Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 kể về Thiền sư Danh y Tuệ Tĩnh

Thích Đông Lỗ

Trụ trì chùa Bề Đề
Bài viết
312
Xu
17,260
Tuệ Tĩnh (1330-?), tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, từ lâu đã được gọi là ông thánh thuốc nam với câu nói nổi tiếng “Nam dược trị Nam nhân”, kim chỉ nam cho y học dân tộc nước nhà. Ông xuất thân từ một gia đình bần nông.Mồ côi cha mẹ từ năm 6 tuổi, ông được gửi vào chùa, được được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thuỷ (Nam Định) nuôi ăn học.

Năm 22 tuổi, ông đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà tiếp tục con đường tu hành, lấy pháp danh là Tuệ Tĩnh, chuyên tâm nghiên cứu y học, đặc biệt là các bài thuốc nam, trị bệnh, cứu người, và nổi tiếng với y thuật của mình.
image-13.png



Ông dày công nghiên cứu các cây thuốc, bài thuốc dân gian, ngoài việc chữa bệnh còn chăm lo đào tạo các học trò, viết sách để truyền bá kiến thức đến mọi người. Ông tổng hợp các nghiên cứu của mình trong các sách Nam dược thần hiệu, Hồng nghĩa giác tư y thư (trong đó có giới thiệu về 500 vị thuốc nam viết bằng thơ Nôm đường luật), bài Phú thuốc nam cũng bằng thơ Nôm … Những tác phẩm này không chỉ có giá trị y học mà còn là những tác phẩm văn học rất có ý nghĩa.

Nǎm 30 tuổi, ông trở về trụ trì chùa Yên Trang. Ông đã tu bổ lại chùa này với một số chùa khác (24 ngôi) ở hạt Sơn Nam và quê hương, huấn luyện y học cho các tǎng ni để mở rộng việc chữa bệnh làm phúc.

Nǎm 45 tuổi, ông thi đình, đậu Hoàng giáp.

Năm 55 tuổi, ông bị đưa đi cống sang triều đình nhà Minh. Ở đấy, Tuệ Tĩnh vẫn chuyên tâm và rất nổi tiếng về nghề thuốc . Tuệ Tĩnh đã chữa cho Tống Vương Phi (vợ vua Minh) khỏi bệnh sản hậu nên được phong là “Ðại Y Thiền Sư”. Biết sẽ khó được trở về quê hương, tại buổi lễ nhận chức ở triều đình nhà Minh, ông khóc.

Từ ngày sang phương Bắc, ông không một lần được quay lại quê hương. ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc nhưng không rõ năm nào.

Khi qua đời ở phương bắc, Tuệ Tĩnh đã có lời dặn ghi trên mộ chí của mình : “Ai về nước Nam cho tôi về với”

Năm 1690, nghĩa là khoảng gần ba thế kỷ sau, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi sứ sang nhà Thanh, thăm mộ Tuệ Tĩnh và nhận ra đại thiền sư là người cùng quê với mình. Cảm động với lời nhắn gửi thiết tha của vị đại danh y, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã xin với vua Thanh đưa hài cốt Tuệ Tĩnh về nước nhưng không được chấp thuận. Ông thuê người sao chép bia mộ, rồi khi về nước đã đến vùng Kinh Môn thuê thợ khắc lại tấm bia đá.

Thuyền chở bia trên sông Thái Bình, đến cánh đồng Văn Thai ở địa điểm tiếp giáp với làng Nghĩa Phú quê hương của Tuệ Tĩnh thì bị lật, tấm bia 75kg rơi xuống và không lấy lên được. Ít lâu sau nước cạn người dân đã tìm thấy tấm bia. Thấy doi đất ở đây có hình con dao cầu chuyên thái thuốc nam, người dân cho rằng đây là nơi địa linh nên đã dựng bia tại nơi đây để thờ cúng, cách quê hương Tuệ Tĩnh khoảng hơn 1 km. Từ khi lập nên đền Bia, hàng nghìn người dân từ khắp nơi kéo về lấy thuốc, hái lá và xin nước ở đền Bia để uống cầu mong khỏi bệnh. Năm nào cũng vậy, xong ngày lễ hội vào 1.4 âm lịch là đền lại bốc cháy nhưng người dân đi qua đền đều cúi đầu vái lạy tấm bia.

Năm 1846, vua Thiệu Trị cho rằng “đây là việc mê tín dị đoan nên đã hạ chiếu cấm việc cúng bái và xin thuốc ở đền Bia”. Nhà vua đã sai người đục hết chữ trên tấm bia và mang “nhốt” vào trong ngục thất, cho người canh gác cẩn mật. Vào một đêm trời mưa gió, một người làng Văn Thai làm lính canh đã bí mật đào tường, đưa tấm bia về cất giấu ở nhà Tổ chùa Văn Thai, rồi sơn vàng tấm bia, xây kín lại để tránh bị phát hiện.

Ngày tổ chức lễ hội, tấm bia được đem ra đền Bia, khách thập phương lại đến xin thuốc và cung tiến tiền để tu sửa đền. Tương truyền, tiền công đức nhiều tới mức đựng hàng thúng, xây đền không hết, dân làng đã mua đá xanh về lát đường làng Văn Thai. Trong đó phải kể đến chuyện ông chánh tổng Nam Sách tên là Lưu Sinh bị tai biến, không đi lại được, đã nhờ người đưa đến đền Bia xin thuốc về uống và khỏi bệnh. Để tỏ lòng biết ơn, năm 1940, ông đã bỏ tiền ra thuê thợ tạc bệ đá đặt tượng Tuệ Tĩnh như ngày nay.

Trả lại sắc phong sau 45 năm

Năm 1968, một người phụ nữ tên Tân ở TP Hải Dương đến viếng đền Bia thấy các cụ dọn dẹp, đốt hương, vàng mã và một tờ giấy màu vàng viết chữ Hán trông rất đẹp. Bà dập tờ giấy bị cháy chỉ còn lại một nửa và xin các cụ mang về nhà. Sau này, bà nhờ Bảo tàng Hải Dương dịch thuật nội dung chữ Hán mới biết đó là tấm sắc phong năm 1924 của vua Khải Định cho đại danh y Tuệ Tĩnh tại đền Bia. Tháng 7/2013, bà Tân trao trả lại tấm sắc phong cho đền. Năm 2017 Ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng nhờ Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch thuật và hiệu đính lại những phần chữ bị cháy và sao lại một tấm sắc phong mới hoàn chỉnh. Còn tấm sắc phong gốc đã được bồi giấy dó để chống mục nát.
 
✬ Nguồn
https://bedecotu.com/

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom