Ngăn chặn tình trạng giả mạo website cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan công an tại nhiều địa phương trên cả nước tiếp nhận nhiều vụ việc người dân thông báo bị mất số tiền lớn khi truy cập vào các trang web dịch vụ công giả mạo. Sau khi truy cập, nạn nhân được hướng dẫn cài ứng dụng có chứa mã độc, bị đối tượng lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại và đánh cắp thông tin người dùng. Ngày 4/6/2024, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Ðà Nẵng thông tin, đã phát hiện nhiều trường hợp tội phạm lừa đảo giả mạo mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử, cổng dịch vụ công quốc gia, sàn thương mại điện tử… nhằm chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.

Cụ thể, một số tài khoản Facebook mạo danh Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Ðà Nẵng đăng tải nhiều video, bài viết có nội dung cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời các trang này còn lồng ghép quảng cáo về các dịch vụ như: “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại được tiền lừa đảo.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đơn vị này đã ghi nhận hàng loạt website giả mạo các sàn thương mại điện tử nổi tiếng, ngân hàng… để thực hiện hành vi lừa đảo. Thủ đoạn thường được các đối tượng sử dụng là tạo trang web gần giống cơ quan nhà nước, doanh nghiệp từ hình ảnh, giao diện và nội dung để người dùng nhầm tưởng đây là của đơn vị cung cấp. Một số có tên miền khá giống với những đơn vị, tổ chức, thương hiệu mà chúng giả mạo. Song, các đường dẫn này sẽ có đuôi ít phổ biến như: .cc, .store, .vip, .online,… hay một số khác lại là chuỗi ký tự hoặc số lạ. Khi truy cập vào các trang web giả mạo này, người dùng bị dụ cài ứng dụng có chứa mã độc. Ứng dụng này cho phép đối tượng lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại và đánh cắp thông tin, tài sản.

Theo đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết quý I/2024, Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia ghi nhận có hơn 124.000 địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức. Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia đã ngăn chặn xử lý hơn 10.000 tên miền độc hại (có hơn 2.700 tên miền lừa đảo trực tuyến), nhờ đó đã bảo vệ hơn 10,1 triệu người, tương ứng 13,1% người dùng internet Việt Nam (hơn 77 triệu người dùng) trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Ðáng chú ý, trong những tháng gần đây, các đối tượng liên tiếp tạo các trang web giả mạo dịch vụ công quốc gia, giả mạo website cơ quan nhà nước, các ngân hàng lớn, sàn thương mại điện tử với nhiều địa chỉ tên miền khác nhau và đều là tên miền quốc tế.


Theo kỹ sư công nghệ thông tin Lê Văn Tiến (giám đốc một công ty phần mềm tại Hà Nội), hiện nay, ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của nhiều người chưa cao. Thậm chí, không ít người đăng tải, chia sẻ giấy tờ cá nhân của mình lên internet mà không sợ bị lộ, lọt thông tin. Chính sự chủ quan của người dân đã tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng lừa đảo.

Ðể tránh sập bẫy hình thức lừa đảo nêu trên, cơ quan công an các tỉnh, thành phố khuyến cáo người dân thường xuyên đọc và nắm bắt thông tin trên các trang mạng chính thống để kịp thời nhận biết thủ đoạn phạm tội của các đối tượng; đề cao cảnh giác, cần kiểm tra, xác minh kỹ thông tin trên các trang mạng xã hội và không chuyển tiền cho bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì nếu chưa xác nhận chính xác người nhận tiền là ai, ở đâu. Nếu phát hiện bị lừa, lập tức báo ngay cho cơ quan công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh có thể lấy lại tiền giúp mà phải chuyển phí trước. Các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cần chủ động rà quét, phát hiện sớm website lừa đảo, giả mạo cơ quan, đơn vị mình để cảnh báo sớm đến người dùng, từ đó góp phần ngăn chặn lừa đảo trực tuyến, bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng và chính thương hiệu của tổ chức, doanh nghiệp. Theo đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện nay, Cục An toàn thông tin cung cấp chi tiết danh sách các website giả mạo, lừa đảo trên website của Cục (https://ais.gov.vn) hoặc https://tinnhiemmang.vn và đưa ra cảnh báo cũng như các khuyến cáo kịp thời để người dân nâng cao cảnh giác.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom