Nghệ nhân trẻ góp phần hồi sinh nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Nghề này đã xuất hiện tại Hải Dương đến nay được gần 600 năm, phục vụ nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân và góp phần lan tỏa tri thức cho cộng đồng, xã hội.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của nghề truyền thống quê hương mình, nghệ nhân Nguyễn Công Đạt, truyền nhân đời sau của làng nghề đã nung nấu ý định khôi phục lại nghề do cha ông để lại. Anh Đạt từ nhỏ đã có đam mê với hội họa, ngày nào cũng được nhìn mọi người trong làng in khắc mộc bản nên dần nuôi dưỡng tình yêu với nghề truyền thống. Ngay sau khi tốt nghiệp ngành Thiết kế nội thất (Trường Đại học Mở Hà Nội), anh trở về quê nhà để từng bước tìm lại và phát huy tinh hoa nghề khắc mộc bản tại thôn Thanh Liễu, phường Tân Hưng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.


Chia sẻ với phóng viên, nghệ nhân Nguyễn Công Đạt cho biết hiện nay trong làng chỉ có 4 hộ gia đình làm nghề in khắc mộc bản. Sau một thời gian anh thuyết phục, tuyên truyền tầm quan trọng của việc bảo tồn làng nghề truyền thống, con số đến hiện tại đã nâng lên được 7 hộ gia đình.


Hành trình đưa làng nghề trở lại với đời sống hiện đại vô cùng gian nan. Anh Đạt tâm sự rằng ngay cả tên làng nghề hiện nay cũng bị sai lệch, nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng đưa ra sai lệch dẫn đến thông tin về làng mộc bản Thanh Liễu. Khi tìm đọc một số tư liệu thời hiện đại, anh Đạt phát hiện thấy một số cuốn sách viết rằng làng Hồng Lục chính là làng Liễu Tràng, số khác lại ghi Hồng Lục và Liễu Tràng là hai địa danh hoàn toàn khác nhau, bỏ quên hoàn toàn cái tên Thanh Liễu – nơi cụ Lương Như Hộc truyền nghề đầu tiên trong 3 làng: Hồng Lục (tức Thanh Liễu), Liễu Tràng và Khê Liễu (nay đều thuộc TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương).


Trên tấm bia số 1 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám có khắc rõ quê quán cụ Lương Như Hộc là người làng Hồng Lục, huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng. Trong lịch sử khi đất nước xảy ra chiến tranh, loạn lạc, các tư liệu lịch sử cũng dần bị đốt phá theo nên việc tìm lại tư liệu gốc để đối chiếu phục dựng là vô cùng khó khăn. May mắn thay, anh Đạt đã tìm được tư liệu trong cuốn Ngọc phả tổ sư – cuốn sách cổ ghi lại chi tiết về tổ nghề khắc mộc bản và sự thay đổi địa danh thôn Hồng Lục được đổi thành Thanh Liễu vào năm Tự Đức thứ 3 (năm 1850). Kết quả sau khi xác nhận lại thì đã làm sáng tỏ sự nhầm lẫn này và khôi phục chính xác tên làng Thanh Liễu để tránh nhầm lẫn sau này trên văn bản hay phương tiện truyền thông.


Trên hành trình tìm kiếm những mộc bản bị thất lạc, nghệ nhân Nguyễn Công Đạt gặp nhiều khó khăn do các mộc bản đó được lưu trữ rải rác, cần nhiều thời gian và công sức tìm kiếm. Anh Đạt chia sẻ thêm, lối khắc của làng anh cũng có điểm riêng. Dụng cụ quan trọng nhất của người nghệ nhân là con dao ngang, nó khác so với con dao dọc dùng để đục gỗ. Dao ngang là loại dao có lưỡi vòm tạo thành đường cong. Khi khắc, lưỡi dao đi dọc theo các nét mực, khoét sâu xuống với độ vừa đủ. Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo bởi một nét dao quá tay cũng có thể lại làm lại toàn bộ bản khắc.


Thời gian gần đây, anh Đạt tâm sự rằng đã tìm được thêm nhiều tư liệu mộc bản như: Ván kinh cổ của cụ Nguyễn Danh Nghi; bản sớ; tranh cổ vật; bộ đồ nghề khắc dấu của cụ Nguyễn Danh Uy... để mang về trưng bày tại những hoạt động tại làng Thanh Liễu, nhằm quảng bá nghề này đến người dân tại địa phương cũng như trên cả nước.


Khi được hỏi về hướng phát triển trong tương lai, nghệ nhân Nguyễn Công Đạt nhấn mạnh rằng đang có nhiều dự án hợp tác cùng anh Ngô Quý Đức, cũng là người có cùng chí hướng khôi phục làng nghề, phát triển giá trị văn hóa Việt Nam trong dự án “Về làng”.


Bài và ảnh: PHƯƠNG LY


*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom