- Bài viết
- 3,872
- Xu
- 3,217
Ngăn rút bảo hiểm xã hội một lần, được không?
Cần có chính sách tăng quyền lợi đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, giảm dần số năm đóng tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhiều cơ hội để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động...
tuoitre.vn
Cần có chính sách tăng quyền lợi đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, giảm dần số năm đóng tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhiều cơ hội để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động...
Người lao động làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM, sáng 22-12 - Ảnh: HỮU HẠNH
Nhiều chuyên gia đã đề xuất như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng người lao động đổ xô đi rút bảo hiểm xã hội một lần vì nhiều lý do như cần tiền để trang trải cuộc sống sau khi mất việc tạm thời, cần một khoản tiền để mua xe, sửa chữa nhà cửa hoặc chữa bệnh...
Xếp hàng từ 4h sáng để rút bảo hiểm
Những ngày cuối tháng 12, nhiều người đã có mặt từ 5h sáng, xếp hàng dài trước cơ quan bảo hiểm xã hội quận 12 (phường Thới An) để kịp có số thứ tự vào đăng ký thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Nhiều người cho biết đã đến từ 4h sáng mới có thể lấy được số. Là quận có đông công nhân, lao động và là địa bàn giáp ranh với nhiều quận, huyện có đông lao động khác, số lượng người dồn đến bảo hiểm xã hội quận 12 luôn rất đông.
Với lượng người trực tiếp đến lấy số thứ tự làm thủ tục hằng ngày lên tới vài trăm người, trong khi khả năng tiếp nhận của bảo hiểm xã hội quận chỉ khoảng 100 hồ sơ trong đó bao gồm cả hồ sơ đăng ký trực tuyến, nhân viên bảo vệ của bảo hiểm xã hội phải chụp hình từng người đã phát số thứ tự, "để đúng người xếp hàng mới cho vào làm thủ tục", không để xảy ra tình trạng cò bán số thứ tự.
Đến bảo hiểm xã hội quận 12 xếp hàng từ hơn 4h sáng để kịp lấy số thứ tự nộp hồ sơ rút bảo hiểm xã hội một lần, Hạnh (22 tuổi, quê An Giang) cho biết cô làm giùm thủ tục bảo hiểm xã hội một lần cho mẹ, trước đây là công nhân Công ty TNHH Samho Việt Nam (Củ Chi).
"Năm ngoái dịch, không đi làm được. Hết dịch là mẹ tôi cũng xin nghỉ làm rồi xin vào phụ ở xưởng bánh tráng tới giờ", Hạnh chia sẻ.
Khoản tiền nhận được từ cuốn sổ bảo hiểm xã hội tích lũy 10 năm này, mẹ con Hạnh sẽ về quê mở tiệm tạp hóa buôn bán.
Với nhiều công nhân, người lao động, số tiền đóng bảo hiểm xã hội suốt nhiều năm làm lụng cũng là khoản tiền tích cóp duy nhất mà họ còn giữ được sau nhiều năm làm việc. Họ trông chờ vào đó để "mấy năm nữa xây nhà", "về quê làm ăn"...
Trở lại công ty làm việc sau khi dịch bệnh COVID-19 tạm lắng, chị N.T.X. (28 tuổi, quê Quảng Trị) - công nhân may đang làm việc tại một công ty may mặc ở quận 12 - đã năn nỉ xin tổ trưởng "cắt hợp đồng" để chuyển qua làm lao động thời vụ ở công ty. Làm thời vụ, chị X. sẽ không có hợp đồng lao động và công ty sẽ không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho chị.
Theo quy định, sau một năm không tiếp tục tham gia BHXH, người lao động có thể rút bảo hiểm xã hội một lần. "Giữa tháng 12 này (2022) là tròn một năm "nghỉ việc", tôi có thể làm thủ tục để lãnh bảo hiểm xã hội một lần.
Cuốn sổ bảo hiểm đó tôi đóng chừng 6-7 năm gì đó, chắc được 40-50 triệu đồng, gom lại xây nhà ở quê. Nhà cha mẹ ở quê đã cũ lắm rồi, năm nào mùa bão tới cũng lo nhà sập nên phải ráng để xây lại", chị X. chia sẻ.
Nhiều lao động trẻ kê khai thông tin làm việc tại bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Chuyển sang làm thời vụ để rút bảo hiểm!
Một chị công nhân đến rút bảo hiểm xã hội một lần tại đây cho biết năm nay mới 28 tuổi, nếu năm sau bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội lại từ đầu, đến năm 48 tuổi chị sẽ đóng được 20 năm nên giờ rút bảo hiểm xã hội rồi tính tiếp.
"Không tính tương lai được đâu, phải lo trước mắt đã. Làm công nhân, ở trọ, nuôi con nhỏ, tháng nào tiêu hết tháng đó thì làm sao tích cóp được 50-60 triệu.
Nếu muốn mua một cái xe 20-30 triệu, gom tiền xây nhà... chỉ có khoản tiền bảo hiểm xã hội thôi", chị này nói.
Công nhân trẻ có lý do "trẻ" để rút bảo hiểm xã hội một lần và công nhân già cũng có lý do để rút khoản tiền này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tượng công ty thỏa thuận với công nhân để cho công nhân nghỉ làm chính thức, chuyển sang làm thời vụ, làm tự do để rút bảo hiểm xã hội một lần không hiếm.
Bà L.T.A.Tuyết - quản lý nhân sự ở một công ty may mặc - cho biết cuối tháng 11-2022, bảo hiểm xã hội đã kiểm tra và yêu cầu công ty đóng bù cho những trường hợp công nhân đã làm ở công ty trước đó nhưng chuyển qua làm lao động thời vụ để không đóng bảo hiểm xã hội.
"Hầu hết họ là công nhân đã ngoài 40 tuổi. Họ nói không còn sức khỏe để làm cho đến khi đủ tuổi hưu, muốn có một khoản tiền về quê sinh sống nên mình cũng thông cảm và đồng ý để họ làm thời vụ không đóng bảo hiểm xã hội", bà Tuyết chia sẻ.
Một công ty chuyên về may mặc các sản phẩm thời trang cho thị trường Hàn Quốc tại Bình Chánh cũng bị cơ quan bảo hiểm xã hội kiểm tra, đối chiếu với số liệu của cơ quan thuế và phát hiện nhiều công nhân đã làm ở công ty nhiều năm và đã chấm dứt hợp đồng với công ty nhưng vẫn làm việc theo diện thời vụ thời gian kéo dài hơn một năm.
"Công nhân làm bao nhiêu chi tiêu cuộc sống bấy nhiêu. Nhiều công nhân nói chỉ có khoản tiền bảo hiểm xã hội đó để lo cho con vào đại học, để về quê làm ăn... nên xin chuyển qua thời vụ và công ty cũng đồng ý. Đây là theo mong muốn của người lao động chứ công ty không thể ép người lao động từ chính thức chuyển sang thời vụ" - bà N.T.Thảo, đại diện công ty nói trên, chia sẻ.
Theo một đại diện của bảo hiểm xã hội TP.HCM, trong quá trình thanh tra kiểm tra, nếu phát hiện doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội không đủ số người thuộc diện bắt buộc, cho dù đơn vị có giải trình là do có thỏa thuận với người lao động hoặc theo đề nghị của người lao động, cơ quan BHXH vẫn đề nghị truy đóng toàn bộ thời gian chưa tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Người lao động tham khảo thủ tục, thông tin chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, sáng 22-12 - Ảnh: HỮU HẠNH
Phải giảm dần số năm đóng Bảo hiểm xã hội...
Ông Chu Mạnh Sinh, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho rằng việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng nhanh liên quan mật thiết đến sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Do đó thời gian tới, ngoài việc phối hợp của bảo hiểm xã hội với các địa phương để tuyên truyền cho người lao động, Nhà nước cần có các giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập nâng cao đời sống vật chất tinh thần...
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu rõ việc rút bảo hiểm xã hội một lần lợi trước mắt nhưng hại về lâu dài.
Ngoài ra, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động và thương binh - xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan liên quan để sớm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp căn cơ, lâu dài để hạn chế tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần", ông Sinh nói.
Tuy nhiên, theo ông Sinh, vấn đề mấu chốt là phải xem xét sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội.
Trong đó, khi đề xuất sửa luật cần có những chính sách tăng quyền lợi đối với người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội chưa được hưởng một lần, giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhiều cơ hội để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Ngọc Thọ - trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bất cứ giải pháp nào đưa ra để giải quyết vấn đề này cũng phải đảm bảo được đầy đủ quyền lợi người lao động. Khi có các giải pháp cụ thể được thống nhất, cần có chiến dịch truyền thông bài bản, tuyên truyền rộng rãi đến người lao động về những "hậu quả" của việc rút bảo hiểm xã hội một lần.
"Chúng tôi đang cân nhắc giải pháp dùng chính sách để thúc đẩy chính sách. Nói cách khác là bổ sung chính sách để giữ chân người lao động ở lại trong hệ thống", ông Thọ nói.
Ngoài các giải pháp trước mắt, theo ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cần có giải pháp lâu dài là nâng cao được thu nhập cho lao động. Theo đó, trong thu hút đầu tư, cần lựa chọn những công ty có công nghệ cao, quy mô lớn để giá trị gia tăng từng sản phẩm tăng thì lương người lao động sẽ cao.
"Đồng thời, cần có chính sách đào tạo nghề để khuyến khích người lao động học nghề, có nghề tốt, việc làm bền vững, thu nhập cao. Ngoài ra, cần sửa đổi các quy định của luật để người lao động vừa thực hiện được quyền rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng cũng hạn chế việc rút do bị lôi kéo, hiểu nhầm chính sách", ông Hiểu nói.
Nhân viên kiểm tra thông tin trên sổ BHXH của người dân trước khi vào làm thủ tục tại BHXH TP Thủ Đức - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG