Nguy cơ bệnh ho gà, sởi bùng phát thành dịch ở miền Nam

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Viện Pasteur TP HCM ghi nhận số ca sởi, ho gà có dấu hiệu tăng tại miền Nam do nhiều trẻ chưa có miễn dịch với bệnh, sau gián đoạn cung ứng vaccine năm 2023.


41 ca ho gà được các tỉnh phía Nam ghi nhận từ đầu năm đến nay, trong đó hơn 80% là trẻ dưới 18 tháng tuổi, theo báo cáo tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch bệnh khu vực phía Nam hôm 11/6. Ngoài ra, 317 trường hợp sốt phát ban, trong đó nhiều ca xác định mắc sởi. Hầu hết bệnh nhân sởi, ho gà chưa chủng ngừa hoặc tiêm không đủ mũi theo phác đồ.

Riêng TP HCM phát hiện 30 ca ho gà từ đầu năm và 16 ca sởi trong ba tuần cuối tháng 5. Năm ngoái, thành phố không ghi nhận ca sởi, ho gà.

Các ca tăng do nhiều trẻ chưa có miễn dịch, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. Nguyên nhân do gián đoạn tiêm chủng trong dịch Covid-19. Bên cạnh đó, năm 2023, nhiều tỉnh thành cạn kiệt vaccine tiêm chủng mở rộng. Cụ thể, vaccine 5 trong 1 thiếu từ tháng 2, từ tháng 4 thiếu vaccine DPT (mũi bạch hầu - ho gà - uốn ván nhắc lại cho trẻ 18 tháng), hầu hết vaccine còn lại hết từ tháng 10. Tháng 1/2024, cả nước hết vaccine tiêm chủng mở rộng.

"Khi cộng đồng tồn tại khoảng trống miễn dịch, nếu không được tiêm bù, tiêm vét đầy đủ sẽ có nguy cơ bùng phát thành dịch", PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá, đồng thời đề xuất ngành y tế có kế hoạch tiêm vét, tiêm bù cho trẻ. Trong đó, chú ý vùng lõm tiêm chủng, như từng thực hiện năm 2014 trên nhóm trẻ 1-14 tuổi.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các tỉnh mua dự trữ vaccine, thuốc điều trị, huyết thanh. Còn đại diện Viện Pasteur TP HCM cho rằng cần có biện pháp mạnh mẽ và kịp thời, như mở rộng độ tuổi và đối tượng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đại diện Sở Y tế TP HCM khuyến cáo tiêm vaccine ở các vùng có nguy cơ bùng phát dịch, thai phụ bổ sung tiêm vaccine phòng bạch hầu, ho gà và mũi uốn ván.

BS.CK1 Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng , cho biết hiện có ba loại mũi tiêm sởi, thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ, gồm mũi đơn, mũi phối hợp sởi - rubella, mũi phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella (MMR).

Trẻ nhỏ cần tiêm chủng phòng bệnh sớm, đúng lịch khi trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên. Trẻ 4-6 tuổi được tiêm nhắc bổ sung vaccine sởi - quai bị - rubella để tăng hiệu quả miễn dịch tùy thuộc vào lịch tiêm phòng trước đó. Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử chủng ngừa cần tiêm hai mũi vaccine để tránh trở thành nguồn lây cho trẻ nhỏ và những người xung quanh.

"Tiêm đầy đủ hai mũi tăng hiệu quả phòng bệnh đến 97%", bác sĩ Chính nói. Vaccine có giá trị bảo vệ với người tiếp xúc nguồn lây nhiễm trong 72 giờ. Ngoài tiêm chủng cần kết hợp nhiều biện pháp khác để tăng hiệu quả phòng ngừa như tăng cường vệ sinh cá nhân (rửa tay, sát trùng mũi họng), giữ ấm cơ thể, dinh dưỡng đầy đủ.



Trẻ tiêm vaccine sởi phòng bệnh tại VNVC. Ảnh: Nhật Linh


Sởi có đặc điểm dễ lây lan, khả năng cao bệnh bùng phát thành dịch lớn. Theo bác sĩ Chính, một người mắc sởi có thể lây cho 12-18 người chưa từng mắc hoặc chưa tiêm phòng. Bệnh lây truyền mạnh nhất vào thời điểm trước khi phát ban 4 ngày và sau khi phát ban 4 ngày, nên cần cách ly trong giai đoạn này.

Virus sởi có thể gây nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm não, viêm loét giác mạc, suy dinh dưỡng hậu nhiễm sởi... Trong đó, viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất với bệnh nhân. Sởi còn gây suy giảm miễn dịch khiến người bệnh dễ bội nhiễm vi khuẩn khác như lao, ho gà, thủy đậu...

Ở thai phụ, bệnh tăng nguy cơ tử vong ở người mẹ, sảy thai, thai lưu hoặc sinh non. Mắc sởi vào cuối thai kỳ, virus có thể lây nhiễm cho em bé. Trẻ sơ sinh nhiễm sởi nguy cơ cao tử vong do biến chứng viêm phổi, viêm gan cấp hoặc viêm não cấp tính.

Khi mắc sởi, người bệnh có các triệu chứng: sốt, ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ, không chịu được ánh sáng. Khoảng 2-3 ngày sau, đốm Koplik nổi lên bên trong miệng nơi gò má đối diện răng hàm - dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi. Đốm Koplik là dạng nốt nhỏ, phần nhân xanh trắng, viền đỏ xung quanh. Cùng lúc, bệnh nhân có thể sốt cao, những mảng đỏ hay còn gọi là ban sởi đặc trưng nổi lên trên mặt, theo đường tóc và sau tai, đến toàn mặt lan xuống ngực, đùi, bàn chân. Khoảng một tuần sau, những vết nhỏ này nhạt dần để lại những vùng da thâm sẫm màu xen kẽ da lành, gọi là dấu hiệu vằn da hổ.

Gia Nghi

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom