“Sập bẫy” đầu tư tài chính, tiền ảo qua mạng xã hội

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Tràn lan các chiêu "lùa gà"

Mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã đưa ra cảnh báo liên quan đến hoạt động giao dịch tiền mã hóa trên các ứng dụng, sàn giao dịch chứng khoán chưa được cấp phép. Cụ thể, thời gian qua xảy ra nhiều hiện tượng một số tổ chức, cá nhân đặt tên công ty chứng khoán khi chưa được cấp phép. Những tổ chức này vận hành các ứng dụng, sàn giao dịch chứng khoán trái phép.

Để dụ dỗ người dân, các đối tượng chủ yếu sử dụng mạng xã hội để kêu gọi nhà đầu tư mở tài khoản, gửi tiền vào các ví điện tử, đầu tư vào các loại tiền mã hóa (Pi, USDT, BUSD…) trên các sàn giao dịch chứng khoán không phải do Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con tổ chức, vận hành. Sau một thời gian không rút được tiền, hoặc tài khoản đầu tư bị thua lỗ nghiêm trọng, nhà đầu tư mới phát hiện có hành vi lừa đảo.

“Sập bẫy” đầu tư tài chính, tiền ảo qua mạng xã hội -1

Mặc dù cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều người mù quáng trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này.


Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất chính là thông qua sàn giao dịch quyền chọn nhị phân. Các đối tượng lừa đảo sẽ mở một sàn giao dịch không đăng ký kinh doanh các sản phẩm mà thực hiện dưới dạng đầu tư tài chính. Các sàn giao dịch này thường do một nhóm đối tượng ẩn danh tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh, không có trụ sở tại Việt Nam hay người đứng đầu cụ thể và cũng không kinh doanh các sản phẩm mà người mua sẽ đưa ra dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của các loại tài sản như hàng hóa, tiền tệ, cổ phiếu, chỉ số tại thời điểm dự đoán.

Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo còn lập một đội chuyên đọc lệnh, lập nhiều nhóm trên mạng xã hội chia sẻ kinh nghiệm đầu tư và thường xuyên đăng ảnh nhận lãi khủng, mua nhà, mua xe nhằm lôi kéo những người không rành về tài chính, những người lớn tuổi hay người sống ở các vùng nông thôn…. Sức hấp dẫn từ lời mời, lãi suất cao khó cưỡng đã thôi thúc hàng nghìn người tham gia.

Bằng các thủ đoạn trên, chúng giới thiệu sàn đầu tư tài chính với hình thức chơi chủ yếu là dự đoán về các giao dịch liên quan đến tiền ảo, cổ phiếu… thông qua các lệnh như mua - bán, lên - xuống, xanh - đỏ… Thủ đoạn này tương tự như những trò tài xỉu online hoặc cá cược bóng đá online. Người chơi sẽ có một khoảng thời gian để lựa chọn và nếu thắng thì sẽ nhận về đến 95% số tiền đặt cược, nếu thua thì sẽ mất hết tất cả số tiền đã cược trước đó.

Có thể thấy, đây là một hình thức lừa đảo vô cùng tinh vi. Kẻ lừa đảo lợi dụng tâm lý thắng thua, đam mê bài bạc của các nạn nhân cùng với cam kết trả lợi nhuận cao thậm chí có thể rút vốn cũng như lãi bất cứ lúc nào để dụ dỗ, lôi kéo người chơi thực hiện đầu tư vào sàn giao dịch. Sau khi đã thu hút được một số lượng lớn người chơi nạp tiền vào sàn, bọn chúng sẽ lợi dụng công nghệ cao để can thiệp vào hệ thống xử lý các lệnh giao dịch, chiếm quyền các tài khoản của người chơi và đánh sập sàn giao dịch, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.

Anh Lê Văn Đ (Phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, khoảng 3 tháng trước anh nhận được cuộc gọi từ thuê bao 0975xxx… gọi mời chào tham gia chứng khoán quốc tế. Người này giới thiệu hiện làm quản lý của sàn tiền ảo. Sau khoảng 3 ngày liên tiếp gọi điện thuyết phục, anh Đ đã đồng ý mở tài khoản có ID 9920…và tham gia đầu tư cho sàn này là 4.000 USD. Tại đây, anh Đ đã nạp số tiền là 4.000 USD qua số tài khoản cá nhân tại Ngân hàng VPBank.

“Trong quá trình giao dịch tại sàn này, tôi đã thực hiện mọi thao tác và cách đi lệnh By/Sell (mua/bán) theo hướng dẫn của nhân viên. Sau vài thao tác, tài khoản của tôi đã sinh lời lên hơn 20.000 USD, tôi đã đề nghị rút tiền. Thay vì đồng ý, nhân viên sàn này cho rằng, tôi đã thực hiện không đúng các quy định của sàn và từ chối không cho tôi rút tiền. Bức xúc quá nên tôi đã làm đơn lên cơ quan công an để xác minh, xử lý sàn tiền ảo này”, anh Đ kể lại.

Một thủ đoạn gần đây được các đối tượng thường xuyên sử dụng và rất hiệu quả chính là tặng tiền ảo. Ở chiêu trò này, kẻ lừa đảo thường giả danh CEO của các dự án coin lớn, yêu cầu người dùng gửi tiền ảo vào ví để nhận lãi khủng. Đặc biệt, số coin này sẽ không thể quy thành tiền hay bất cứ loại tài sản nào khác. Tuy nhiên, sau khi người chơi đã gửi tiền thành công, các đối tượng sẽ thông báo hệ thống lỗi và nạn nhân sẽ không nhận được tiền lãi cũng như có nguy cơ mất toàn bộ số tiền đã nạp trước đó. Nếu nhận ra dấu hiệu lừa đảo, nạn nhân muốn bán toàn bộ coin có trong ví của mình thì cũng sẽ phát hiện toàn bộ số tiền trong ví đã biến mất và không thể thực hiện được bất kỳ giao dịch nào.

Năm 2022, anh Nguyễn Văn C (Phủ Lý, Hà Nam) cũng “sập bẫy” của một nhóm đối tượng lừa đảo tham gia đầu tư hợp tác cùng kinh doanh bất động sản, du lịch, tư vấn thiết kế…với kỳ hạn 6- 72 tháng, trả lãi theo ngày với mức lãi suất 3-5,1%/tháng (43,2%/năm). Không những vậy, anh C còn được nhà đầu tư của công ty hứa đối ứng cho sang tên 1 “sổ đỏ” giá trị bằng 45% mức đầu tư.

Không những đưa ra mức lãi suất béo bở, các đối tượng còn đưa ra chương trình khuyến mại, kích cầu với các quà tặng giá trị như tặng vàng, tặng “sổ đỏ”, tặng ôtô, xe máy SH, điện thoại iPhone, tặng tiền ảo… “Họ kêu gọi chúng tôi mua cổ phiếu công ty của họ. Họ phát hành hàng chục nghìn cổ phiếu, các nhà đầu tư sẽ mua đi bán lại với nhau và sử dụng cổ phiếu này để đăng ký mua bất động sản. Ban đầu, nhà đầu tư có thể rút tiền phân chia lợi nhuận về tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, họ chỉ được trả lợi nhuận một số tháng đầu, sau đó nhà đầu tư không rút được tiền về tài khoản ngân hàng. Ứng dụng và trang web không còn hoạt động”, anh C chia sẻ.

Để mục sở thị chiêu trò của các đối tượng lừa đảo, phóng viên cũng đã tham gia một nhóm liên quan đến sàn tiền ảo có dấu hiệu hoạt động trái phép. Khi vào nhóm, phóng viên được bộ phận Support (hỗ trợ) tạo một đường link riêng cho từng nhân viên IB và Group trên nền tảng Zalo/

Telegram/Facebook. Sau đó, phóng viên chỉ có nhiệm vụ là viết bài, gắn link được cấp và đưa lên các nhóm đã tạo. Khi khách hàng tham gia và đăng ký link của IB nào, thì nhân viên IB đó sẽ được tính hoa hồng trên khối lượng số Lot mà khách giao dịch (3USD/Lot).

Đánh sập đường dây tiền ảo “khủng”

Thông tin Công an TP Hà Nội đánh sập đường dây tiền ảo Cashback Pro trị giá hàng nghìn tỷ đồng đã khiến nhiều nhà đầu tư ngã ngửa. Cụ thể, ngày 12/7, Công an TP Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm các quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp xảy ra tại Công ty Cổ phần BBA Toàn Cầu, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với Thân Văn Thoại (SN 1984, trú tại Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội; là Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BBA Toàn Cầu) và 7 đối tượng có liên quan.

“Sập bẫy” đầu tư tài chính, tiền ảo qua mạng xã hội -2

Các đối tượng trong đường dây tiền ảo Cashback Pro trị giá hàng nghìn tỷ đồng tại Hà Nội.


Theo điều tra, từ năm 2019, Thoại đã mua lại dự án tiền ảo CashBack Pro (CBP) từ nước ngoài về Việt Nam với mục đích kinh doanh tạo nhiều lợi nhuận. Thông qua các đối tượng người nước ngoài, Thoại tạo các giao dịch ảo, đồng thời quảng bá đồng tiền ảo được giao dịch trên một số trang web về tiền ảo trên thế giới.

Sau khi quảng bá đồng tiền ảo trên một số trang web, Thoại tạo lập ứng dụng mua bán hàng hóa được thưởng hoa hồng bằng tiền ảo CashBack Pro và trang web ứng dụng Speeding.vip (kêu gọi đầu tư, phát triển hệ thống để hưởng hoa hồng quy đổi ra tiền ảo), CBP Wallet (ví tiền ảo) để cung ứng đồng tiền kỹ thuật số CBP theo phương thức đa cấp. Thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng trực tiếp và tiền trả thưởng nếu kết nối được cộng đồng hoặc tự mở tài khoản tham gia vào gói đầu tư trong mạng lưới do bản thân mình xây dựng.

Để phát triển hệ thống, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, Thoại chia các nhóm, cấp các tài khoản tiền ảo và chỉ đạo, hướng dẫn các đối tượng là lãnh đạo (leader) các nhánh (team) gồm: Vũ Phong; Đinh Văn Tuệ; Lê Thị Xiềm... đi lôi kéo, thu hút người tham gia. Thoại đã thành lập Công ty cổ phần BBA Toàn Cầu để tổ chức các sự kiện đào tạo quảng bá. Mặc dù Công ty cổ phần BBA Toàn Cầu và bản thân Thân Văn Thoại không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp, Thoại chỉ đạo các đối tượng: Tuệ, Xiềm, Phong, Yến… tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm tại trụ sở Công ty cổ phần BBA Toàn Cầu (địa chỉ: Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) để rao giảng về quản lý tài chính, học làm giàu, từ đó quảng bá, giới thiệu về lợi ích của đồng coin CBP và việc tham gia cộng đồng Speeding.vip.

“Sập bẫy” đầu tư tài chính, tiền ảo qua mạng xã hội -0

Đối tượng Thân Văn Thoại tại cơ quan công an.


Nhóm đối tượng cũng đưa ra các chính sách để thu hút nhà đầu từ như: trả thưởng hoa hồng, sinh lợi hấp dẫn (lãi 0,5%/ngày, hoa hồng 12%-50% khi phát triển được nhánh trong hệ thống, hưởng lãi từ 29 cấp dưới, giá trị đồng CBP trong speeding.vip gấp hàng trăm lần giá trị ngoài thị trường); tặng một số lượng đồng coin nhất định khi nhà đầu tư mở tài khoản, chia nhà đầu tư thành nhiều tầng nấc, tổ chức du lịch 5 sao cho các nhà đầu tư nạp tiền vào hệ thống với số lượng lớn; chia thành nhiều gói đầu tư từ 1.000USD - 100.000USD, tham gia gói đầu tư càng cao hoa hồng càng lớn; lãi suất liên tục được thể hiện cộng vào tài khoản; có thể lập 1 lúc nhiều tài khoản tham gia hệ thống... để kích thích, thu hút nhà đầu tư tham gia.

Ngoài ra, Thoại cũng đặt ra quy ước khi tham gia cộng đồng: khóa chiều nạp CBP vào trong nền tảng Speeding.vip nên khi nhà đầu tư muốn tham gia bắt buộc phải mua số lượng coin của người thuộc tuyến trên (là thành viên trong cộng đồng Speeding). Mỗi người sẽ được kết nối hoặc giới thiệu cho 2 người hoặc tự mở cho bản thân được 2 tài khoản dưới chân, không hạn chế số tầng, lớp người tham gia, nhưng số hoa hồng trả cho các nhà đầu tư sẽ dừng lại ở tầng thứ 29.

Với các thủ đoạn như trên, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2021 đến 11/6/2024, thông qua trang web ứng dụng Speeding.vip, Thân Văn Thoại cùng các leader đã tạo ra cộng đồng đầu tư với hàng trăm ngàn tài khoản tham gia với giá trị các gói đầu tư được thể hiện trên hệ thống lên đến hàng chục tỷ đô la. Bọn chúng đã xây dựng được nhiều tầng, mỗi tầng có nhiều nhánh nhỏ, kết nối hệ thống và hưởng lợi số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư.

Trước đó, ngày 22/8/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Internet BBI Việt Nam. Ngày 20/5/2024, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Hồ Quốc Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Internet BBI Việt Nam và Thân Văn Thoại về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Công an TP Hà Nội đề nghị những người đã tham gia vào các dự án BBI Mall, CashBackPro, tiền ảo CBP, SVIP, VNDO, Ví điện tử CBP Wallet, Future City... và các dự án khác có liên quan đến Công ty cổ phần Internet BBI Việt Nam, Công ty cổ phần BBA Toàn Cầu, các dự án do Thân Văn Thoại, Hồ Quốc Anh điều hành phát triển, đến trình báo và phối hợp với cơ quan điều tra để xác minh làm rõ.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom