Mỹ - Ukraine ký thỏa thuận an ninh 10 năm

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Tổng thống Mỹ Biden và người đồng cấp Zelensky ký thỏa thuận an ninh 10 năm, nhằm tăng cường hỗ trợ Ukraine đối phó Nga.


Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ký thỏa thuận an ninh song phương 10 năm tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italy ngày 13/6. "Các bên công nhận thỏa thuận này là cầu nối giúp Ukraine sau cùng sẽ trở thành thành viên NATO", theo nội dung thỏa thuận.

Trong trường hợp Ukraine bị tấn công hoặc đe dọa tấn công, các quan chức hàng đầu của Washington và Kiev sẽ họp trong vòng 24 giờ để bàn cách ứng phó, xác định Ukraine cần thêm biện pháp phòng thủ nào. Mỹ cũng tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

"Để đảm bảo an ninh của Ukraine, hai bên công nhận Ukraine cần có quân đội lớn mạnh và đầu tư bền vững vào công nghiệp quốc phòng, phù hợp với tiêu chuẩn NATO", thỏa thuận cho biết thêm. "Mỹ dự định hỗ trợ dài hạn về thiết bị, huấn luyện và cố vấn, tình báo, an ninh, công nghiệp quốc phòng, thể chế và các vấn đề khác để giúp phát triển lực lượng Ukraine đủ khả năng bảo vệ đất nước, răn đe các đợt gây hấn trong tương lai".

Ông Zelensky mô tả thỏa thuận an ninh với Mỹ là "chưa từng có".



Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev hôm 22/4. Ảnh: AFP


Mỹ là quốc gia đi đầu trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine kể từ khi xung đột giữa nước này với Nga bùng phát hồi tháng 2/2022. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington đã viện trợ quân sự khoảng 51,2 tỷ USD cho Kiev.

Trước Mỹ, Ukraine đã ký thỏa thuận an ninh song phương với 15 quốc gia trong đó có Nhật Bản, Latvia, Phần Lan, Canada, Italy, Anh, Đức, Pháp và Đan Mạch. Các thỏa thuận được cho là sẽ giúp Ukraine đảm bảo an ninh và ngăn chặn hành động "gây hấn mới" của Nga, đồng thời mở đường cho Kiev có thể gia nhập EU và NATO trong tương lai.

Tổng thống Zelensky tháng 9/2022 ký đơn xin gia nhập NATO, nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh tương lai cho Ukraine. Tuy nhiên, các thành viên NATO vẫn chia rẽ về đề nghị của Ukraine, do lo ngại liên quan quy định về nguyên tắc phòng thủ tập thể theo Điều 5 trong hiến chương của khối.

Điều khoản này quy định các nước thành viên NATO sẽ phải cùng tham chiến nếu một quốc gia trong liên minh bị tấn công, nguy cơ đẩy khối đến gần một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Như Tâm (Theo Reuters, AFP)

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom