Nam sinh vào đại học ở tuổi 16

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Nguyễn Tuấn Minh vào đại học khi 16 tuổi, theo đuổi hai ngành cùng lúc, sau khi giành học bổng chính phủ New Zealand bậc trung học.


Minh là một trong 36 học sinh Việt Nam giành học bổng này năm 2019, cũng là năm đầu chương trình tuyển sinh ở Việt Nam. Ngoài điều kiện về học lực, tiếng Anh, nam sinh thuyết phục hội đồng tuyển sinh bằng một video 90 giây giới thiệu ước mơ, sở thích của mình.

"Em đến New Zealand vào năm 2020, đúng vào dịch Covid-19 và bị cách ly, tầm 2-3 tháng em chỉ ở nhà và học online", Minh nhớ lại.

Thời gian đó, nam sinh luyện ngoại ngữ bằng cách giao tiếp với chủ homestay (nơi du học sinh được sắp xếp ở cùng gia đình người bản xứ). Minh giúp chủ nhà làm việc, dọn xe, trò chuyện và sinh hoạt như một thành viên trong gia đình. Nhờ thế, khả năng phát âm và nói của em được cải thiện.

Khi dịch bệnh ổn định, trường học mở cửa lại, Minh được xếp vào lớp 10 vì đã hoàn thành học kỳ đầu lớp 9 ở trường THCS Archimedes Academy, Hà Nội. Sau 1-2 tuần, nam sinh nhận thấy bản thân có khả năng học chương trình cao hơn nên đã đến văn phòng của trường bày tỏ nguyện vọng.

"Em được hỗ trợ học thử lớp 11 và nhanh chóng bắt kịp tiến độ. Em học vượt 1 lớp so với các bạn", Minh kể.

Cũng trong năm này, Minh giành huy chương đồng cuộc thi Olympic Toán New Zealand (NZMO), được tài trợ học bổng cho năm tiếp theo vì kết quả học tập tốt.



Nguyễn Tuấn Minh, chủ nhân học bổng Chính phủ New Zealand bậc trung học 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Minh cho hay, chương trình học ở New Zealand có 13 lớp. Tuy nhiên, với sự chăm chỉ, em hoàn thành các môn sau khi hết lớp 12 (năm 2022), tích lũy đủ điểm để ứng tuyển vào đại học ở tuổi 16.

Từ bé đã thích công nghệ nên Minh quyết định theo ngành Khoa học máy tính. Em cũng hứng thú với ngành Tài chính bởi được tiếp xúc với môn kinh doanh ở trường cấp 3.

Minh chọn Đại học Auckland, ngôi trường lớn nhất New Zealand, top 68 thế giới theo xếp hạng của QS để theo đuổi hai ngành này.

Theo nam sinh, để đỗ vào ngành Khoa học máy tính cần 170 điểm, từ 230 điểm trở lên, sinh viên được đăng ký học song ngành. Lúc đó, Minh chỉ có 210 điểm, là tổng các môn Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Luật và Công nghệ thông tin.

"Em chọn Khoa học máy tính và nỗ lực dùng điểm học kỳ đầu để xét thêm ngành thứ hai. Cuối cùng, em đủ điểm để học cả hai", Minh nói.

Vì học song ngành nên Minh học nhiều môn hơn và cần 4 năm để tốt nghiệp, nhiều hơn một năm so với các bạn. Minh chia sẻ, kiến thức ngành tài chính chủ yếu về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cần dùng nhiều công thức để tính toán, nghiên cứu. Trong khi ở ngành Khoa học máy tính đòi hỏi tư duy logic, am hiểu về câu lệnh, thuật toán.

Nam sinh cho rằng học cả hai không quá vất vả, quan trọng là duy trì sự kỷ luật và tinh thần tự học của bản thân. Em thường đạt điểm ở mức B+ và A- cho các môn. Hiện, Minh là sinh viên năm ba và sẽ tốt nghiệp trong năm tới.

Bà Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc Cơ quan Giáo dục New Zealand tại Việt Nam, ấn tượng với Minh ở sự tự tin, thông minh. Trong 36 học sinh giành học bổng năm đó, em là người duy nhất học song ngành, vào đại học khi mới 16 tuổi.

"Tuấn Minh đã tỏa sáng trong môi trường học năng động, gặt hái thêm nhiều thành tích. Tôi tin em sẽ tiếp tục ghi dấu các cột mốc mới trên hành trình tri thức của mình", bà Vân nhận xét.

Ngoài học tập, Minh tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nam sinh chơi nhiều môn thể thao như cầu lông, chạy bộ, đá bóng, bóng rổ. Em hiện là trưởng bộ phận game E-sport của trường và là thành viên trong câu lạc bộ lập trình web. Qua đó, Minh vừa giải trí, vừa rèn luyện chuyên ngành của mình cùng các bạn.

Trong tương lai, Minh mong muốn tìm được công việc có thể kết hợp cả hai ngành Khoa học máy tính và Tài chính. Em dự định ở lại New Zealand để trải nghiệm môi trường làm việc nơi đây, có cơ hội sẽ về Việt Nam phát triển.

"Rèn luyện khả năng tự học là điều mà em tâm đắc nhất khi sang đây, cũng là yếu tố cần thiết nhất để thích nghi khi đến một đất nước mới", Minh chia sẻ.

Kỷ Hương

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom