Sức lan tỏa của Festival Huế

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Ngay lần đầu tiên tổ chức vào năm 2000, Festival Huế (diễn ra 12 ngày đêm với chủ đề “Huế - thành phố của nghệ thuật sống”), có sự tham gia của hơn 30 đoàn nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp đã để lại ấn tượng tốt.

Festival thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6.000 lượt khách quốc tế... Đây thực sự là ngày hội văn hóa, nghệ thuật và du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế, là hoạt động giao lưu có tính chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, thúc đẩy sự phục hồi của tỉnh Thừa Thiên Huế sau trận lũ lịch sử năm 1999.

Đến nay, sau 11 lần tổ chức, Festival Huế để lại ấn tượng và sức hấp dẫn riêng. Mỗi kỳ Festival có một chủ đề để Ban tổ chức xây dựng kịch bản, các chương trình nghệ thuật phù hợp. Festival Huế từng thành công với các chủ đề: “Huế - Thành phố của nghệ thuật sống” (2000); “Khám phá nghệ thuật sống của Cố đô Huế” (2002); “700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên Huế” (2006); “Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử” (2012); “710 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên Huế (2016)” và “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” (2004, 2008, 2010, 2014).

Năm 2018, Festival Huế lần thứ 10 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển-Huế, 1 điểm đến 5 di sản”, là sự kế thừa và khẳng định sự thành công của chín kỳ Festival trước đó; nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa của các quốc gia, nhằm tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế; giới thiệu, quảng bá những giá trị đặc sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, đẩy mạnh phát triển du lịch và kinh tế-xã hội của Thừa Thiên Huế. Từ năm 2022, Festival Huế (lần thứ 11) được đổi mới theo hình thức lễ hội bốn mùa - mỗi mùa một festival, để thu hút du khách đến Huế.

Thương hiệu Festival Huế đã lan tỏa và khẳng định trong lòng du khách gần xa, các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, và Huế xứng đáng là thành phố Festival đầu tiên của Việt Nam. Ban tổ chức cho biết, Festival Huế 2024 có 13 đoàn và nhóm nghệ thuật từ bảy quốc gia tham dự biểu diễn.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Phó Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2024 Hoàng Việt Trung, Festival Huế 2024 theo định hướng bốn mùa sẽ tiếp tục khai thác các chuỗi lễ hội trải dài trong năm, từng bước xây dựng hệ thống chương trình lễ hội mới. Không chỉ có các chương trình nghệ thuật mang tính tiêu biểu, đại diện dấu ấn của nhiều nền văn hóa trong nước và quốc tế để du khách cùng tham gia, mà còn có các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian… được dày công tái tạo, giữ gìn hay các lễ hội mới phù hợp xu thế, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải-Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết: Văn hóa luôn là yếu tố quan trọng nhất để khai thác và biểu dương thương hiệu của Huế. Slogan xuyên suốt của Festival Huế là “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Đối với Huế, yếu tố quốc tế luôn đóng vai trò quan trọng, nên Festival Huế chính là dịp quảng bá về văn hóa, hội tụ tinh hoa văn hóa, để các giá trị văn hóa đó được thể hiện rõ giá trị, phát huy và lan tỏa. Đó là cách mà Huế vừa quảng bá vừa xây dựng thương hiệu.

Theo Ban tổ chức, Festival Huế là một đại chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp, hoành tráng. Ngoài những chương trình mang đậm dấu ấn cung đình, văn hóa truyền thống Huế như đêm hoàng cung, dạ tiệc cung đình, lễ ban sóc, lễ tế giao, lễ hội áo dài..., Festival Huế còn có nhiều chương trình nghệ thuật mới mẻ, mang hơi thở thời đại do các đoàn nghệ thuật nổi tiếng đến từ nhiều quốc gia tham gia biểu diễn. Festival Huế không ngừng được đổi mới qua các kỳ tổ chức.


Ông Nguyễn Phước Hải Trung- Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Trưởng ban nội dung Festival Huế 2024 cho biết, Festival Huế vượt qua khoảng cách không gian, thời gian, vị trí địa lý, là dịp để giao lưu văn hóa ngôn ngữ, gắn kết tình yêu thương, đoàn kết con người của các quốc gia, dân tộc... Festival Huế 2024 (được tổ chức theo định hướng bốn mùa) tiếp tục khai thác các lễ hội trải dài trong năm, như các hình thái lễ hội dân gian, lễ hội cung đình, tôn giáo, lễ hội truyền thống, đồng thời từng bước xây dựng các chương trình lễ hội mới, phù hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng, phát triển trở thành sản phẩm du lịch định kỳ, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương.

Đặc biệt, trong Tuần lễ Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 (từ ngày 7 đến 12/6), có chuỗi hoạt động nghệ thuật chất lượng cao, quy tụ các nghệ sĩ của Huế, các vùng văn hóa Việt Nam và các đoàn nghệ thuật đặc sắc quốc tế; giới thiệu các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao...

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2024 cho rằng, thương hiệu đặc trưng riêng của Festival Huế là nơi văn hóa, nghệ thuật truyền thống trên thế giới và trong nước cùng hội tụ và giao thoa.

Vì vậy, Festival Huế tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, nối kết giữa Huế trong lịch sử và Huế hiện tại để khẳng định một Huế tương lai, tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc thù, khai thác thế mạnh danh thắng, kiến trúc, du lịch tâm linh của vùng đất, để Huế thực sự trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Theo ông Hoàng Việt Trung, xây dựng và phát triển, lan tỏa thương hiệu Festival Huế là mục tiêu tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì, thông qua các chương trình nghệ thuật đậm chất truyền thống và những không gian văn hóa nghệ thuật sôi động, để Festival Huế ngày càng mở rộng khán giả, hướng đến thành phố của lễ hội thật sự.

Festival Huế 2024 có một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang phấn đấu sớm hoàn thiện mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom