Phó thủ tướng: Cần biến rác thành tài nguyên

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, cần nâng cao nhận thức của toàn dân và cơ quan quản lý để chuyển rác thành tài nguyên, biến rác thành năng lượng.


Cuối phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chiều 4/6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà có 10 phút để giải trình thêm những vấn đề mà đại biểu đặt ra.

Liên quan quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng các quy định pháp luật đã toàn diện, đầy đủ, nhưng để thực hiện thì cần nâng cao nhận thức của toàn dân và cơ quan quản lý để chuyển rác thành tài nguyên, kết hợp với kinh tế tuần hoàn.

"Biến rác thành năng lượng mới là giải pháp tốt", ông nói, đề nghị "tuyệt đối không chôn lấp rác". Bài toán hay nhất, theo Phó thủ tướng là rác tại nguồn của người dân phải được phân loại tốt nhất.



Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn, chiều 4/6. Ảnh: Giang Huy


Phó thủ tướng cho hay trong thời gian sớm nhất, các bãi rác đã chôn lấp từ lâu sẽ được xử lý theo phương thức đối tác công - tư. Việc xử lý, cải tạo sẽ áp dụng công nghệ phù hợp. Đây là dịch vụ công nên sau khi Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành định mức đơn giá thì sẽ chọn được nhà đầu tư tốt nhất.

Liên quan chất thải y tế, Phó thủ tướng cho rằng có ba vấn đề cần lưu ý. Đó là quy chuẩn với các thiết bị liên quan lò đốt, các thiết bị xử lý theo hình thức không đốt để giải quyết ô nhiễm và các dịch bệnh. Theo ông, cần nghiên cứu quy trình sát với thực tế địa phương.

"Kiên quyết không xử lý rác thải y tế bằng phương pháp đốt, không khuyến khích cơ sở nhỏ xử lý tại chỗ mà chỉ xử lý sơ bộ virus, chất gây bệnh, sau đó chuyển đến cơ sở tập trung", Phó thủ tướng cho hay.

Không xuất khẩu đất hiếm thô

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% tổng sản lượng đất hiếm trên thế giới, gồm cả đất hiếm nặng và nhẹ. Thị trường đất hiếm tăng 4%/năm kể từ năm 2014.

Tuy nhiên ông Hà thấy rằng thị trường đất hiếm rất phức tạp, chủ yếu do các nước lớn điều hành, trong đó Trung Quốc nắm giữ trên 90%.

Để ổn định tình hình, Phó thủ tướng cho rằng cần điều tra toàn bộ trữ lượng, dựa vào thị trường để phục vụ theo cung cầu. "Cần tuyển chọn trên 99% và kiên quyết không xuất khẩu đất hiếm thô", Phó thủ tướng nói.



Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh:Giang Huy


Trước đó, trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) về khai thác đất hiếm, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản trữ lượng lớn, trong đó đất hiếm khoảng 20,7 triệu tấn.

"Thủ tướng giao cho chúng tôi đề án điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng đất hiếm", ông Khánh nói, cho biết Chính phủ chỉ đạo tính toán việc chế biến sâu đất hiếm để phục vụ công nghiệp chip, bán dẫn và nghiên cứu xuất khẩu; thu hút đầu tư, liên doanh, chuyển giao công nghệ này.

Các địa phương có tiềm năng đất hiếm gồm Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai phải tăng cường quản lý đất hiếm, tránh khai thác, buôn bán trái phép.

Tái sử dụng nước thải để bảo vệ môi trường

Trả lời đại biểu Tạ Minh Tâm (Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang) về trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về thoát nước, xử lý nước thải, tái sử dụng nước thải ở khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư nông thôn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết nước thải được khuyến khích tái sử dụng để đảm bảo tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

"Với nền kinh tế tuần hoàn, việc tái sử dụng nước thải cho mục đích phù hợp rất quan trọng. Hiện nay có nhiều tòa nhà thông minh, các khu công nghiệp đã có khả năng tái sử dụng lại các loại nước thải", ông Khánh nói.



Đại biểu Tạ Minh Tâm (Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang). Ảnh:Media Quốc hội


Chính phủ đã ban hành nghị định về tái sử dụng nước thải và trách nhiệm của các bộ ngành là hướng dẫn, tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ.

Bộ Tài nguyên Môi trường đã hướng dẫn UBND các tỉnh thành thu gom, xử lý nước thải, nhất là nguồn thải lớn và quan trắc tự động, xử lý nước thải. Bộ cũng ban hành thông tư quản lý chất lượng nguồn nước mặt sông hồ.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường hệ thống quan trắc, giám sát cơ sở dữ liệu và quản lý nguồn thải và xử lý nước thải", Bộ trưởng Khánh cho hay.

Trả lời câu hỏi của Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Tuyên Quang Nguyễn Việt Hà về phân cấp bảo vệ an ninh nguồn nước, Bộ trưởng Khánh cho biết Luật Tài nguyên nước đã giao cho các địa phương 28 quyền.

Đó là điều tra cơ bản, quyết định phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, lập và ban hành danh mục ao hồ không được san lấp, dòng chảy trên sông, suối nội tỉnh...



Đại biểu Nguyễn Việt Hà tại Quốc hội. Ảnh:Media Quốc hội


Bộ đã tham mưu Thủ tướng ban hành hai nghị định, ba thông tư về việc phân cấp, trong đó phân cấp triệt để cho địa phương về xử lý thủ tục hành chính. Địa phương đã cấp phép 94% dự án; Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ cấp phép 6%, chủ yếu là công trình chứa nước lớn, ảnh hưởng liên vùng, liên tỉnh, liên ngành. 100% công trình sẽ do địa phương xác nhận đăng ký.

"Việc phân cấp, phân quyền rất mạnh như vậy nhằm phối hợp đảm bảo an ninh nguồn nước. Sau khi phân cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra, giám sát hướng dẫn việc thực hiện luật", ông Khánh cho hay.

14h30, phiên phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh kết thúc. 58 đại biểu đăng ký nhưng chưa được chất vấn, sẽ gửi câu hỏi bằng văn bản đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết 49 đại biểu đã chất vấn và tranh luận. Phiên chất vấn "diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao sát với tình hình thực tiễn". "Bộ trưởng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời khá đầy đủ vấn đề còn bất cập và nêu ra giải pháp. Phó thủ tướng cũng lãnh đạo các bộ đã trả lời làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm", ông Mẫn đánh giá.



Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên chất vấn về lĩnh vực tài nguyên môi trường.Ảnh:Giang Huy


Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, việc khai thác, sử dụng tài nguyên đã được thực hiện hiệu quả, đảm bảo quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế xã hội. Chính sách pháp luật về an ninh nguồn nước được hoàn thiện để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Ngành khoáng sản, công nghiệp khai khoáng đã phát triển tích cực, tạo nhiều việc làm tăng nguồn thu cho ngân sách.

Tuy nhiên, ông Mẫn cho rằng tài nguyên biển chưa được khai thác hiệu quả, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản suy giảm. Ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước sinh hoạt gia tăng, chính sách pháp luật về khoáng sản chưa đầy đủ.

Ông đề nghị Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo bộ ngành liên quan bám sát mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Chính phủ, bộ ngành cần huy động nguồn lực để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế biển.

"Chính phủ cần đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước, ưu tiên các nguồn lực thực hiện dự án trọng điểm về ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán", Chủ tịch Quốc hội nói.

Phạm Dự - Gia Chính - Sơn Hà

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom