Polyp mọc chùm trong tử cung khiến người phụ nữ vô sinh

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Hà NộiChị Xuân, 38 tuổi, vô sinh 12 năm, nhiều lần thụ tinh ống nghiệm thất bại, bác sĩ nội soi tử cung phát hiện khối u và nhiều polyp nhỏ mọc thành chùm.


Ngày 10/6, BS.CKI Lê Đức Thắng, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVFTA), cho biết khoảng 1/5 bệnh nhân hiếm muộn có nguyên nhân từ các bất thường ở lòng tử cung, nhưng khó phát hiện qua khám thông thường, siêu âm, chẳng hạn polyp kích thước nhỏ.

Nội soi buồng tử cung giúp phát hiện các bất thường mà nhiều phương pháp khác không làm được. Kỹ thuật này đặc biệt có lợi ở những bệnh nhân đã thất bại chuyển phôi nhiều lần, tiền sử sảy thai liên tiếp, vô sinh không rõ nguyên nhân thời gian dài. Như chị Xuân, bác sĩ phát hiện khối lạc nội mạc trong cơ tử cung với nhiều polyp nhỏ mọc thành chùm.

Lạc nội mạc là tình trạng các mô tương tự lớp niêm mạc bên trong tử cung phát triển ở bên ngoài hoặc ngay tại tử cung. Khối lạc nội mạc làm tử cung biến dạng, chất lượng cơ tử cung giảm do phản ứng viêm tại chỗ. Lạc nội mạc nặng, kích thước khối u to chèn vào buồng tử cung khiến phôi thai giảm khả năng làm tổ. Tình trạng viêm dính có thể làm tắc vòi tử cung, cản trở quá trình thụ thai.

Các khối polyp hình thành khi lớp tuyến và mô đệm nội mạc tử cung phát triển quá mức, cản trở sự di chuyển của tinh trùng hoặc gây biến dạng buồng tử cung, ngăn phôi thai làm tổ và phát triển.

"Hai bệnh lý này thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhưng khối lạc nội mạc tử cung và polyp kết thành chùm như chị Xuân ít gặp", bác sĩ Thắng nói, thêm rằng khả năng mang thai tự nhiên ở trường hợp này chỉ khoảng 10%.

Hiện chưa có cách điều trị dứt điểm u lạc nội mạc tử cung mà chỉ cải thiện triệu chứng, tăng khả năng thụ thai bằng cách dùng thuốc hoặc thủ thuật nút mạch nếu kích thước u lớn.

Polyp tử cung hầu hết lành tính. Một số trường hợp mang bản chất tiền ung thư hoặc tiềm ẩn nguy cơ chuyển thành ác tính. Tùy trường hợp, bác sĩ chỉ định theo dõi hoặc can thiệp bằng thuốc hoặc phẫu thuật cắt bỏ.

Chị Xuân bị lạc nội mạc tử cung ở mức độ nhẹ nên chưa cần can thiệp. Trong quá trình mổ nội soi, bác sĩ cắt polyp buồng tử cung, kiểm tra chức năng hai vòi trứng. Giải pháp này cải thiện khoảng 75-100% triệu chứng kinh nguyệt không đều, chảy máu sau giao hợp. Đồng thời, ngăn ngừa một số biến chứng như viêm nhiễm phụ khoa, nguy cơ hội chứng đa nang, ung thư, sảy thai hoặc sinh non sau này.

Theo bác sĩ Thắng, tỷ lệ mang thai ở những phụ nữ được cắt bỏ polyp tăng đáng kể so với khi không được điều trị, ước tính khoảng 30% nếu thụ tinh nhân tạo (IUI) và 65% nếu thụ tinh ống nghiệm (IVF).

Sau mổ, chị Xuân được kích trứng theo phác đồ cá thể hóa, thụ tinh ống nghiệm tạo được 9 phôi chất lượng tốt. U lạc nội mạc tử cung khiến chị đau bụng kinh nhiều. Bác sĩ chỉ định chuẩn bị niêm mạc theo phác đồ tự nhiên thay vì sử dụng hormone. Tháng 7/2023, bác sĩ chuyển một phôi vào buồng tử cung, chị đậu song thai nhưng một thai sau đó ngừng phát triển.

Tuần 37 thai kỳ, bác sĩ siêu âm phát hiện thai nhi ngôi mông, dây nhau bám màng, nguy cơ thai chậm phát triển, chỉ định mổ chủ động sớm để đảm bảo an toàn. Tháng 3/2024, bé trai chào đời khỏe mạnh nặng 2,4 kg.



Gia đình chị Xuân hạnh phúc đón con trai đầu lòng. Ảnh: Xuân Duy


Theo bác sĩ Thắng, nguyên nhân gây u lạc nội mạc và polyp tử cung hiện chưa được xác định. Một số nghiên cứu cho thấy sự gia tăng nồng độ hormone estrogen trong cơ thể có thể dẫn tới những bệnh lý này. Ngoài ra, máu kinh nguyệt chảy ngược, hậu quả của một số thủ thuật vùng bụng, yếu tố di truyền cũng thúc đẩy hình thành lạc nội mạc tử cung.

Ước tính khoảng 10-15% phụ nữ sống chung với lạc nội mạc , nhưng chưa đến 60% trong số này được chẩn đoán do phải mất khoảng 4-11 năm mới phát hiện bệnh.

Nghiên cứu hồi cứu trên 1.000 phụ nữ được nội soi buồng tử cung trước khi thực hiện IVF cho thấy tỷ lệ polyp nội mạc tử cung được phát hiện là 32%. Nhiều trường hợp không biết bệnh cho đến khi khám sức khỏe sinh sản.

Do đó, bác sĩ Thắng khuyến cáo các cặp vợ chồng nên đi khám sức khỏe sinh sản nếu không có con sau một năm nỗ lực thụ thai (6 tháng nếu người vợ trên 35 tuổi). Thông qua thăm khám, thăm dò cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đánh giá được chức năng sinh sản hiện tại của cả hai vợ chồng, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại như kích thích buồng trứng, bơm tinh trùng vào buồng tử cung, với nhiều kỹ thuật tiên tiến... có thể giúp bệnh nhân điều trị thành công, sớm có con.

Trịnh Mai

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn để bác sĩ giải đáp

Xem tiếp...
 
Back
Top Bottom