Nữ đạo diễn tay ngang khởi nghiệp, luôn tự 'đâm đầu' vào thế khó, cái gì không ai thích làm thì mình làm

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Dòng sông kể chuyện mùa 2 - “Chuyến tàu huyền thoại” khai mạc Lễ hội sông nước TP. HCM lần 2 năm 2023 đã chính thức diễn ra vào tối ngày 31/5 tại Cảng Sài Gòn. Đây là vở đại nhạc kịch 'bom tấn' do Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cùng ê-kíp là những tên tuổi hàng đầu Việt Nam thực hiện. Mãn nhãn, choáng ngợp, xúc động, trào dâng niềm tự hào dân tộc - đó là xúc cảm mà vở nhạc kịch đã mang đến cho khán giả xem trực tiếp cũng như qua màn ảnh nhỏ.

Ngắm nhìn chị Hải Yến - Tổng đạo diễn và cũng là CEO của Newday Media, ít ai ngờ, người phụ nữ xinh đẹp, mảnh mai, tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ nhưng có thể sáng tạo nên một chương trình nghệ thuật đặc sắc, khiến không ít giọt lệ rơi xuống vì xúc động.

“Người kể chuyện bằng trái tim” - người ta gọi chị như vậy quả không ngoa khi chị đặt trọn cái tâm, cái tình vào vở đại nhạc kịch. Với chị, mỗi chương trình giống như bài toán khó cần dày công nghiên cứu, tìm tòi tư liệu để có lời giải. Và chị Yến không muốn kể một câu chuyện hời hợt, cẩu thả, thiếu góc nhìn, chắp vá trước sau. Trong câu chuyện lần này, chị chọn kể về Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại mà chị vô cùng ngưỡng mộ, về Bác Tôn với những câu chuyện đầy tự hào, cùng những con người từng một thời “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Tổng đạo diễn Lê Hải Yến để hiểu hơn về con đường gian nan khởi nghiệp cũng như những yếu tố tạo nên thành công của “Chuyến tàu huyền thoại” - tác phẩm nghệ thuật khẳng định tên tuổi của chị vừa qua.

01. Khi dân nghệ thuật ‘start-up’, đau đầu với muôn vàn bài toán về tài chính, vận hành, doanh thu…​


- Là dân nghệ thuật, vì sao chị quyết định khởi nghiệp lĩnh vực Truyền thông - Tổ chức sự kiện giữa thị trường có quá nhiều cạnh tranh?

Câu chuyện khởi nghiệp của tôi chắc cũng chẳng giống ai. Nó bắt đầu từ một biến cố và khủng hoảng trong cuộc đời, khi tôi mất đi người mình yêu thương nhất và có lẽ cũng là người yêu thương và ủng hộ tôi nhất trên thế gian. “Người ấy” chưa bao giờ từ chối tôi điều gì, hết mực ủng hộ tôi dù là sở thích hay đam mê và cả những ý tưởng điên rồ của tôi khi còn trẻ. Đó là cha tôi.

Tôi sống cùng cha và chị gái từ nhỏ do mẹ phải đi công tác xa. Ông thích văn nghệ nên khi thấy tôi thích và theo học nghệ thuật, ông đã ủng hộ. Vì trong gia đình có ông bà trẻ và cô chú đều là những nghệ sĩ gạo cội và thành danh nên ông cũng muốn con gái theo nghề. Lúc đó tôi theo học nhiều thứ, tôi luôn cảm thấy mình còn hổng kiến thức.

Nhưng “một cánh én chẳng làm nên mùa xuân”, tôi luôn nghĩ đến việc có một chương trình hay, xuất sắc hơn là chỉ có một tiết mục hay. Lúc đó chưa định hình cụ thể là mình sẽ làm gì, mà nghĩ đơn thuần mình sẽ trở thành nhà quản lý, nhà tổ chức như chuyên ngành Quản lý văn hóa mà sau đó tôi theo học.

Nữ đạo diễn tay ngang khởi nghiệp, luôn tự 'đâm đầu' vào thế khó, cái gì không ai thích làm thì mình làm- Ảnh 1.


Cơ duyên khi ra trường, tôi được mời làm việc tại một tập đoàn có tiếng. Công việc không quá vất vả, tôi có nhiều điều kiện, cơ hội phát triển. Trong công việc, tôi cũng đạt được một số thành tựu. Nhưng tôi vẫn cảm giác mình giống con cá đang bơi trong chiếc bể kính, và cứ bơi vòng quanh thì không biết bao giờ mới vươn ra đại dương.

Và cuối cùng, sau biến cố người cha thân yêu mất đi tôi rơi vào trạng thái vô định, không còn chỗ dựa. Tôi ngụp lặn trong mớ cảm xúc bế tắc, luôn tự đặt câu hỏi: “Giờ mình phấn đấu, thi giải nọ giải kia để làm gì nữa”.

Từ một cô gái nhí nhảnh, vui vẻ, hay pha trò, tôi trở thành người trầm tính, dễ cáu gắt. Mất rất nhiều thời gian tôi mới bình tĩnh. Sau sang chấn tâm lý đó, tôi quyết định sẽ không đi xây giấc mơ của người khác mà tự xây dựng giấc mơ của chính mình, mặc dù lúc đó trong tay tôi chưa hề có gì, từ tài chính đến kinh nghiệm,… Tất cả những gì tôi có là sự đam mê, quyết tâm và tâm huyết đến…. lì lợm của chính tôi, khiến cho chị gái tôi thực sự lo lắng và e ngại.

Nữ đạo diễn tay ngang khởi nghiệp, luôn tự 'đâm đầu' vào thế khó, cái gì không ai thích làm thì mình làm- Ảnh 2.


- Khởi nghiệp ở con số 0 - không vốn, không kinh nghiệm, không được ủng hộ, vậy chị đã đối mặt với những thách thức gì?

Những khó khăn mà chị gái lường trước và cảnh báo tôi đều đúng, bởi khi bắt tay làm, mọi thứ tôi đều vấp, đặc biệt là trong những năm đầu. Loay hoay định vị mình là ai, mình giỏi điều gì khiến tôi “stress”. Trước đây, tôi làm việc trong tập đoàn lớn, mọi thứ đều chuyên nghiệp, đã có hệ thống, còn bây giờ tôi phải tự tay làm tất cả mọi thứ.

Trong cái rủi có cái may, từng trải qua 4 vị trí hành chính nên khi khởi nghiệp, tôi cũng hướng đến mô hình đào tạo nhân sự chuyên nghiệp, nhân viên được đào tạo bài bản ngay từ đầu. Tôi mày mò tự tìm con đường với mong muốn tạo nên sự khác biệt cho doanh nghiệp. Tôi luôn làm đến cùng, không bỏ cuộc, giống như người nghệ sĩ lên sân khấu biểu diễn phải đóng trọn vai, diễn viên múa không thể thực hiện động tác hời hợt, ca sĩ không thể hát thiếu nội lực.

Tôi vẫn nhớ như in quãng thời gian đầu với bao thách thức: Không có tiền, không có doanh số, nhiều khi tôi phải đi vay tiền bạn để trả lương nhân viên. Khi đó tôi xấu hổ vô cùng, chỉ ngại ai thắc mắc: “Kinh doanh kiểu gì còn không có tiền trả lương?”. Nhưng càng khó khăn, tôi càng khát khao chinh phục, khao khát chiến thắng.

Giai đoạn “start-up” 2009 - 2010 cũng là thời điểm khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Tôi thấy những khó khăn đó theo chu kỳ, như ngọn lửa thử sự kiên trì của con người. Tôi cũng nghĩ có lẽ ông trời muốn cho tôi có nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm hơn nên để tôi có thời gian rèn luyện lâu hơn, thành công chậm hơn và những bước tiến chắc chắn hơn.

Nữ đạo diễn tay ngang khởi nghiệp, luôn tự 'đâm đầu' vào thế khó, cái gì không ai thích làm thì mình làm- Ảnh 3.


- Vậy đâu là cách để chị vượt lên chính mình?

Sếp cũ của tôi từng kể một câu chuyện truyền cảm hứng về con lừa và cái giếng. Người ta ghét con lừa, liền đẩy nó xuống giếng, và lấy đá bịt lỗ giếng để con lừa không lên được. Nhưng sau đó, con lừa dùng chính những hòn đá để làm cái bậc và bước lên khỏi giếng, thoát chết một cách kỳ diệu. Nếu con lừa chấp nhận bị những hòn đá chèn lên, nó sẽ phải chết trong sự giễu nhại, mỉa mai.

Tôi nghĩ về câu chuyện đó để tự nhắc nhở bản thân cố gắng. Vượt qua 2 năm đầu là 2 năm chếnh choáng, chưa có chiến lược, định hướng cụ thể, làm với ước mơ kỳ vọng và sự ảo tượng, cuối cùng tôi nhận ra: Khởi nghiệp không đơn thuần là chỉ làm những điều mình thích mà cần làm những điều mình giỏi nhất, những điều mang lại giá trị cho khách hàng.

- Ngay từ đầu, định hình về sự khác biệt của Newday so với các đơn vị cùng ngành trên thị trường là gì, thưa chị?

Điều tiên quyết khiến người ta biết đến và lựa chọn chính là tính sáng tạo và sự tâm huyết cho từng sản phẩm. Sáng tạo ở đây có nhiều cấp độ, đầu tiên là chấp nhận, có nhu cầu về sự sáng tạo. Cấp độ 2 là thay đổi những thứ đã có. Cấp độ 3 là tạo mới cái đã có, và cấp độ cao hơn nữa là tạo ra một khái niệm mới. Nghĩa là chúng ta không chỉ làm mới thứ mình đang làm mà tạo ra hẳn định nghĩa mới, khái niệm mới. Ở Newday, mọi người đang tập trung cho cấp độ 4, 5.

Nếu những năm trước, tôi làm mới những sản phẩm thì bây giờ, tôi đi thay đổi định nghĩa đó. Trước đây khách hàng chỉ cần những format bình thường, lấy ví dụ về một lễ khởi công - mấy ai làm sáng tạo? Thậm chí khách hàng từng chia sẻ, chủ đề này có sẵn “format”, cứ theo lối cũ là ổn.

Thực ra, tất cả các quy chuẩn đều do con người định nghĩa nên việc lựa chọn hay hay dở là ở mình. Tôi thấy chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt, phá bỏ những rào cản trong đầu. Tôi luôn dẫn lời của Picasso khi chia sẻ về sự sáng tạo: “Tôi đã mất 4 năm học vẽ như Raphael nhưng mất cả đời để vẽ như một đứa trẻ”. Chúng ta có khả năng đào sâu khai thác, định nghĩa lại cuộc chơi chứ không phải là người đi theo bởi đó là mức độ rất thấp của sáng tạo.

Cuộc đời còn bao nhiêu năm nữa để sáng tạo, và tôi không biết đâu là lần cuối cùng để được sáng tạo. Vì thế, tôi cố gắng tạo nên sự đặc biệt, thay đổi định nghĩa của mọi người. Khách hàng nói với tôi cần thế này, ngân sách chỉ thế này, nhưng tôi vẫn làm cho họ trong ngân sách đó mà đặc biệt hơn. Bởi tôi biết, điều họ cần sau mỗi sự kiện không đơn thuần là những bức ảnh mà còn là cảm xúc đong lại, ký ức nhớ mãi.

02. Chuyện về những chuyến tàu huyền thoại…​


- Tiếp nối chương trình “Dòng sông kể chuyện” mùa 2, vì sao lần này chị lựa chọn hình ảnh về những chuyến tàu đưa vào kịch bản?

Khi xây dựng kịch bản, đối tượng đầu tiên tôi tham khảo ý kiến là các bạn gen Y, gen Z. Nếu như năm ngoái, trong chương trình “Dòng sông kể chuyện” mùa đầu, tôi đã vẽ nên bức tranh văn hoá toàn cảnh về vùng đất Gia Định, Sài Gòn, về thiên nhiên, con người,... để công chúng dễ xem, dễ cảm nhận thì năm nay, tôi muốn đi vào một đề tài khó hơn giống như thử thách chính mình. Và đây cũng là phép thử lớn với công chúng, để xem liệu những đề tài về lịch sử với những hình thức không quen thuộc có dễ dàng tiếp cận?

Tôi lựa chọn chất liệu nhạc kịch xen lẫn với điện ảnh để tái hiện chủ đề về lịch sử, tôn vinh những lãnh tụ, những vị anh hùng dân tộc, cả những người có tên và những người không tên. Tất cả được gắn với câu chuyện của những chuyến tàu. Và “Chuyến tàu huyền thoại” được ra đời như thế.

Nữ đạo diễn tay ngang khởi nghiệp, luôn tự 'đâm đầu' vào thế khó, cái gì không ai thích làm thì mình làm- Ảnh 4.


Thế hệ tôi còn được nghe ông bà, cha mẹ kể chuyện ngày xưa, chuyện chống giặc, thời gian khổ, được truyền bao cảm hứng từ những câu chuyện, những thước phim lịch sử đen trắng. Nhưng thử hỏi liệu các bạn trẻ sau 5 - 10 năm nữa nếu không được nghe ai kể, ai truyền cảm hứng, liệu các bạn còn nhớ, và còn yêu, còn tình cảm với bộ môn Lịch sử của Việt Nam?

Tôi nhận thấy phương thức môn Lịch sử ở nước ta còn nhiều hạn chế, chỉ đơn thuần cung cấp những dữ liệu và những con số, chưa đưa nhiều câu chuyện hay cùng những nhân vật cảm xúc vào. Lịch sử nếu học theo kiểu khoa giáo sẽ dễ khiến trẻ em cảm thấy chán, không còn thích thú, hào hứng. Và những bạn trẻ nếu không tường tận lịch sử đất nước, không có tình yêu tổ quốc, niềm tự hào dân tộc, khi ra nước ngoài tu nghiệp và học tập có thể không còn muốn trở về quê hương để cống hiến, xây dựng.

Chính vì vậy, tôi viết "Chuyến tàu huyền thoại" kể lại những chuyến tàu đã đi vào lịch sử dân tộc qua 5 chương: Hạ thuỷ - Cập bến - Ra khơi - Dậy sóng - Vươn xa. Đó là những chiếc ghe thuyền do người Việt đóng từ triều Nguyễn với hải trình khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc. Đó là một chiến hạm thời Pháp đã gây nên cuộc bãi công của công nhân xưởng Ba Son năm 1925, do nhà cách mạng Tôn Đức Thắng lãnh đạo. Đó là chuyến tàu gắn với vận mệnh của cả dân tộc Việt Nam và hành trình ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Đó là trận đánh tàu làm dậy sóng cả dòng sông của những chiến sĩ đặc công rừng Sác. Và ngày hôm nay, đó là những chiếc tàu vận tải biển đưa hàng hóa và trí tuệ của Việt Nam ra với thế giới, hay những du thuyền đón du khách quốc tế đến với Việt Nam.

- Phân đoạn Bác lên tàu ra đi tìm đường cứu nước có lẽ là chi tiết xúc động nhất vở đại nhạc kịch?

Khi thực hiện ý tưởng này, tôi cùng ekip phải làm những điều “điên rồ” và “không tưởng”. Từ việc thuê một con tàu thật, thương lượng với chủ tàu cho sơn sửa lại để giống con tàu năm xưa. Hay việc tạo ra một vụ…. nổ tàu và chìm tàu trên sông – điều mà ai nghe cũng thấy sợ hãi. Tôi muốn khán giả có được cảm xúc chân thật nhất như xem một bộ phim lịch sử sống động theo phong cách điện ảnh hóa chứ không phải sân khấu hóa mọi câu chuyện.

Tôi ao ước được kể lại, được dựng lại câu chuyện về chuyến tàu năm xưa của Bac, về hành trình ra đi khi người chỉ mới 21 tuổi. Chúng ta nghe rất nhiều câu chuyện này, ai cũng biết nhưng chưa ai được xem, được nhìn thấy, được hình dung cảm xúc lúc ấy của Người như thế nào, Người đã phải làm những gì, cực khổ ra sao,…

Nhà thơ Tố Hữu từng có đôi câu thơ thể hiện tình cảm nhớ thương Bác của người dân miền Nam: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”. Người chắc phải còn day dứt và nhớ thương rất nhiều với những người thân, người bạn ở Sài Gòn năm xưa mà Người từng hẹn một ngày gặp lại. Đó là nỗi day dứt của Bác khi đất nước chưa thống nhất, Bác chưa có cơ hội quay trở về thăm lại miền Nam. Vì thế, tôi mong tái hiện lại được cảnh người dân miền Nam đại diện cho hàng triệu con người Việt Nam được tiễn Bác ở bến cảng năm xưa, hình ảnh mà chúng ta mong ước được một lần nhìn thấy.

Nữ đạo diễn tay ngang khởi nghiệp, luôn tự 'đâm đầu' vào thế khó, cái gì không ai thích làm thì mình làm- Ảnh 5.


- Chia kịch bản thành 5 phần, chị có lo sợ tính logic trong vở đại nhạc kịch sẽ mất đi nếu không xử lý khéo léo, tinh tế?

Ngay từ khi đặt tên chương, tôi đã muốn khơi gợi sự tò mò của người xem, phải có những yếu tố bất ngờ để câu chuyện thêm thu hút. Vì vậy, tôi dùng nhân vật kể chuyện là 2 ông cháu để đi xuyên qua lịch sử. Người ông đại diện cho thế hệ cha ông, quá khứ. Người cháu đại diện cho thế hệ trẻ tương lai. Họ kết nối với nhau bằng tình yêu thương, và bằng những câu chuyện lịch sử mà người ông từng được biết, được đọc, được nghe và được sống trong đó. Bởi bản thân ông cũng chính là một cựu đặc công trong câu chuyện.

Sau khi đi gặp các nhân chứng lịch sử, tôi có nhiều đêm vật vã tự đấu tranh: Đi theo hướng tả thực hay ước lệ? Chân thực tự nhiên hay nghệ thuật hóa, điện ảnh hóa. Cuối cùng, tôi quyết định chắt lọc và thay đổi một số chi tiết cho phù hợp, vẫn đảm bảo tính chân thực nhưng sẽ nghệ thuật hơn và cảm xúc hơn. Vì vậy, kịch bản của tôi cứ thế được gọt dũa, hoàn thiện hơn đến trước khi lên sóng.

- Chị đã chọn lựa diễn viên dựa theo tiêu chí gì để phù hợp với những nhân vật lịch sử huyền thoại?

Có 3 nhân vật khó lựa chọn được diễn viên phù hợp là Bác Hồ, bác Tôn và người ông. Về nhân vật Bác Hồ là vai diễn khó nhất. Trước kia tôi từng cộng tác với cố NSƯT Tiến Hợi, nhưng rất tiếc là anh đã không còn. Tôi đã trăn trở không biết nên tìm ai phù hợp để giao vai, may mắn cuối cùng cũng tìm được diễn viên phù hợp – NSUT Tuấn Lin. Anh đã có nhiều năm kinh nghiệm hóa thân vào vai diễn Nguyễn Tất Thành, có giọng nói giống và ngoại hình khá phù hợp. Anh cũng rất thích và tâm huyết với vai diễn và kịch bản. Anh còn cùng tôi bàn luận và phân tích về lời thoại và tâm lý của nhân vật.

Hay nhân vật bác Tôn, tôi đã chọn được diễn viên sau 20 - 30 người casting. Người được ngoại hình thì không được giọng, người được giọng nói thì ngoại hình không phù hợp… Rất khó để chọn nhân vật thật ưng, cho đến khi tôi gặp bạn nam có vầng trán cao, đôi mắt, khuôn mặt phúc hậu, giọng nói hào sảng, đanh thép giống khẩu khí – diễn viên Hồ Giang Bảo Sơn. Còn về nhân vật người ông, tôi tìm được diễn viên vượt kỳ vọng, đó là nhà giáo ưu tú – nghệ sỹ Mạnh Dung. Sau khi nhận kịch bản, ông đã thức đọc đến 3 giờ sáng và dành cho tôi những lời khuyên hữu ích từ chính kinh nghiệm diễn xuất của ông.

- Thủ pháp sân khấu được áp dụng trong “Dòng sông kể chuyện” mùa 2 - “Chuyến tàu huyền thoại” gồm những gì? Yếu tố công nghệ góp nên sự thành công như thế nào, thưa chị?

Trong các show diễn ở Việt Nam, mọi người thường hay khoe về công nghệ. Nhưng tôi cho rằng, công nghệ chỉ là yếu tố bổ trợ để tăng sức hấp dẫn cho kịch bản chứ không phải là “key” chính. Cái hay nhất, tạo nên thành công cho sản phẩm vẫn là ý tưởng nội dung câu chuyện. Đạo diễn cần có sự nghiên cứu sâu, tìm hiểu kỹ hơn, dành thời gian nhiều cho tác phẩm để khán giả được thưởng thức những màn trình diễn ấn tượng, đã mắt, chạm đến sâu thẳm trái tim.

Còn nói về công nghệ, vở đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” gần như có đủ những công nghệ hiện đại nhất hiện nay: một không gian 3D mapping lớn gần bằng sân vận động, những đạo cụ và bối cảnh khổng lồ, màn hình nước, laser mapping, 1000 Drone, flyboard, khói lửa,… nhưng bạn sẽ tất cả các yếu tố đó chỉ để tôn lên câu chuyện đậm chất lịch sử của chương trình.

Có lẽ chưa có sân khấu nào chuyển động nhiều như “Chuyến tàu huyền thoại”. Đặc biệt, vở nhạc kịch có 3 “set” diễn di động gồm: Tàu của Bác đi trên bến cảng Nhà Rồng, Con tàu cháy trên sông và tàu container vận tải ở chương 5. Đó là bài toán vô cùng khó, khó từ lúc lên kịch bản đến khi thực hiện. Tôi đã mời chuyên gia đạo cụ giỏi nhất ở TP. HCM tới để cùng nghiên cứu. Chúng tôi phải họp bàn đến 3 tháng mới ra được =giải pháp khả thi.

- Nhìn lại chương trình, sau khi vở đại nhạc kịch được đánh giá thành công, có điều gì khiến chị cảm thấy chưa hài lòng hay còn trăn trở?

Trong kịch bản, khi các em nhỏ hát bài “Vươn cao Việt Nam” có cầm chiếc đèn bước ra, thực hiện động tác thủ ngữ. Camera chưa bắt được hết chi tiết này, điều này quả thật hơi phí. Ngôn ngữ thủ ngữ rất ý nghĩa, rất cảm xúc ở cuối chương trình thể hiện sự bình đẳng trong xã hội. Khâu luyện tập của các con rất vất vả, nhọc nhằn.

Lúc tập luyện, cả ekip chúng tôi đều cảm xúc với màn này nhưng lên truyền hình khán giả cũng chưa thấy hết được. Và rồi sau đêm diễn cả ekip đạo diễn lẫn diễn viên và khán giả đều nuối tiếc vì còn quá nhiều người muốn xem mà không được xem vì không có vé hoặc chưa biết show diễn. Chúng tôi cũng tự nhủ, nếu mà diễn được 2 đêm thì tốt biết bao, để phục vụ được nhiều khán giả hơn. Tôi đang suy nghĩ điều đó cho những năm kế tiếp.

03. Chúng ta có nhiều nhân tài đang ẩn dật ở trong nhà, góc bếp…​


- Xinh đẹp và thành công, có khi nào chị tự mãn trước những thành tựu của bản thân?

10 năm trước, có lần tôi đi xem tướng số, than vãn với thầy rằng, vì sao cuộc đời tôi vất vả, nhiều người làm kinh doanh giàu có, nhàn nhã chứ không khổ cực như tôi. Tôi nghĩ bản thân có năng lực và mình biết mình còn có thể làm được nhiều hơn thế nhưng sao con đường đi lắm gập ghềnh, gian truân.

Thầy tướng số mới trả lời rằng, do ông trời muốn thử thách tôi. Nếu con đường đi thuận lợi từ đầu, với tính cách của tôi sẽ rất dễ sinh ra tự kiêu, tự mãn. Vì thế, tôi phải chịu thử thách để trân trọng những gì mình có. Từ đó về sau, tôi càng nhắc nhở bản thân phải khiêm tốn, càng khiêm tốn sẽ càng được nhiều.

Ông trời giao cho ai sứ mệnh nào đó thì sẽ trao cho họ năng lượng để hoàn thành. Nhiều bạn hỏi: Tại sao làm sự kiện nào cũng như sự kiện cuối cùng, phăng phăng chiến đấu hết mình, năng lượng từ đâu ra. Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ là ông trời trao trao sứ mệnh đó nên cho tôi có được năng lượng đó.

- Nhiều người cho rằng, Truyền thông - tổ chức sự kiện là nghề áp lực, di chuyển nhiều, chỉ dành cho nam giới. Chị nghĩ sao về ý kiến này, nữ giới sẽ gặp những thách thức gì, thưa chị?

Trong quá trình làm việc, tôi tham gia một số sự kiện về bình đẳng giới thì thấy có rất nhiều vấn đề tồn tại xung quanh người phụ nữ. Thời đại ngày nay, xã hội khá cởi mở, có cái nhìn dễ chịu, cân bằng hơn, nhưng bản thân chúng ta vẫn có những định kiến như: Nghề này của nam, nghề này của nữ. Chúng ta vẫn có những khái niệm bất thành văn. Nhưng theo tôi, đâu phải nghề nào định hình cho nữ hay nam, tất cả do chúng ta đặt ra, đâu có quy định. Vì thế, tôi không tự hào việc mình là phụ nữ làm nghề mà mọi người nghĩ là dành cho đàn ông, mà tôi nghĩ: Ai giỏi việc gì thì làm việc đấy.

Nhiều bạn nữ nghĩ, nếu lập gia đình thì sự nghiệp bị ảnh hưởng, còn nếu hết lòng vì công việc sẽ ảnh hưởng đến gia đình. Hay họ cho rằng gia đình phải là số 1, phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng. Tự phụ nữ cũng đang đặt ra những giới hạn cho chính mình.

Nữ đạo diễn tay ngang khởi nghiệp, luôn tự 'đâm đầu' vào thế khó, cái gì không ai thích làm thì mình làm- Ảnh 6.


Với sự phát triển của xã hội hiện nay, tôi nghĩ , phụ nữ có quyền làm những gì mình thích, có quyền lựa chọn trong công việc gia đình, lấy chồng sinh con cái. Phụ nữ phải độc lập trong tất cả các quyết định của cuộc đời và có trách nhiệm trước những lựa chọn. Nếu không, phụ nữ sẽ luôn bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài. Có những người phụ nữ cả đời không biết thế nào là đỉnh cao của hạnh phúc, của sự sung sướng, hoặc cứ phải hy sinh vì cái nọ cái kia. Phụ nữ phải yêu thương bản thân thì mới có trách nhiệm trong việc quyết định cuộc đời mình.

Cá nhân tôi là ví dụ điển hình, hội tụ đủ 3 yếu tố: độ tuổi, giới tính, vùng miền khiến nhiều người không khỏi lo lắng, hoài nghi khi giao cho tôi nhiệm vụ Tổng đạo diễn của chương trình nghệ thuật đồ sộ. Và chính điều đó càng khiến cho tôi muốn chứng minh, đôi khi rào cản lại là động lực để tôi nỗ lực.

Thậm chí, không đợi các lãnh đạo ra những đề bài hay yêu cầu, tự tôi luôn tạo ra đề bài mới cho chính mình, những thứ gì khó hơn, nặng hơn, những gì mọi người ngại làm. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Phụ nữ chúng tôi có bề ngoài mềm yếu nhưng sức chịu đựng và bền bỉ thì những người đàn ông được coi là phái mạnh có thể chưa bằng.

Bố tôi khi xưa có cách dạy con rất hay, bố luôn ủng hộ và động viên con dám thử, dám dấn thân. Vì thế tôi sẽ dạy con theo cách của bố, là luôn ủng hộ những việc con làm. Có thể việc làm đó chưa tốt, nhiều chông gai nhưng chỉ cần con thích, con hãy cứ trải nghiệm, tự vấp ngã rồi đứng lên.

Tôi nghĩ với người phụ nữ cũng như vậy, họ cần sự động viên và cơ hội để phát huy hết khả năng của mình. Có thể hiện tại chúng ta đang có rất nhiều nhân tài, nhưng những nhân tài đó vẫn đang phải ẩn dật ở trong nhà, quanh bếp, lo cho gia đình. Và họ nghĩ nếu họ phấn đấu cho sự nghiệp, họ sẽ không toàn vẹn về gia đình. Và vì thế chúng ta mất đi bao nguồn lực tinh hoa. Thực tế, phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay rất tài giỏi, gan dạ, phi thường, lịch sử đã chứng minh điều đó.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!

Ảnh: NVCC


Ứng Hà Chi

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom