Những giá trị lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
c) Bổ sung, làm sâu sắc, cụ thể hơn lý luận về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa

Trong những năm thực hiện đổi mới, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc rằng, để đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhất thiết phải xây dựng thành công nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bởi vì “dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển”, không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là căn cứ để Đảng ta xác định, dân chủ là một trong những thành tố quan trọng trong hệ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tổng Bí thư bổ sung làm rõ bản chất và đặc điểm của dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là chế độ dân chủ thật sự, không phải là dân chủ hình thức, cực đoan, vô chính phủ. Nó đối lập với chuyên quyền độc đoán, đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, quan liêu. Nói một cách khác, dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ thấm nhuần đầy đủ và sâu sắc nhất tính pháp lý và tính nhân văn. Thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là trong gần 40 năm đổi mới đã thể hiện rất rõ và hết sức sinh động những tiến bộ đạt được trong phát huy dân chủ cũng như xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tuy nhiên, Đảng ta chỉ rõ: “Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật”[24], nguyên nhân của hạn chế này là do hoạt động của hệ thống chính trị chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả, các điều kiện để người dân làm chủ chưa đầy đủ, sự thiếu gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, sự thiếu ý thức dân chủ, lợi dụng dân chủ của một bộ phận nhân dân... Do vậy, Tổng Bí thư yêu cầu: “Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thật sự thuộc về nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”[25].

Là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài, do vậy, Tổng Bí thư nhấn mạnh phải có một hệ thống chính trị mà quyền lực thật sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có, vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Phải phát huy vai trò chủ thể của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, nhằm huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng thông qua Nhà nước lãnh đạo toàn xã hội phát triển theo đúng con đường xã hội chủ nghĩa.

Nhà nước là tổ chức quyền lực của nhân dân, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, tổ chức quản lý, điều hành xã hội để hiện thực đường lối chính trị của Đảng, hành động vì quyền lợi của nhân dân, điều gì có lợi cho dân phải cố gắng làm, điều gì có hại cho dân phải hết sức tránh, chăm lo phát triển, bồi dưỡng và tiết kiệm sức dân như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với Nhà nước, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiều đổi mới “thúc đẩy việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”[26]. Chính phủ phải đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia trên cả bốn phương diện: thể chế hành chính, bộ máy hành chính, công chức hành chính và quản lý tài chính. Phải có một nền hành chính gần dân, vì dân, phục vụ dân, chuyên nghiệp, theo hướng hiện đại...

Với “vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ”, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là phát huy vai trò tích cực, tự giác, sáng tạo của nhân dân, “đẩy mạnh thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh”[27]. Nhân dân là người chủ xã hội, cho nên nhân dân không chỉ có quyền, mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định, thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát, là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích. Đây là một trong 10 mối quan hệ lớn cần được nắm vững và giải quyết hiện nay nhằm hiện thực hóa mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 40 năm đổi mới đã khẳng định mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam với ba trụ cột cơ bản nêu trên là mô hình chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi. Mô hình này đang hướng tới là một xã hội với những giá trị cốt lõi như Tổng Bí thư đã nêu rõ.


Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt cuốn sách về Đại đoàn kết toàn dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 18/11/2023. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)


Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt cuốn sách về Đại đoàn kết toàn dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 18/11/2023. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)


d) Bổ sung, làm sâu sắc hơn lý luận về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã hình thành một hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình cũng như đã xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển.

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi nền văn hóa Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng trong định hướng giá trị khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, Đề cương về văn hóa Việt Nam (năm 1943) đã xác lập nền văn hóa Việt Nam là “dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”[28].

Trong tác phẩm Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam của Tổng Bí thư Trường Chinh (Báo cáo đọc ở Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 16-20/7/1948) do Hội Văn nghệ Việt Nam xuất bản năm 1949, nền văn hóa Việt Nam được xây dựng lúc đó là: “Văn hóa dân chủ mới Việt Nam phải gồm đủ ba tính chất: dân tộc, khoa học và đại chúng”[29]. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960), Đảng ta nhấn mạnh việc xây dựng nền văn hóa mới với “nội dung xã hội chủ nghĩa và hình thức dân tộc”. Tại Đại hội IV của Đảng (năm 1976), cụm từ “tính chất dân tộc” đã thay thế cụm từ “hình thức dân tộc”. Năm 1991, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta khẳng định, nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”[30]. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) đã nhấn mạnh, nền văn hóa tiên tiến “là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người” và bản sắc dân tộc “bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước”[31]. Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) xác định “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”[32]. Tại các kỳ đại hội Đảng sau đó, việc xây dựng giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam luôn được chú trọng.

Cùng với việc xây dựng và định hướng của giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam toàn diện, sâu sắc hơn, các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa của Việt Nam, ở Việt Nam ngày càng phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Tinh hoa văn hóa thế giới được tiếp nhận phù hợp với đặc điểm cụ thể của Việt Nam. Những chuẩn mực cụ thể đối với mỗi người ở từng lĩnh vực cụ thể bước đầu được xây dựng như: chuẩn mực đạo đức nhà giáo, nhân viên y tế, người chiến sĩ công an, người lính “bộ đội Cụ Hồ”... Song, bên cạnh đó, Đại hội XIII của Đảng nhận định: “văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần”[33]. Việc xây dựng chuẩn mực con người có bước tiến bộ ở một số ngành, lĩnh vực cụ thể, song ở tầm khái quát nhất, điều này lại chưa được thể hiện một cách rõ ràng, để từ đó, mọi lĩnh vực, ngành nghề, mọi người có thể soi chiếu, phấn đấu. Vì lẽ đó, Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”[34].

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24/11/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của quốc gia và xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc[35].

Như vậy, có thể thấy, trên cơ sở chủ trương của Đảng, Tổng Bí thư đã đề xuất việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, và chuẩn mực con người Việt Nam. Quan điểm của Tổng Bí thư về những nội dung này là cơ sở, nền tảng để chúng ta kế thừa, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong thời gian tới.

Nội dung: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lâm, Giám đốc-Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
Trình bày: Dương Dương

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom