Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn: Bản sắc văn hóa dân tộc là “gốc rễ” trong phát triển văn hóa

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Thay đổi nhận thức thông qua giáo dục

Văn hóa là một phạm vi rất rộng và nghệ thuật có thể coi là kết tinh, là tinh hoa của văn hóa. Muốn thúc đẩy sự phát triển của văn hóa thì phải tập trung vào cốt lõi là nghệ thuật. Là một người làm công tác nghiên cứu, thực hành về nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại, Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn thấy rõ tầm quan trọng của bản sắc văn hóa truyền thống, của di sản, của lịch sử.


Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, văn hóa truyền thống đóng vai trò như thế nào trong dòng chảy văn hóa?


Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn: Là một người đang thực hành nghệ thuật đương đại, nhưng “cái lõi” của nghệ thuật đương đại được nhận diện như thế nào thì phần lớn lại do nó có kết nối được với lịch sử, truyền thống bản địa của một dân tộc hay không. Đó là lý do tại sao một người đang thực hành về nghệ thuật đương đại như tôi lại càng phải quay về với truyền thống, với lịch sử.


 
Thực ra đương đại và truyền thống không phải là đối lập nhau mà nó chính là hai đầu của sự phát triển. Truyền thống chính là vấn đề “gốc rễ” của phát triển. Cũng như một cái cây, cái cây muốn phát triển thì phải có phần gốc rễ chắc, truyền thống chính là gốc rễ của một cái cây. Một đất nước hay một cộng đồng muốn phát triển thì cái “rễ truyền thống” phải được bám chắc và khỏe.


Căn cốt để phát triển công nghiệp văn hóa thực chất là giáo dục. Giáo dục là căn bản, căn gốc của con người. Tuy nhiên, việc thông qua giáo dục để kết nối văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại cũng cần có một quá trình thực hiện thay đổi nhận thức, hiểu và yêu hơn văn hóa truyền thống, từ đó tạo ra những sản phẩm văn hóa có giá trị để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội.


 
Tư duy giáo dục là phải biết chắt lọc, biết yêu quý văn hóa truyền thống và bản địa để nâng lên tầm quốc tế. Nghiên cứu, khám phá, tái khám phá và đào sâu văn hóa truyền thống - vốn quý của một dân tộc, từ đó những nghệ nhân dựa vào những chất liệu truyền thống dân tộc để đưa văn hóa bản địa phát triển rộng ra quốc tế sẽ là một giải pháp tốt để thúc đẩy sự phát triển của văn hóa.


PV: Theo ông, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, chúng ta cần có những bước đi cụ thể nào?


Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn: Việc hướng sinh viên vào nghiên cứu và hiểu một cách sâu sắc về văn hóa truyền thống bản địa là cách mà tôi và các đồng nghiệp đang làm. Có thể kể đến những dự án cộng đồng đã và đang triển khai, điển hình như: Dự án nghệ thuật công cộng trên Cầu đi bộ Trần Nhật Duật; Dự án vườn hoa Cửa Nam; dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng; dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân; Hà Nội - Một bảo tàng sống; Không gian nghệ thuật đương đại tại khu tầng hầm tòa nhà Quốc hội; Tôi đi tìm ngôi nhà chung; Từ truyền thống tới truyền thống…. Những dự án đó đã và đang giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại.


Thông qua những dự án nghệ thuật cộng đồng, đưa những dự án ấy vào những không gian “dường như đang bị lãng quên” trong đô thị đó là những mái đình - biểu tượng của làng quê Việt để các bạn trẻ đang thực hành nghệ thuật có cơ hội nhận thức sâu sắc hơn về giá trị văn hóa truyền thống. Tôi mong muốn một thế hệ trẻ hiểu về những tinh hoa văn hóa truyền thống của người Việt, từ đó biết yêu mến, gìn giữ và phát huy văn hóa giá trị bản địa của chính mình, đồng thời quảng bá ra quốc tế.


Đề cao tính sáng tạo, học tập thêm kinh nghiệm các nước


PV: Theo ông, việc xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài để quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam có cần thiết không?


Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn: Mục tiêu xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, theo tôi, đó thực sự là một giải pháp quá cần thiết. Những trung tâm như thế có thể kết nối, giúp nhận diện bản sắc văn hóa của đất nước rất tốt thông qua các hoạt động quảng bá văn hóa ở các lĩnh vực nghệ thuật, điện ảnh… Đấy chính là cách để chúng ta xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa ở một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc…


 
Những năm 90, Hàn Quốc thực sự “nhìn ra” sức mạnh mềm của văn hóa và họ đã cử hàng hàng triệu sinh viên và những người trẻ sang các nước Mỹ, Đức để học hỏi, tiếp thu sự tiến bộ của nền công nghiệp văn hóa của thế giới. Những người trẻ ấy đã học nguyên “cả một dây chuyền” về làm phim, làm điện ảnh, gallery, bảo tàng, nhà hát… những thiết chế văn hóa nghệ thuật ưu tú của phương Tây, và họ “mang về” đất nước mình, làm nên một nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc với đỉnh cao là sự phát triển của phim ảnh.


Thông qua phim ảnh, nhiều quốc gia khác trên thế giới đã thực sự biết đến bản sắc văn hóa Hàn Quốc, nhận diện được hình ảnh của đất nước này. Đó chính là sự thăng hoa của công nghiệp văn hóa, sự quảng bá hữu hiệu về sức mạnh mềm của văn hóa. Họ đào sâu vào nghiên cứu về văn hóa truyền thống, văn hóa bản địa và họ làm “sống dậy” văn hóa truyền thống của Hàn Quốc thông qua việc đưa văn hóa truyền thống vào các sản phẩm hiện đại.


 
 
Trung Quốc cũng là một đất nước điển hình trong phát triển công nghiệp văn hóa. Khi họ nhận thức được việc phát triển kinh tế phải song hành cùng phát triển văn hóa thì một trong những chiến lược của họ là đầu tư trực tiếp vào giáo dục nghệ thuật.


Trung Quốc là một trong số những quốc gia đã coi nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật và đưa nhiếp ảnh vào đào tạo tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc và các thế hệ nghệ sĩ trẻ của Trung Quốc với những sáng tác bằng nhiếp ảnh của mình có thể mang đến giá trị cả triệu USD.


Ngoài ra, họ coi trọng việc tham gia vào các thiết chế nghệ thuật của thế giới, đầu tư cho văn hóa bằng cách mang hình ảnh văn hóa nghệ thuật trong nước “đi ra” các Biennale nghệ thuật trên thế giới. Và một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia… cũng áp dụng những giải pháp tương tự.


PV: Để thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa phát triển, theo ông, tính sáng tạo đóng vai trò như thế nào?


Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn: Sự ý thức về việc đặt vai trò của sáng tạo lên trên tất cả là rất quan trọng, chỉ có sáng tạo mới tạo ra giá trị thặng dư. Khi nền kinh tế về chất xám được trả tiền cao thì theo một cách tự nhiên, người ta sẽ có nhu cầu về nó. Và như thế, văn hóa mà cụ thể ở đây là nghệ thuật, sẽ đi vào cuộc sống, trở thành nhu cầu tự nhiên của xã hội.


 
Sáng tạo là vốn quý của con người và chấn hưng văn hóa chỉ có thể bắt đầu từ chính việc coi con người là trọng tâm, coi sự sáng tạo của con người là trọng tâm của trọng tâm. Khi người ta quý con người thì sẽ quý sự sáng tạo của con người ấy. Và sự sáng tạo sẽ tạo ra những sản phẩm văn hóa có giá trị, bởi sự sáng tạo cũng chính là sự đầu tư chất xám. Khi các sản phẩm văn hóa đến từ những sự sáng tạo có đầu tư chất xám sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách bền vững.


 
 
Nhìn ra nước ngoài, lượng người trẻ xếp hàng dài vào các bảo tàng không chỉ ngày cuối tuần mà kể cả ngày thường ở Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc… mới thấy, các quốc gia này đang “hái ra tiền” từ việc đầu tư cho công nghiệp văn hóa. Làm sao để tình yêu nghệ thuật, văn hóa trở thành nhu cầu thì lúc đó công nghiệp văn hóa sẽ phát triển.


PV: Trân trọng cảm ơn ông!


TƯỜNG VY (thực hiện)


*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom