Mỹ dự đoán Trung Quốc biên chế 400 chiến hạm vào năm 2025

♠3 Tập đoàn X

Dân chơi tập bơi
Bài viết
3,872
Xu
3,217
Lầu Năm Góc nhận định Trung Quốc đang tăng quy mô lực lượng hải quân và dự kiến biên chế 400 chiến hạm trong ba năm tới.

"Hải quân Trung Quốc là lực lượng ngày càng hiện đại và linh hoạt, họ đang tập trung thay thế các khí tài thế hệ trước, vốn có năng lực hạn chế, bằng những khí tài lớn hơn, đa năng và hiện đại hơn", Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định trong báo cáo thường niên được công bố ngày 29/11.

"Đến năm 2021, hải quân Trung Quốc chủ yếu biên chế các nền tảng đa năng hiện đại, sử dụng các vũ khí, cảm biến chống hạm, phòng không và săn ngầm", báo cáo có đoạn.

Tổng số chiến hạm tính đến năm 2021 của hải quân Trung Quốc là 355 chiếc, sau khi cải hoán và chuyển giao 20 khu trục hạm cũ cho lực lượng hải cảnh. Lầu Năm Góc dự báo hải quân Trung Quốc sẽ tăng quy mô và sở hữu 400 chiến hạm vào năm 2025.
Nhóm tàu sân bay Liêu Ninh trong một chuyến huấn luyện năm 2020. Ảnh: PLA.

Nhóm tàu sân bay Liêu Ninh trong một chuyến huấn luyện năm 2020. Ảnh: PLA.

"Đến cuối năm 2021, hải quân Trung Quốc đang chế tạo một tàu sân bay, cùng nhiều khu trục hạm và hộ vệ hạm trang bị tên lửa dẫn đường mới", Lầu Năm Góc cho biết. Hoạt động mở rộng hạm đội tàu mặt nước của hải quân Trung Quốc phần lớn nằm trong khuôn khổ hai chương trình chế tạo khu trục hạm Type-052D với lượng giãn nước 7.500 tấn và khu trục hạm Type-055 có lượng giãn nước 13.000 tấn.

Những loại chiến hạm mới trang bị nhiều loại tên lửa phòng không và chống hạm hơn, cho phép hải quân Trung Quốc bảo vệ tốt hơn các nhóm tác chiến của họ khi triển khai xa bờ.

Báo cáo của Lầu Năm Góc đánh giá việc phát triển các tàu ngầm mới của hải quân Trung Quốc diễn ra chậm hơn so với hạm đội tàu mặt nước. Hải quân Trung Quốc đang vận hành 6 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 44 tàu ngầm diesel-điện.

"Hải quân Trung Quốc có khả năng duy trì 65-70 tàu ngầm trong những năm tới, thay thế các chiến hạm cũ bằng những khí tài có năng lực hơn theo phương án một đổi một", Lầu Năm Góc nhận định.
Tàu sân bay trực thăng Hải Nam thuộc lớp Type-075 rời nhà máy đóng tàu Hỗ Đông - Trung Hoa tại Thượng Hải, Trung Quốc tháng 8/2020. Ảnh: PLA.

Tàu sân bay trực thăng Hải Nam thuộc lớp Type-075 rời nhà máy đóng tàu Hỗ Đông - Trung Hoa tại Thượng Hải, Trung Quốc tháng 8/2020. Ảnh: PLA.

Cơ quan này cũng dự đoán Trung Quốc đang phát triển tàu ngầm hạt nhân có thể mang tên lửa hành trình diệt hạm và tấn công mục tiêu trên bộ. Ngoài ra, Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển tàu sân bay trực thăng lớp Type-075 phục vụ cho hoạt động tác chiến đổ bộ.

Hải quân Trung Quốc đang vận hành hai tàu sân bay là Liêu Ninh và Sơn Đông, cùng dựa trên thiết kế tuần dương hạm hạng nặng lớp Kuzenetzov từ thời Liên Xô.

Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc là Phúc Kiến dự kiến đi vào hoạt động năm 2024. Tàu này được trang bị hệ thống phóng máy bay hiện đại, có thể tăng tầm hoạt động lẫn hiệu quả của phi đoàn máy bay trên chiến hạm.

Lầu Năm Góc đánh giá hải quân Trung Quốc đang nỗ lực triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay ra khu vực ngoài "chuỗi đảo thứ nhất" trong vài năm tới mà không cần phụ thuộc vào hệ thống phòng thủ trên bờ.

"Chuỗi đảo thứ nhất" là thuật ngữ dùng để chỉ khu vực bên trong vành đai nối từ quần đảo Kuril qua Nhật Bản, đảo Okinawa, đảo Đài Loan và tới Philippines. "Chuỗi đảo thứ hai" bắt đầu từ quân cảng Yokosuka ở Nhật Bản đến Indonesia, với trung tâm là đảo Guam của Mỹ.

"Khả năng thực hiện nhiệm vụ bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất của hải quân Trung Quốc còn khiêm tốn, song đang tăng lên khi họ có thêm kinh nghiệm hoạt động ở các vùng biển xa, cũng như sở hữu thêm các nền tảng lớn và tiên tiến hơn", báo cáo của Lầu Năm Góc kết luận.

Quân đội Trung Quốc chưa bình luận về báo cáo này.
Vị trí chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai. Đồ họa: Cofda.

Vị trí chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai. Đồ họa: Cofda.
Nxnjs
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom