Sách hay, xin đừng “cất kho”

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Đây là lần đầu tiên sau sáu mùa giải, độc giả được quyền tham gia đề cử. Điều lệ, quy chế mới của Giải thưởng Sách quốc gia từ mùa giải 2024 cũng có một số điểm mới, trong đó đáng chú ý là có thêm “giải sách được bạn đọc yêu thích”, mở rộng đối tượng được đề cử giải thưởng tới bạn đọc, dành 10% tổng kinh phí tài trợ cho công tác truyền thông; việc đo lường sức ảnh hưởng trong tính lan tỏa sẽ được thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau...

Giải thưởng Sách quốc gia là giải thưởng cấp Nhà nước được tổ chức hằng năm, trao giải cho những cuốn sách, bộ sách có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ. Sáu năm qua, Giải thưởng Sách quốc gia đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền xuất bản Việt Nam. Không chỉ vinh danh những tác phẩm xuất sắc, mà tính lan tỏa của tác phẩm cũng ngày càng được quan tâm.

Tuy vậy, thời gian qua, dù giải thưởng đã được trao cho các công trình giá trị, song khoảng cách giữa tác phẩm đoạt giải và sức hút đối với độc giả vẫn còn khá lớn. Một trong những hạn chế của giải thưởng là xu hướng nghiêng về những cuốn sách có tính hàn lâm, trong khi sách gần gũi với bạn đọc lại thiếu vắng. Nhiều tác phẩm giành giải khi được công bố lại hoàn toàn xa lạ với công chúng. Cũng có tác phẩm đoạt giải là sách Nhà nước đặt hàng, nằm đâu đó ở thư viện hoặc “cất kho”... Có cuốn sách, bộ sách đoạt giải nhưng thuộc chuyên ngành hẹp, sách chuyên khảo, đối tượng độc giả rất ít, không đủ kinh phí in ấn, phát hành... nên không thể tái bản hoặc in lại để phổ biến, ứng dụng trong thực tế. Công tác truyền thông cho sách đoạt giải chưa thật sự được đẩy mạnh để sách hướng tới bạn đọc, bạn đọc muốn đọc và cần đọc…

Làm ra được những cuốn sách hay, những cuốn sách có giá trị là cả một nỗ lực, cố gắng, tâm huyết của rất nhiều người, nhưng để sách đến được với bạn đọc, lan tỏa và nhân lên những giá trị tri thức, những giá trị văn hóa trong đời sống xã hội còn là một yêu cầu, thách thức lớn đòi hỏi nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Rất cần có biện pháp để nâng tầm giá trị cho mỗi cuốn sách đoạt giải tương xứng với sự kỳ vọng của đông đảo bạn đọc, trở thành tài sản tinh thần quý giá trong mỗi gia đình và cộng đồng. Vì thế, truyền thông quảng bá sách đoạt giải là rất quan trọng.


Để Giải thưởng Sách quốc gia ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn, có sức lan tỏa trong xã hội, giới chuyên gia cho rằng, truyền thông về giải thưởng cần được đẩy mạnh và duy trì liên tục để phát huy giá trị của sách đoạt giải, bằng các hình thức: giới thiệu sách định kỳ; tổ chức tọa đàm, giao lưu giữa độc giả với tác giả, đại diện nhà xuất bản, đơn vị phát hành, người nổi tiếng, có uy tín... để giới thiệu về cuốn sách đoạt giải cả trực tiếp lẫn trực tuyến trên không gian mạng, góp phần định hướng thị hiếu đọc của công chúng. Hội Xuất bản Việt Nam, Cục Xuất bản, In và Phát hành rất cần tổ chức biên soạn, xuất bản một cuốn sách tinh gọn dưới dạng điện tử nhằm giới thiệu về các tác phẩm đoạt giải, lựa chọn cuốn sách có giá trị cao để tập trung đẩy mạnh truyền thông, quảng bá…

Các nhà xuất bản có tác phẩm đoạt giải cần chú trọng đến công tác quảng bá sách sau giải thưởng; cần có giải pháp để đưa sách đến gần hơn với độc giả, tiếp tục lan tỏa văn hóa đọc. Đồng thời, cần thành lập kênh truyền thông riêng cho Giải thưởng Sách quốc gia; sớm tóm tắt các nội dung của các cuốn sách đoạt giải dưới hình thức sách điện tử; tạo ra các diễn đàn để giới thiệu các tác giả và tác phẩm đoạt giải…; tăng cường triển lãm các cuốn sách được giải thưởng trong triển lãm, hội chợ; phối hợp các đài phát thanh, truyền hình xây dựng chuyên trang, chuyên mục giới thiệu sách hay, giá trị, trong đó ưu tiên giới thiệu sách hay, giá trị đoạt Giải thưởng Sách quốc gia qua các mùa; kết hợp với một số nhân vật làm truyền thông mạng có nhiều bạn đọc theo dõi giới thiệu sách được giải đến bạn đọc; sớm tính đến việc số hóa các sách đoạt giải nhằm lan tỏa mạnh hơn, không chỉ cho bạn đọc trong nước mà còn cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế quan tâm đến Việt Nam.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom