- Bài viết
- 3,872
- Xu
- 3,217
Văn chương, báo chí là không gian đại dương chữ nghĩa mênh mông, hằng ngày, hằng giờ cuộn trào muôn ngàn lớp sóng ngôn từ, làm bừng sáng lên hệ giá trị tinh thần của con người và thời đại.
Trong lịch sử nhân loại, khi mà các giá trị vật chất thường nhanh chóng cũ kỹ, lỗi thời thì các giá trị tinh thần cao quý vẫn mãi là vàng ngọc tư tưởng, tỏa sáng, chiếu rọi tới mai sau.Sức mạnh đặc thù của vũ khí tư tưởng
Hơn nghìn năm đã trôi qua mà lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng tự chủ quật cường của dân tộc ta trong bài thơ “Nam quốc sơn hà” được coi là của Lý Thường Kiệt vẫn sừng sững như ngọn núi tư tưởng hùng vĩ, cao vút trên bầu trời tinh thần dân tộc, vẫn rền vang như sấm truyền hào sảng tuyên ngôn về chủ quyền của đất nước: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Xưa nay, những diễn ngôn thời đại thể hiện tư tưởng cao quý của dân tộc bao giờ cũng được kết tinh, tỏa sáng và âm vang trên diễn đàn văn chương. Vượt qua thời gian, ngôn ngữ dân tộc trong văn chương là dòng chảy tinh thần vô tận, chuyên chở phù sa tư tưởng, cảm xúc chân chính, bồi đắp tâm hồn con người.
Nhà thơ Huy Cận từng khái quát về tư thế chính nghĩa và truyền thống văn võ song toàn trong đánh giặc giữ nước của ông cha ta: “Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa/ Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng/ Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”.
Với tinh thần “mưu phạt tâm công”, “múa bút mềm gan tướng giặc”, Nguyễn Trãi đã viết khá nhiều thư dụ hàng, khiến quân Minh khiếp sợ, bó giáo quy phục mà không cần dùng võ lực. Viết “Hoàng Việt thi tuyển”, Bùi Huy Bích đánh giá: “Các bức thư này có sức mạnh của mười vạn quân”.
|
Biểu diễn văn nghệ tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới" lần thứ nhất (năm 2021-2022) do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội tổ chức. Ảnh: MINH HUY |
Trong bối cảnh đất nước chìm đắm, lầm than dưới ách thống trị của thực dân Pháp, với lòng yêu nước và khí tiết dũng cảm, Nguyễn Đình Chiểu đã chạm khắc lên trời xanh lời tuyên ngôn sáng tác văn chương đầy nghĩa khí hào sảng: “Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà”. Theo Nguyễn Đình Chiểu, văn chương phải giống như con thuyền chuyên chở giá trị đạo lý. Thiên chức, sứ mệnh cao cả khi viết văn là phải “chở đạo” (thể hiện đạo lý, bảo vệ chân lý, lẽ phải) và “đâm gian” (chiến đấu chống lại bọn gian tà, phi nghĩa). Tác phẩm văn chương phải có sức mạnh của muôn ngàn gươm giáo chĩa mũi nhọn vào cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, đê tiện, phi nghĩa.
Trong đấu tranh cách mạng, nhà văn, nhà báo phải là những chiến sĩ văn hóa dũng cảm, đấu tranh chống kẻ thù trên mặt trận tư tưởng-văn hóa: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong” (“Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”-Hồ Chí Minh).
Sứ mệnh của văn chương, báo chí trên mặt trận “không tiếng súng”
Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quốc gia số, văn hóa số, công dân số, đồng thời phải đối mặt với những thách thức khó lường của tình hình thế giới, hơn bao giờ hết, đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo với “tâm sáng, bút sắc, lòng trong” sẽ dũng cảm, xung kích đi đầu, phát huy sức mạnh của truyền thông đại chúng trên mặt trận tư tưởng-văn hóa.
Văn chương, báo chí có sứ mệnh vinh quang, cao cả là bảo vệ giá trị chính nghĩa của cách mạng nước ta, khẳng định thành quả to lớn của sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người, hướng tới phát triển nhanh và bền vững, xây dựng thành công một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Sau khi cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, tiếp tục ổn định, chấn chỉnh đất nước trong trạng thái bình thường mới, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang hăng hái thi đua, quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quyết không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế nhanh chóng của ASEAN và trên phạm vi toàn cầu.
Văn chương, báo chí nước ta cần phải tiếp tục bồi đắp vững chắc thành lũy tinh thần cách mạng của dân tộc, chặn đứng sự xâm lăng văn hóa từ bên ngoài. Văn chương, báo chí phải là công cụ sắc bén của cách mạng trong cuộc đấu tranh vạch trần trước công luận trong nước và quốc tế bộ mặt phi nghĩa, âm mưu thâm độc, xảo quyệt của các thế lực phản động, thù địch.
Bên cạnh hoạt động đấu tranh không khoan nhượng với các hiện tượng tiêu cực “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, hách dịch, những thói hư tật xấu, sự suy thoái đạo đức, lối sống, văn chương, báo chí cần phải có cái nhìn toàn diện, khoa học, công tâm, khách quan để phản ánh, thể hiện và biểu dương, lan tỏa nhiều hơn nữa những tấm gương sáng, những điển hình tiên tiến trên phạm vi cả nước, khẳng định những thắng lợi to lớn của sự nghiệp đổi mới. Văn chương, báo chí còn có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là tiếp tục lan tỏa hình ảnh chính nghĩa của Việt Nam, lan tỏa vẻ đẹp của văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, thiết thực phát huy sức mạnh mềm của đất nước, tiếp tục bồi đắp thành lũy, nền tảng tinh thần cách mạng kiên cường của dân tộc, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.