ năng dùng một ngón tay trỏ thăm hậu môn cực tốt, mỗi lần siêu âm tiền liệt tuyến chị không quên dùng ngón tay ngoáy hậu môn để đánh giá chính xác tổn thương. Tất cả bệnh nhân của chị đều hài lòng. Ngoài giờ làm việc, chị nhận siêu âm thêm cho một phòng khám, bệnh nhân nam lũ lượt kéo đến. Đa số những bệnh nhân nam ấy, họ chẳng có bệnh tật gì cả, nhưng cứ khám đi khám lại tinh hoàn và tuyến tiền liệt, chỉ yêu cầu chị khám. Nữ đồng nghiệp của tôi đã không chịu đựng được nữa, cuối cùng chị phải nghỉ việc ở phòng khám, rồi phải chuyển sang làm siêu âm tim.
Các bác sĩ da liễu và hoa liễu cũng phải cẩn thận.
Làm bác sĩ, chúng tôi sợ nhất lúc xảy ra đổ vỡ mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, bởi lúc đó phải giải quyết sự cố bằng tình & tiền.
Thật may Bệnh viện Việt Đức đã không như vậy.
Theo báo chí đưa tin, đại diện Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh nhân nữ 16 tuổi vào viện vì chấn thương, được bác sĩ chỉ định chụp Xquang khung chậu và chi dưới. Theo tường trình, học viên trực tiếp nhận giấy tờ và chuẩn bị tự thế chụp, việc chụp được kĩ thuật viên của bệnh viện thực hiện. Khi vào phòng chụp, bệnh nhân được yêu cầu cởi bỏ quần áo, kéo thấp quần, bỏ các đồ kim loại. Tuy nhiên, sau khi chụp Xquang, bệnh nhân ra ngoài thì người nhà bắt đầu to tiếng, đòi gặp nam học viên vì cho rằng con gái bị sàm sỡ.
Trước sự việc như vậy, Bệnh viện Việt Đức đã yêu cầu nam học viên và ê kíp viết bản tường trình, đồng thời Bệnh viện Việt Đức đã nộp toàn bộ bản tường trình, camera giám sát, cùng với tin nhắn qua lại giữa học viên và người nhà cho Công an phường Hàng Bông, đề nghị công an vào cuộc điều tra.
Trong buổi làm việc với Công an phường Hàng Bông, chỉ có nam học viên bị tố cáo, phía bên tố cáo không có mặt.
Xin cám ơn cách giải quyết của Bv Việt Đức!
Cuối cùng, tôi xin kể một trải nghiệm của chính bản thân, đó là khi tôi còn là sinh viên y khoa, đi thực tập ở khoa tim mạch. Một đêm trực, có bệnh nhân trở nặng, bác sĩ chỉ định làm điện tâm đồ và tôi thực hiện. Gần xong thì cô y tá già đến làm, rồi kéo tôi về phòng, hỏi tôi có biết đã làm sai điều gì không?
Tôi nghĩ bóng sai, hoặc clip, hoặc cả hai.
Cô y tá già nói với tôi, rằng đó là một bệnh nhân nữ, khi làm điện tâm đồ bắt buộc phải có y tá đứng cạnh. Tôi ngạc nhiên nói với cô y tá rằng, bệnh nhân là một bà già hơn 70 tuổi, diễn biến bệnh trở nặng đột ngột, y tá ai cũng đang quá bận cấp cứu bệnh nhân khác, vậy đâu cần thiết phải có bên thứ ba chứng kiến. Cô y tá nói với tôi rằng, khi làm điện tâm đồ, rèm phải được kéo kín, người thực hiện phải cở hết cúc áo của bệnh nhân, trong căn phòng chỉ có một nam một nữ, bất kì người phụ nữ đó bao nhiêu tuổi, chỉ cần người nhà hoặc ai đó nhìn thấy mà họ nghĩ sai, thì tôi hãy chuẩn bị một khoản tiền bồi thường và đối diện với đủ thứ rắc rối.
Hành nghề y hôm nay, bác sĩ hãy đối xử với bệnh nhân bằng lòng tốt nhất có thể, nhưng đôi khi cần bảo vệ bản thân bằng sự “độc ác” nhất có thể. Để không như vậy thì cần phải có sự can thiệp của pháp luật. Không phải bác sĩ nào cũng tốt, thậm chí có một vài bác sĩ vẫn sàm sỡ với bệnh nhân, mặc dù số bác sĩ như thế rất ít, nhưng chỉ có sự nghiêm minh của pháp luật mới loại bỏ cái xấu ở bác sĩ, triệt tiêu những câu chuyện hao hao giống hành vi tống tiền bác sĩ. Nếu không để pháp luật giải quyết triệt để, mà sự cố chỉ được giải quyết bằng tình và tiền như xưa nay vẫn làm, thì nguyên tắc điều trị của bác sĩ sẽ thay đổi từ điều trị bệnh ở mức tối đa, chuyển sang trốn tránh trách nhiệm ở mức tối đa.