Page "Tony buổi sáng" lại lên bài xạo lồn lừa đảo và bị bóc phốt

NEC

Cu Mới mở mắt
Bài viết
174
Xu
5,072
TNBS LẠI VIẾT SAI SỰ THẬT!

Tối qua lúc sắp đi ngủ thì một người bạn là giáo viên ở miền Trung gửi cho tôi bài này và hỏi “Em xem có thật hay không?”. (Bài viết gốc của TNBS đã sủi như chưa hề tồn tại)

Mới nhìn tác giả bài viết tôi đã giật mình!

TNBS (còn viết là Tony Buổi sáng) chính là tác giả tôi đã ít nhất hai lần phê bình về chuyện viết sai sự thật một cách có chủ ý. Tất nhiên vì tác giả ẩn danh nên ở đây chỉ nói đến người là chủ thể viết ra bài viết nói trên và các bài viết khác mà không nhằm vào một cá nhân cụ thể nào mà có thể bạn đọc có thể biết hoặc nghĩ tới. Họ có thể là nhiều người hoặc một nhóm.

Thứ nhất là TNBS đã viết rằng ở nước Nhật có môn “Đức Dục” (Social Studies) dạy người ta tất tần tật mọi thứ về nhân cách, đạo đức khiến cho người Nhật tốt, có đạo đức, nước Nhật hùng mạnh. Sau đó anh/chị ta dẫn ra một loạt nội dung không hề có trong chương trình môn “Social Studies” ở Nhật. Thực chất ở Nhật có môn học Social Studies thường được dịch là môn Xã hội hoặc Nghiên cứu xã hội. Đây là môn học được đưa vào Nhật năm 1947 và tồn tại đến nay dù có thay đổi ít nhiều. Nó dạy cho học sinh về “kinh nghiệm xã hội” và “Đời sống xã hội” cùng các kĩ năng, phẩm chất cần có để trở thành Người công dân dân chủ (dựa trên ba trụ cột của Hiến Pháp). Giáo dục đạo đức ở Nhật là chủ đề nhạy cảm với cả nhà nước và người dân, đặc biệt là giới giáo dục. Vì vậy sau 1945, sau khi môn Tu thân bị đình chỉ vĩnh viễn, giáo dục đạo đức chính thức được khởi động như một môn học từ năm học 2017-2018 dưới cái tên “Đạo đức-Môn giáo khoa đặc biệt”. Tôi đã từng dịch toàn bộ chương trình phổ thông phần liên quan đến đạo đức cho một Viện nghiên cứu ở Việt Nam. Rất tiếc khi đó tôi không để ý đến điều khoản quy định tôi không được sử dụng, công bố bản dịch tiếng Việt nên giờ đây tôi không thể đưa lên để các bạn thấy TNBS đã bịa đặt như thế nào.

Thứ hai TNBS đã bịa ra một huyền thoại là “Hàn Quốc copy sách giáo khoa của Nhật nên Hàn Quốc trở nên hùng mạnh”. Cả TNBS và những người ủng hộ thông tin này đều không đưa ra bất cứ bằng chứng nào đáng tin. Trong khi đó, tôi đã rà soát rất nhiều tài liệu của Nhật và không tìm thấy một dấu vết nào. Theo logic thông thường, chỉ một ca sĩ Hàn mặc áo có cờ Nhật đã bị chỉ trích dữ dội thì khó lòng lấy đâu ra có nội các nào ở Hàn Quốc dám liều lĩnh làm việc ngớ ngẩn trên mà có muốn cũng không thể nào làm được. Đó là không tưởng. Trừ phi TNBS đã coi việc Hàn Quốc (khi đó là Triều Tiên) sử dụng SGK Nhật Bản trong thời bị Nhật biến làm thuộc địa. Nếu như vậy thì thật…khủng khiếp.

Trở lại bài viết dưới đây (tôi sẽ post bài đó trong phần comment). Chúng ta thấy TNBS đã xuyên tạc và bịa đặt ra nhiều sự thật về nước Nhật. Để khỏi mắt thời gian tôi liệt kê luôn.

  1. TNBS viết: “Ở Nhật có hai loại sách, một là sách dành cho giới tinh hoa và sách thị trường. Sách thị trường thì công ty tự phát hành thoải mái, còn sách dành cho tinh hoa thì thông qua hội đồng duyệt sách rất nghiêm ngặt. Các sách dành cho tinh hoa sẽ được đưa vào hệ thống thư viện các trường và đem ra thảo luận trong xã hội rộng rãi, trong học đường và lưu trữ cho thế hệ sau...Do vậy, công tác biên tập và kiểm duyệt sách dành cho giới tinh hoa rất kỹ. Không phải vì bất cứ cái kỵ huý nào, mà họ kiểm duyệt để kiên quyết không để lọt những tư tưởng nhỏ bé vào sách. Tuyệt đối không để loan tuyền tư tưởng an phận, ổn định, chắc ăn, nhàn hạ, hưởng thụ cá nhân,....cho dân chúng, cho xã hội, làm thụt lùi dân tộc.”
Bịa đặt!

Ở Nhật không có sự phân định rạch ròi hai loại sách trên. “Sách thị trường” là một khái niệm người Việt hay dùng “sách tinh hoa” cũng tương tự. Ở Nhật, nếu muốn phân loại sách theo đối tượng một cách tương đối theo đối tượng người ta phân chia làm “Senmonsho” (sách chuyên môn chủ yếu hướng đến giới làm chuyên môn) và “Ippansho” hay “Shihansho” (sách dành cho đại chúng hay người bình thường). Tuy nhiên cách phân định này là tương đối vì có nhiều sách dùng cho cả hai giới và nhiều cuốn rất khó phân định.

TNBS nói “Sách thị trường thì công ty tự phát hành thoải mái, còn sách dành cho tinh hoa thì thông qua hội đồng duyệt sách rất nghiêm ngặt” là dựa vào đâu khi ở Nhật xuất bản thuần túy là công việc của tư nhân dựa trên Hiến pháp và luật pháp. Viết như TNBS người ta dễ nghĩ rằng ở Nhật có một hội đồng duyệt sách “tinh hoa” quốc gia nào đó để duyệt bản thảo mới cho xuất bản.

Làm gì có!

Sách chuyên môn hay sách đại chúng là công việc của tác giả và NXB. Những sách có hàm lượng chuyên môn cao thì NXB sẽ có hội đồng biên tập của họ hoặc mời các nhà khoa học có uy tín thẩm định. Nó hoàn toàn là công việc của NXb không có cơ quan nào của quốc gia can thiệp hay làm thay. Xuất bản phẩm không cần xin phép và có giấy phép!

Và lưu ý điều này. Ở Nhật Bản từ sau 1949 hoàn toàn không có LUẬT XUẤT BẢN. Các hoạt động xuất bản bị điều chỉnh bởi các luật khác như Luật về sở hữu trí tuệ, Luật về văn hóa phẩm có hại cho thanh thiếu niên. Thời Minh Trị vốn có luật xuất bản, được sửa đổi dưới thời Showa nhưng sau đó đến 1949 bị đình chỉ.

“Do vậy, công tác biên tập và kiểm duyệt sách dành cho giới tinh hoa rất kỹ. Không phải vì bất cứ cái kỵ huý nào, mà họ kiểm duyệt để kiên quyết không để lọt những tư tưởng nhỏ bé vào sách. Tuyệt đối không để loan tuyền tư tưởng an phận, ổn định, chắc ăn, nhàn hạ, hưởng thụ cá nhân,....cho dân chúng, cho xã hội, làm thụt lùi dân tộc.”.

TNBS viết liều vì ở Nhật cả trong Hiến pháp 1946, các bộ luật và thực tế không có “Kiểm duyệt” như TNBS nghĩ và viết. Cho dù chính phủ Nhật Bản có tiến hành kiểm duyệt tinh vi đối với SGK (chế độ kiểm định SGK) nhưng về cơ bản ở Nhật ai cũng có thể viết sách, xuất bản sách nhất là sách cho người lớn. Tự xuất bản ở Nhật rất phát triển. Mọi đề tài, chủ đề nên sẽ không có chuyện “không để lọt những tư tưởng nhỏ bé vào sách”. Thế nào là “tư tưởng nhỏ bé?”, người xét duyệt lấy gì đảm bảo cái họ cho qua kiểm duyệt là “lớn lao”? Chỗ này TNBS đã viết tùy tiện và suy diễn không dựa trên thực tế của Nhật Bản.

2. TNBS viết “Trong nhóm sách tinh hoa này, sách ví dụ về nghệ thuật, thì phải là người có thành tựu, người phải có danh có phận, có giải thưởng quốc tế hoặc từng ở đỉnh cao về môn nghệ thuật đó viết. Sách về tôn giáo, thì phải là bậc cao sư trong tôn giáo đó mới có quyền ý kiến, chứ người tầm tầm hay còn nhỏ tuổi mà đem đi bàn luận chuyện đạo trời thì không chuẩn xác. Sách về kinh doanh kinh tế thì hoặc là do các giáo sư kinh tế viết sau vài chục năm nghiên cứu, hoặc do các chủ doanh nghiệp rất lớn, sau khi về hưu sẽ được yêu cầu viết lại 1 cuốn sách để cho đời sau, ví dụ ông chủ Honda hay Toyota....Còn người mà không có thành tựu gì về kinh tế mà viết về kinh tế, họ sẽ không duyệt vì tư tưởng đó rất sai, họ sai mới không có thành tựu, nếu loan truyền tư tưởng đó sẽ ảnh hưởng đến người khác, mang tội với thế hệ sau. Sách của những tác giả trẻ bàn về văn chương thơ phú thì OK, nhưng nói về hướng nghiệp khuyên răn, họ sẽ không cho xuất bản vì giới trẻ đang trong quá trình nhận thức chuyển đổi, nay nghĩ thế này mai thế khác, chưa đi nhiều, chưa va vấp nhiều, chưa làm gì lớn, việc khuyên người khác là rất nguy hiểm. Các diễn giả cứ "sinh đẻ sồn sồn" 1 năm ra mấy cuốn sẽ không được đưa vào nhóm sách tinh hoa vì bản thân diễn giả đó không có thành tựu gì lớn đủ để loan truyền tư tưởng đó. Diễn giả là người nói lại những tư tưởng lớn của những nhân vật vĩ đại ra dân chúng chứ không được phép nói tư tưởng cá nhân của mình, vì với họ, "cứ không có thành tựu lớn thì không được đem cái cá nhân ra nói, vì chẳng giúp ích gì cho người khác".

Đoạn này cũng viết lấy được và suy diễn tùy tiện!

Ở Nhật Bản ai cũng có quyền viết và thực tế là họ có thể viết bất cứ điều gì cho dù thân phận thế nào. Chuyện căn cứ vào thành tựu trước đó hay bằng cấp, thân phận để phân cấp viết gì như TNBS viết như trên là ngớ ngẩn.

Chắc TNBS không đọc được sách Nhật nên không biết có rất nhiều cuốn “tinh hoa” hay sách có ảnh hưởng lớn của Nhật là do các tác giả Nhật học rât thấp (tức là bỏ học sớm) hoặc không có danh phận (là người bình thường hoặc thậm chí từng là tội phạm hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội viết). Ví dụ như gần đây tác phẩm “Chuyến tàu khổ hành” được trao giải thưởng lớn là tác phẩm được viết ra của một người từng sống trong cuộc sống đầy sa đọa, thất bại và dung tục.

Có vô vàn ví dụ khác như vậy.

TNBS viết thật hài hước rằng “....Còn người mà không có thành tựu gì về kinh tế mà viết về kinh tế, họ sẽ không duyệt vì tư tưởng đó rất sai, họ sai mới không có thành tựu, nếu loan truyền tư tưởng đó sẽ ảnh hưởng đến người khác, mang tội với thế hệ sau”.

Đọc đến đây tôi phải dừng lại mỉm cười hồi lâu.

3. TNBS viết “Với họ, thi đấu bóng đá là mục tiêu vô địch, mục tiêu vào chơi World Cup với các cường quốc chứ không phải cọ xát với đấu trường quốc gia. Kinh tế, văn hoá, nghệ thuật,.....đều phải ở tầm thế giới. Với mỗi cá nhân, ai cũng phải có ước mơ làm lớn, chứ không có vẻ đẹp của người về nhì, cũng chẳng có vẻ đẹp nào của sự về chót. Nếu cổ vũ sự về nhì về chót, thì xã hội chẳng thể tiến bộ được. Doanh nghiệp một khi thành lập, thì phải vươn đến tầm toàn cầu, cổ phần hoá để IPO cho cả thế giới tham gia vào làm chứ không phải "chỉ kiếm đủ ăn, nhiêu đó được rồi". Học sinh thì gần như bắt buộc đọc sách về những nhân vật nổi tiếng thế giới để rút cái hay/dở của họ mà áp dụng vào bản thân, như Alexandre Đại Đế, Thành Cát Tư Hãn, Napoleon, Columbus, Pasteur, ....Ai chọn nghề nghiệp nào cũng phải có mục tiêu trở thành xuất sắc trong lĩnh vực đó để có thể "đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông". Trăm người đọc, 1 người làm theo được cũng là phúc lớn cho dân tộc rồi.”

Ở đây TNBS chủ yếu hô khẩu hiệu và viết lộn xộn. Không cần bình luận gì thêm.

Phản biện hay chỉ trích một người (hoặc một nhóm) có fanpage đến cả hơn triệu người theo dõi, có sách xuất bản bán hàng chục vạn bản là một điều dại dột vì người phản biện ở ngoài sáng.

Số lượng người theo dõi lớn nói lên rằng người viết có tài viết nhất định và rất giỏi trong các kĩ thuật dẫn dắt, đánh vào cảm xúc người đọc.

Là người viết, cũng là người đọc, tôi chỉ trích TNBS nhưng không kêu gọi đánh sập trang hay báo cáo phường hay cấm TNBS viết như nhiều người đã làm.

Tôi cũng tôn trọng quyền tự do đọc TNBS hay không của các bạn hoặc giá trị mà TNBS đã mang lại cho nhiều bạn.

Tuy nhiên, đối với tôi, việc cố ý bịa đặt ra các thông tin không có thực rồi trộn thật giả lẫn lộn để dẫn dắt người đọc là việc làm trái với đạo đức thông thường của người viết. Việc dựa trên các thông tin có thật, sau đó bình luận, đánh giá theo quan điểm, giá trị quan của bản thân người viết lại là chuyện khác. Nó ở một cấp độ khác của nghề viết.

Tôi mong các bạn nếu đã đọc TNBS thì nên đọc thêm các tác giả-dịch giả dưới đây để hiểu thêm về Nhật Bản và có thêm cảm hứng.

  1. Dịch giả Nguyễn Đỗ An Nhiên (người đã dịch rất nhiều tác phẩm Nhật ngữ sang tiếng Việt như : Ác ý, Những người Nhật vị tha, Một mùa thơ dại, Đời du nữ, Vương đạo-con đường thành công bằng sự tử tế…)
  2. TS. Nguyễn Lương Hải Khôi (người đã có tiểu luận bình về “Thoát Á luận” của Fukuzawa Yukichi, Vũ Dạ Đàm…)
  3. PGS. TS Phạm Thu Giang (người đang dạy ở đại học, đã dịch và viết rất nhiều về Nhật Bản. Các bạn có thể tìm đọc các tác phẩm chị dịch như “Phúc ông tự truyện”-tự truyện của Fukuzawa Yukichi, “Mạn đàm nhân sinh”-những lời cuối cùng của người sáng lập tập đoàn Panasonic, Lịch sử tôn giáo Nhật Bản…)
  4. TS Đào Thu Vân (người đã viết nhiều bài báo về lịch sử Nhật Bản, nghiên cứu về lịch sử VN và Nhật Bản cận-hiện đại)
  5. Thầy Nhật Chiêu (không rõ thầy dùng FB hay không)
  6. Chị Thu Hương (NCS) đang nghiên cứu về giáo dục đạo đức tại Nhật Bản.
  7. Anh Trịnh Tuấn người có tìm hiểu khá kĩ xuất bản ở Nhật và đọc báo cáo xuất bản của Nhật đều đặn.
Xin phép được tag các anh chị, thầy cô trên và một số anh chị em đã và đang học tập, sinh sống, nghiên cứu về Nhật Bản.

P.s. Ở Nhật sách được xuất bản từ thượng vàng tới hạ cám. Từ sách chỉ dám đọc một mình và chỉ được đọc một mình trong phòng ngủ tới sách chỉ dành cho một cộng đồng nhỏ. Ai cũng có thể in sách. Trong các trường đại học có vô số sinh viên tự xuất bản tác phẩm của mình đem bán cho bạn bè để hi vọng đổi đời, làm nên nghiệp lớn. Những sách "có hại cho thanh thiếu niên" (liên quan đến tính dục và bạo lực) sẽ bị kê vào danh sách theo luật và bị giám sát không gian bày bán, đối tượng bán, không được đưa vào thư viện trường học....

Nguồn: Quốc Vương
 
Bài viết bị phản đối
TẠI SAO HÀN QUỐC PHÁT TRIỂN RỰC RỠ
Nguồn:Tony Buổi sáng
Thập niên 60, Hàn Quốc là 1 trong những nước nghèo nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn Quốc quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích vì tính sĩ diện của người Hàn Quốc rất cao, lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa. Nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biến từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng [Emperor Meiji Period].
Ðể rút ngắn thời gian, chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người khác, để còn lo việc khác nữa. Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội.
Ðúng 20 năm, đến 1988, Hàn Quốc đăng cai Olympic Seoul, cả thế giới không ai tin vào mắt mình khi thấy kỳ tích bên bờ sông Hàn lại khủng khiếp như thế. Ô-tô, xe máy, dệt nhuộm, hoá chất, đóng tàu, điện tử, bánh kẹo...bên Nhật có cái gì thì bên này có cái đó, dù dân số chỉ bằng 1/3. Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Hàn Quốc đã nắm chặt tay với quyết tâm thoát nghèo như thế nào.
Trên Tivi chỉ có 2 chương trình là "dạy làm người" và "dạy làm ăn", từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng, đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, đến cách tạo dựng một nhà máy. Từ một dân tộc "xin việc", tức các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy tại Hàn Quốc và thuê lao động Hàn, Hàn Quốc bắt đầu khan hiếm lao động và trở thành dân tộc đi "cho việc", tức xây dựng các nhà máy ở nước ngoài và hàng triệu người Trung Quốc, Thái Lan, Philippines đứng xếp hàng xin các ông chủ Hàn Quốc cho họ việc làm. Hàn Quốc đã thành công trong việc tiếp nối Nhật Bản thành dân tộc đi cho việc người khác.
Năm 1988, pháo hoa thắp sáng 2 bờ sông Hàn, người Hàn Quốc ôm nhau và cười trong nước mắt, hơn 100 quốc gia giàu có nhất trên thế giới miễn visa cho họ, Hàn Quốc giờ đây đã bước chân vào nhóm 24 quốc gia thịnh vượng nhất loài người.
Nhưng thách thức mới lại xuất hiện, vì bây giờ không phải là Nhật Bản nữa, mà là Hồng Kông và Singapore, 2 cực hút nam châm của cả châu Á về tài chính, thương mại và giải trí. Phim Hồng Kông tràn ngập thị trường và không có đối thủ.
Người Hàn tuyển chọn ngay 2000 sinh viên ưu tú nhất, cử sang Holywood, điên cuồng học hành, từ đạo diễn, diễn viên, phục trang đạo cụ ...4 năm sau tốt nghiệp, năm 1992, những bộ phim Hàn Quốc đầu tiên ra đời như Cảm Xúc, Mối Tình Ðầu, Hoa Cúc..với một thế hệ diễn viên đẹp từng milimét và hợp nhãn người châu Á. Ngành làm phim phối hợp với ngành thời trang, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng, bắt đầu xâm nhập vào các thị trường. Ðại sứ quán Hàn Quốc tại các nước có nhiệm vụ dịch thuật ra tiếng địa phương và tặng không cho các đài truyền hình, tạo ra làn sóng Hanluy nổi tiếng.
Người Nhật điên cuồng, người Trung Quốc điên đảo, các nước Ðông Nam Á thì chỉ biết ụ pa ơi, ụ pa hỡi. Phim Hồng Kông bị đá văng ra khỏi thị trường cho thuê băng đĩa.
Năm 1988, ngoài 2000 người đi Holywood để xây dựng công nghiệp điện ảnh, ngần ấy người được cử đi Milan (Ý) và Paris để học về thời trang, mỹ phẩm. Các tập đoàn như xe Kia, Samsung, Hyundai còn thuê cả ê-kip thiết kế của các hãng xe Ðức như Mercedes, BMW làm việc cho họ, với tham vọng xuất khẩu xe sang Mỹ và châu Âu.
Muốn bán cho Tây âu thì bao bì nhãn mác phải có óc thẩm mỹ của Tây, chứ kiểu" tròn tròn xinh xinh" của dân châu Á, tụi Tây không thích, không bán được. Có những năm, những mẫu xe của Hyundai bán chạy nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu. Người Mỹ bắt đầu nhìn người Hàn với ánh mắt khác, ngưỡng mộ và ngạc nhiên, thích thú.
Ngoài ra, những sinh viên giỏi toán nhất được hướng theo ngành tài chính ở các đại học lớn ở Mỹ, với tham vọng Seoul thành một London, New York.
Các quỹ đầu tư ra đời, tự tìm kiếm các nhà máy mới khởi nghiệp be bé để rót tiền vào, tham gia vào quản trị. Không chỉ trích, chỉ góp sức góp trí để xây dựng. Một người Hàn giàu có là cả dân tộc Hàn giàu. Hệ thống bán lẻ Lotte phải có nghĩa vụ mang hàng hoá Hàn đi khắp nơi, ông lớn Samsung bắt đầu tuyển dụng những sinh viên giỏi nhất châu Á về cho học bổng thạc sĩ miễn phí với điều kiện tốt nghiệp xong phải mấy năm phục vụ cho họ. Họ gom trí tuệ của cả châu Á để chinh phục thị trường điện thoại thông minh (Smart phone) và máy tính bảng (tablet), cạnh tranh đối đầu với Apple, đối đầu với cả một tập thể trí tuệ thung lũng Silicon (bắc Cali), cứ như Airbus của châu Âu cạnh tranh với Boeing vậy.
Người Hàn Quốc, dù dân thường hay sếp lớn, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải là Made in Korea, dù lúc sản phẩm kém cỏi còn xấu xí và đầy lỗi của thập niên bảy mươi hay hiện đại tinh xảo như bây giờ. Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này?
Tony nhớ lần đi Hàn Quốc đầu tiên, mùa thu năm 2005, bà chị ở VN cẩn thận ghi tên mấy nhãn hiệu mỹ phẩm ưa thích của chị ấy cho mình mua giùm. Ở cửa hàng mỹ phẩm, cô bán hàng mặc bộ váy veston đen, chạy như bay lấy hết sản phẩm này đến sản phẩm khác cho Tony xem, đều là của Hàn Quốc cả. Do tiếng Anh không nói tốt nên cô cứ giải thích bằng tiếng Hàn đến lúc giọng khàn đặc. Ðến lúc Tony lấy tay chỉ hộp phấn Lancôme, thì cô thất vọng oà khóc. Cô khóc vì cô đã không thành công khi tình yêu nước của cô không thuyết phục được khách hàng. Tony nhìn cô ấy sững sờ, lẽ nào chỉ là 1 cô gái bán hàng bình thường mà có lòng yêu đất nước mãnh liệt thế sao? Tony thôi bèn mua mấy hộp mỹ phẩm của Hàn, dù chẳng biết có tốt không, vì kính phục quá. Lúc Tony bước ra khỏi cửa hàng, ngoái lại vẫn thấy cổ gập đầu cung kính.
Ngoài phố, gió bắt đầu lạnh, từng tốp học sinh chạy tập thể dục rầm rập trên vỉa hè, những chiếc áo khoác thêu cờ quốc gia ở sau lưng. Và Tony biết, sau lưng của mỗi công dân luôn là một Tổ quốc
 
Người Nhật học hành thế nào? – Tony Buổi Sáng
Gửi các bạn tham khảo nội dung môn Nghiên cứu xã hội (Social Studies tức Đức Dục) ở Nhật. Môn này quan trọng thứ 2 chỉ sau môn “Tiếng Nhật”, đứng trên mọi môn khác còn lại như toán lý hóa sinh kinh tế học….và có thời lượng dạy và học rất nhiều. Và học sinh phải ôn thi môn này để tốt nghiệp dù tiểu học, trung học hay đại học, thậm chí thi vô công sở làm, thi bằng lái xe, các trò chơi trên truyền hình…cũng liên quan đề tài này. Ngoài lý thuyết, học sinh phải có hành động cụ thể thì mới được điểm cao.


nguoi nhat hoc hanh nhu the nao

– Bạn đã bao giờ ăn cắp và nói dối? Bạn có thấy nhục nhã về hành vi này không? Hãy ví dụ về việc nói dối mà khiến bạn xấu hổ
– Nếu ra nước ngoài, bạn sẽ làm gì để người Nhật chúng ta được coi trọng?
– Lòng nhân ái nghĩa là gì? Vì sao phải giúp đỡ người già, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật? Vì sao phải hỗ trợ giúp đỡ các quốc gia nghèo hơn chúng ta?
– Trong sản xuất, nếu mình kỷ luật sẽ hạn chế thiệt hại cháy nổ do bất cẩn. Bạn hãy cho ý kiến.
– Vì sao phải xếp hàng và tuân theo trật tự của xã hội?
– Bạn nghĩ gì về việc chửi bới nhau? Có giải pháp nào thay thế việc chửi bới nhau hay không?
– Vì sao phải nói nhỏ nơi công cộng? Vì sao phải có óc quan sát để hòa mình vào đám đông?
– Vì sao chúng ta không nên ăn thịt thú nuôi? Và các động vật hoang dã ?Vì sao chỉ dùng các loại động vật được nuôi làm thực phẩm?
– Hiện nay tập quán ăn thịt chó mèo chim muông rắn rết của người Trung Quốc và các nước lân bang như Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản…cũng bị ảnh hưởng tập quán này. Bạn nghĩ gì về điều đó và bạn có sẵn sàng thoát ra khỏi văn hóa này?
– Bạn nghĩ gì về quan niệm của người Nhật trong việc cho rằng ăn thịt cá voi là bổ dưỡng? (họ lên án rất dữ việc này, vì có 1 lượng người già Nhật vẫn bảo lưu quan niệm ăn cá voi, mặc dù bị giới trẻ phê phán-TnBS).
– Vì sao chúng ta không nên nhận đưa hối lộ để được việc?
– Vì sao chúng ta phải tiết kiệm. Chỉ mua những gì cần thiết. Và ưu tiên hàng Nhật sản xuất?
– Vì sao chúng ta phải tập luyện thể dục thể thao và đọc sách? Thói quen đọc sách bất cứ lúc nào và nơi nào, bạn có không? Nếu không vì sao?
– Bạn sinh ra để làm gì? Bạn đóng góp được gì cho xã hội trong mấy chục năm bạn sống trên trái đất này?
– Tại sao bạn lành lặn chân tay và đầu óc mà không làm việc? Bạn có ăn ngày 3 bữa không? Nếu có, vì sao phải ăn mà không phải làm?
– Bạn có dám từ chối trước 1 đề nghị bạn cho là xấu? Bạn có thấy việc đi trễ giờ ảnh hưởng thế nào đến người khác.
– Bạn nghĩ gì về tính cao thượng của 1 con người? Một ví dụ của người xung quanh mà bạn cho là cao thượng
– Bạn đã có bao giờ tiểu nhân chưa? Làm sao để thoát ra tư tưởng tiểu nhân này?….


Hiện nay, rất nhiều trường học và công sở ở các nước Á Châu cũng mang các câu hỏi này cho học sinh và nhân viên của họ thảo luận, (đặc biệt là Hàn Quốc, Singapore, các lãnh thổ Đài Loan Hồng Công, Thái Lan, và gần đây là Ấn Độ, Srilanca, Indonesia…cũng áp dụng). Như anh bạn Tony làm nhân sự một công ty rất lớn nọ, sau khi đọc bài này, đã áp dụng để tuyển dụng. Sau khi qua hết các kỹ năng khác, ứng viên sẽ viết 1 bài cảm nghĩ khoảng 500-1000 chữ về 1 trong các chủ đề trên ( cho họ tự chọn, viết trong 2 tiếng), anh cho rằng dù vị trí kỹ sư hay nhân viên văn phòng gì đều phải diễn đạt cho được ý kiến của mình bằng văn viết. Họ chấm ý, không chấm sự bóng bẩy trong câu từ. Và một khi đã ngồi nghĩ ra cách trả lời các câu hỏi này, thảo luận các đề tài này, thì đạo đức của họ cũng thay đổi ít nhiều.

Tích tiểu thì thành đại. Các bạn giáo viên, giảng viên có thể lấy làm tài liệu sinh hoạt cho học trò của mình. Các bạn trẻ muốn tìm việc hoặc đổi việc thành công, nên nghiên cứu tự mình trả lời trước để không lạ lẫm khi phỏng vấn. Các bạn phòng hành chính nhân sự có thể áp dụng các câu hỏi trên để tuyển nhân viên tốt.

Ví dụ bạn có thể ra đề bài như sau “ Bạn có bao giờ nói dối? Nếu bạn từng nói dối, bạn sẽ thay đổi ra sao nếu chúng tôi nhận bạn? Nếu không, bạn nêu quan điểm về của mình về những người hay nói dối trong xã hội” Hoặc lúc phỏng vấn miệng, mình có thể hỏi “Bạn nghĩ gì về câu “Nói dối là hành vi của hạng người rẻ tiền và đáng bị khinh bỉ”?

Chúc các bạn nhận được cộng sự tốt để làm việc hiệu quả.
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom