- Bài viết
- 3,872
- Xu
- 3,217
Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển công nghệ sinh học
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ TW, ngày 30-1-2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.
www.qdnd.vn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết quan trọng này:
I- TÌNH HÌNHThực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm qua, các cấp, các ngành đã nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CNSH. CNSH nước ta có bước phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; ứng dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường.
Công nghiệp sinh học từng bước được hình thành; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm CNSH trên một số lĩnh vực với quy mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu về CNSH tăng cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, CNSH phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực CNSH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trong bối cảnh khoa học-công nghệ phát triển mạnh mẽ; một số lĩnh vực quan trọng của CNSH lạc hậu so với khu vực và thế giới; công nghiệp sinh học chưa trở thành một ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNSH còn nhiều hạn chế, bất cập.
Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do nhận thức của không ít cấp ủy, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của CNSH chưa đầy đủ; cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiếu hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển và ứng dụng CNSH; đầu tư cho phát triển và ứng dụng CNSH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH; mối liên kết giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong phát triển và ứng dụng CNSH chưa hiệu quả, còn lỏng lẻo.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: baochinhphu.vn |
II - QUAN ĐIỂM
1. Phát triển CNSH là xu thế của thế giới; là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân.
2. Phát triển và ứng dụng CNSH phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương; lợi thế của quốc gia đi sau. Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng điểm, cơ bản, nhất là tận dụng ưu thế về đa dạng sinh học nước ta.
3. Phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng là giải pháp ưu tiên trong phát triển KT-XH; lấy doanh nghiệp là chủ thể, có cơ chế, chính sách vượt trội tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp sinh học.
III- MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền CNSH phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về CNSH, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.
2. Mục tiêu cụ thể
Đến năm 2030
- Nền CNSH nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh CNSH; được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển KT-XH nhanh, bền vững.
- Xây dựng nền CNSH có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH.
- Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm CNSH nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Tầm nhìn đến năm 2045
Việt Nam là quốc gia có nền CNSH phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về CNSH thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp 10-15% vào GDP.
IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng CNSH trong tình hình mới
- Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển và ứng dụng CNSH. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.
- Phát triển và ứng dụng CNSH là một nội dung, nhiệm vụ được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của các địa phương, ngành, lĩnh vực.
- Hệ thống báo chí chú trọng giới thiệu thành tựu CNSH; chủ động tuyên truyền các tập thể, cá nhân điển hình trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH. Kịp thời khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động hiệu quả.
2. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng CNSH
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng CNSH; thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm CNSH; bảo đảm an toàn sinh học.
- Có chính sách vượt trội, phù hợp để phát triển và ứng dụng CNSH, sản xuất các sản phẩm CNSH có giá trị cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, quốc phòng, an ninh; khuyến khích đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng CNSH đối với vùng KT-XH còn nhiều khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm CNSH; đào tạo, phát hiện, sử dụng nguồn nhân lực CNSH.
- Xây dựng cơ chế bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng CNSH; xây dựng, triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH.
- Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm CNSH.
3. Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả CNSH trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
- Chú trọng nghiên cứu và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; các vaccine và chế phẩm sinh học phòng bệnh cho vật nuôi, cây trồng, nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới phát sinh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hiệu quả, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm.
- Phát triển, ứng dụng, hiện đại hóa CNSH trong công nghiệp chế biến các sản phẩm an toàn, hiệu quả, có giá trị cao từ nguồn nguyên liệu trong nước.
- Đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong lĩnh vực y tế. Tập trung nghiên cứu, sản xuất thuốc, vaccine đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong công nghiệp dược phẩm, công nghệ gen, sản xuất nguyên liệu và các loại thuốc sinh học, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược.
- Chú trọng phát triển và ứng dụng CNSH trong bảo vệ môi trường; giảm thiểu suy thoái, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; sản xuất nhiên liệu, vật liệu sinh học thân thiện môi trường, phát huy tiềm năng kinh tế biển.
- Tập trung xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sớm quy hoạch phát triển công nghiệp sinh học, khai thác tối đa lợi thế vùng nhằm sản xuất các sản phẩm chủ lực phục vụ phát triển KT-XH; liên kết các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm CNSH.
- Hỗ trợ doanh nghiệp CNSH nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ; nghiên cứu sản xuất sản phẩm CNSH quy mô công nghiệp; xây dựng thương hiệu, thương mại hóa sản phẩm; khai thác, sử dụng hiệu quả các phát minh, sáng chế CNSH có giá trị cao của thế giới, ứng dụng hiệu quả trong công nghiệp sinh học.
- Chủ động ứng phó tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học, chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học; xử lý chất độc hóa học; bảo đảm an ninh sinh học trong nghiên cứu, sản xuất, làm chủ công nghệ sản xuất sản phẩm CNSH đặc thù phục vụ quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
4. Xây dựng nguồn nhân lực CNSH, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH
- Nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo nhân lực CNSH từ giáo dục phổ thông đến đại học và trên đại học. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp CNSH, đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nhân lực CNSH. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.
- Chú trọng xây dựng đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu có uy tín đạt trình độ quốc tế trong lĩnh vực CNSH; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, xuất khẩu nhân lực CNSH có trình độ cao.
- Tập trung đầu tư nguồn lực nhằm nâng cao năng lực phát triển và ứng dụng CNSH, trong đó ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, phát triển sản phẩm CNSH mà Việt Nam có lợi thế.
- Tiếp tục đầu tư hoàn thiện, sớm đưa các trung tâm CNSH quốc gia ở 3 miền Bắc, Trung, Nam vào hoạt động; hiện đại hóa hệ thống phòng thí nghiệm CNSH, các trung tâm đánh giá, kiểm định; xây dựng một số trung tâm kiểm soát dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu giám sát và phòng, chống dịch bệnh.
- Hỗ trợ, phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học-công nghệ, doanh nghiệp ứng dụng CNSH. Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị nhằm sản xuất sản phẩm công nghệ đạt trình độ quốc tế; nâng cao năng lực của các cơ sở nghiên cứu CNSH lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về CNSH
Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNSH, tuân thủ các điều ước quốc tế có liên quan đến CNSH mà Việt Nam tham gia. Có chính sách mua, chuyển giao, trao đổi CNSH, trong đó quan tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ có giá trị cao của thế giới vào Việt Nam; hợp tác nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế sinh học, quản lý tài nguyên, quản lý kinh tế, xã hội bền vững với các quốc gia có trình độ CNSH phát triển.
V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền nội dung Nghị quyết tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết.
2. Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật; tăng cường giám sát hoạt động phát triển và ứng dụng CNSH.
3. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết; chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện chính sách liên quan đến phát triển và ứng dụng CNSH; ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính để thực hiện Nghị quyết; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật có liên quan đến phát triển và ứng dụng CNSH.
4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện Nghị quyết, phát huy vai trò phản biện xã hội, tham gia xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển và ứng dụng CNSH.
5. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, hướng dẫn việc quán triệt thực hiện Nghị quyết; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện, báo cáo Bộ Chính trị.
==>https://vneconomy.vn/nam-2045-cong-nghiep-sinh-hoc-dong-gop-10-15-vao-gdp.htm
Sửa lần cuối: