Ở nhà ống, tôi đầu tư 10 triệu đồng mua 5 dụng cụ phòng chữa cháy

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Khi mua các dụng cụ, gia đình tôi tự tổ chức diễn tập mỗi năm từ một đến hai lần.


Thực sự rất đau lòng khi liên tiếp đọc tin mất mát về người khi hỏa hoạn. Bản thân tôi cũng ở nhà ống, theo kinh nghiệm cá nhân tôi xin chia sẻ một số việc phòng cháy chữa cháy (PCCC) nên làm theo thứ tự ưu tiên như sau:

1. Chuông báo cháy, lắp ở các vị trí nguy hiểm và mỗi phòng/tầng nên có một cái. Có nhiều chủng loại. Nhà tôi sử dụng loại có cả kết nối Internet nên dù không ở nhà nếu có cháy cũng biết. Loại này giá cũng chỉ khoảng 500 - 600 ngàn đồng.

Đây là thiết bị quan trọng nhất, vì khác biệt giữa sống và chết nhiều khi chỉ 1-2 phút kể từ thời điểm ngọn lửa bùng phát.

2. Bình cứu hỏa (nên chọn loại phù hợp với vật liệu cháy tùy vị trí) giá chỉ vài trăm ngàn. Bóng chữa cháy tự động ở các vị trí nguy hiểm giá cũng chỉ vài trăm ngàn. Vòi phun sprinkler (mấy chục ngàn một cái) chỉ cần lắp đường ống nước ở vị trí hợp lý. Cái này rất hữu ích khi đám cháy vẫn trong tầm kiểm soát, có nó sẽ cứu được cả người lẫn tài sản.

3. Lối thoát hiểm ngay từ lúc xây nhà cần thiết kế hợp lý. Nếu chưa đủ thì cần cải tạo để có lối thoát hiểm, càng nhiều càng tốt. Cửa thoát hiểm nếu khóa thì chìa khóa phải để ở nơi dễ lấy, dễ thấy, thậm chí nên có biển ghi chữ.

4. Thang dây thoát hiểm. Nên dùng loại chống cháy. Theo kinh nghiệm của tôi, thang trèo chỉ thích hợp cho thanh niên. Người già, trẻ nhỏ thì nên dùng bộ dây thoát hiểm tự động (quàng vào người và nhảy xuống, dây từ từ hạ độ cao). Loại này sơ tán rất nhanh, chắc chỉ 1-2 phút là cả gia đình sơ tán xong, cũng đỡ nguy hiểm hơn thang trèo. Tôi dùng loại giá vài triệu đồng tùy độ cao mong muốn. Nên có nhiều cái cho mỗi vị trí thoát hiểm trên cao.

5. Mặt nạ phòng độc (lưu ý nên có loại to không ôm sát dùng cho người đeo kính cận) để ở vị trí dễ lấy, dễ nhớ. Đèn khẩn cấp nên lắp ở cầu thang (một đến vài trăm ngàn), đường dẫn đến lối thoát hiểm. Khi cháy thường mất điện nên cần ánh sáng có sẵn để di chuyển, tiết kiệm được thời gian thoát hiểm.

6. Không kém phần quan trọng là diễn tập. Mỗi năm nên diễn tập một hai lần. Các thiết bị cần kiểm tra công năng (báo cháy, đèn khẩn cấp đều có nút kiểm thử, bình cứu hỏa có đồng hồ áp suất cần kiểm tra, dây điện nên dùng loại chịu đủ công suất, đấu nối chuyên nghiệp và kiểm tra thường xuyên).

Mặt nạ phòng độc, bóng chữa cháy tự động có hạn dùng phải thay thế khi hết hạn. Diễn tập một phần quan trọng là thang dây và bộ dây thoát hiểm tự động. Trông thì đơn giản nhưng nếu không tập trước đến lúc cháy bị hoảng loạn sẽ rất mất thời gian. Mà thời gian lúc đó là mạng sống.

Tổng chi phí tôi ước tính nếu trang bị đầy đủ cho một nhà ống thì tối đa cũng chỉ trên dưới 10 triệu đồng, có sẵn trên các sàn thương mại điện tử.

Nó là số tiền không lớn so với chi phí xây nhà nhưng rất cần thiết. Tôi hy vọng rằng tất cả mọi người chịu khó đầu tư và lắp đặt.

Mong rằng sẽ không còn những đau thương, mất mát xảy ra khi có hỏa hoạn. Cầu chúc cho mọi người bình an.

Tuấn Nguyễn

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom