Những nhà giáo lan tỏa hành động hiến máu cứu người

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Lần đầu tiên hiến máu của thầy giáo Lê Minh Phương (Trường Tiểu học Tân Thạch A, Châu Thành, Bến Tre) là kỷ niệm đáng nhớ. Vốn rất sợ kim tiêm, khi đến điểm hiến máu thấy cây kim rất to, anh định ra về nhưng lúc đó, anh thấy một bạn nữ đã hiến xong và rất hồ hởi, tươi cười.

Cười thì vì nỗi sợ của mình, anh bảo, mình là đàn ông khỏe mạnh, chẳng lẽ không thể làm được những điều ý nghĩa như những người khác. Lần đó, anh đã hiến máu thành công. Và đó cũng chính là lần đầu tiên giúp cho anh vượt qua cảm giác sợ hãi với kim tiêm. “Mình còn sức khỏe thì vẫn tiếp tục hiến đến khi nào các trung tâm huyết học không nhận máu của mình nữa thì thôi”, anh Phương cho biết.


Từng hiến máu “trộm” vì sợ bố mẹ biết sẽ lo lắng, nhưng từ năm 2015, khi tham gia công tác Đoàn Thanh niên của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, chị Nguyễn Thị Hòa hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của máu đối với người bệnh, từ đó thuyết phục được người thân trong gia đình tham gia hiến máu.


Trong công việc, chị Nguyễn Thị Hòa trực tiếp chỉ đạo tổ chức các hoạt động hiến máu, quản lý và hoạt động cùng CLB Thanh niên vận động hiến máu tình nguyện của trường. Phó bí thư Đoàn trường có quan điểm rất rõ ràng: Cán bộ phải nêu gương, bản thân tuyên truyền vận động sinh viên hiến máu thì bản thân phải hành động tiên phong, làm tấm gương để lan tỏa, tạo động lực cho mọi người. Bởi vậy, chị Hòa đã hiến máu đều đặn 4 lần mỗi năm.


Trở thành một trong 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc, chị Nguyễn Thị Hòa cảm thấy vinh dự nhưng cũng ý thức được trách nhiệm của mình càng thêm lớn trong việc lan tỏa hoạt động hiến máu tình nguyện tới cộng đồng.


 
Chị Nguyễn Thị Miền (giáo viên Trường TH-THCS Hữu Sản, Bắc Quang, Hà Giang) đã bén duyên với hiến máu từ năm 2008.


Kỷ niệm đặc biệt trong suốt 16 năm tham gia hiến máu của chị Miền là năm 2023, bệnh viện huyện Bắc Quang có nữ bệnh nhân bị xuất huyết và rất cần máu nhóm B để truyền. Sau khi nghe thông báo từ Hội đồng đội huyện Bắc Quang, chị Miền đã đi một mình bằng xe máy quãng đường gần 40km để hiến máu ngay trong đêm. Lúc xong xuôi trở về nhà cũng là gần 12 giờ đêm, hai con nhỏ của chị Miền đã ngủ say. Dù có đôi chút vất vả nhưng chị đã không nề hà, bởi chị biết rằng có một người sẽ được cứu sống và cũng sớm trở về nhà bên người thân giống như chị.


Năm 2009 khi còn là sinh viên, anh Trần Duy Phương (hiện là kế toán Trường Tiểu học Phong Phú A, Trà Vinh) từng hiến máu tình nguyện. Sau này, khi đi chăm sóc cha nằm viện và cần truyền máu, anh lại càng thấm thía ý nghĩa của việc hiến máu nên tham gia thường xuyên hơn.


 
Hai vợ chồng anh Phương cùng công tác trong ngành giáo dục. Năm dịch Covid-19 diễn ra, miền Tây rơi vào tình trạng thiếu máu để cấp cứu và điều trị. Thấy vậy, họ đã gửi lại con nhỏ, đi từ Trà Vinh đến TP Cần Thơ để tham gia hiến máu cứu người. Vượt đường xa trong thời điểm các trạm kiểm dịch hoạt động nghiêm ngặt và rồi cả hai đều hiến máu thành công, niềm hạnh phúc ấy không gì có thể đong đếm. Dù về đến nhà phải thực hiện cách ly, nhưng với họ đó vẫn là niềm vui và tự hào khi giúp đỡ được người bệnh trong lúc khó khăn.


 
Với anh Đào Nhật Khoa (giáo viên Trường THPT Ba Tơ, Quảng Ngãi) mỗi khi hiến máu đều cảm thấy hạnh phúc vì giúp đỡ được người bệnh cần truyền máu để duy trì sự sống. “Khi bắt đầu tham gia hiến máu cho đến nay, tôi hiến máu vì muốn giúp đỡ bệnh nhân, không nghĩ đến ngày được tôn vinh. Rất nhiều tình nguyện viên đã và đang làm như tôi. Được tôn vinh vừa là may mắn, cũng là động lực, trách nhiệm để tôi tiếp tục hành trình hiến máu nhân đạo”, anh Đào Nhật Khoa chia sẻ.


PGS, TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, đến nay, hoạt động hiến máu tình nguyện đã trở thành phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Nếu như trước đây, lực lượng người hiến máu chính là thanh niên, sinh viên, hiện nay, lực lượng người hiến máu được mở rộng đến mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo… Nếu như trước đây, người đi hiến máu bị gia đình ngăn cấm hay bị kỳ thị, đến nay, người đi hiến máu được mọi người tôn vinh, ủng hộ, trở thành niềm tự hào của gia đình hay cơ quan công tác.


Với nhiệm vụ trồng người cao cả, những thầy giáo, cô giáo đã, đang và tiếp tục là những tấm gương cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên noi theo và lan tỏa hành động hiến máu cứu người.



100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu năm 2024 đã có mặt tại Thủ đô Hà Nội để khởi động cho chuỗi hoạt động của chương trình Tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024.


100 đại biểu tham dự chương trình năm nay đã hiến tổng cộng 4.470 đơn vị máu, trong đó có 2 đại biểu hiến máu trên 100 lần. Đại biểu ít tuổi nhất là anh Nguyễn Thành Tài (22 tuổi, đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế) đã có tới 43 lần hiến máu, hiến tiểu cầu.


Trong số 100 đại biểu năm nay có 78 đại biểu nam, 22 đại biểu nữ, 14 đại biểu thuộc lực lượng vũ trang, 15 đại biểu thuộc ngành giáo dục và 5 đại biểu là nhân viên y tế.












THÁI SƠN - HẢI YẾN


*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom