Mùa nấm tràm Phú Quốc

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Kiên GiangMùa mưa là lúc nấm tràm ở Phú Quốc sinh sôi, người sành ăn, lao động nông nhàn vào rừng hái kiếm thu nhập vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mỗi ngày.


Sáng cuối tháng 6, Ngô Kim Uyên, 25 tuổi, khởi hành lên cánh rừng tràm thuộc xã Bãi Thơm với trang phục dày, dài và kín để tránh muỗi đốt, rắn rết. Xe dựng ngoài đường lớn, khóa cẩn thận, cô băng qua bìa rừng vào sâu khoảng hai km.

"Mỗi người hái đều thủ sẵn những vị trí nấm thường mọc và ít kể với ai", cô nói và chỉ những cụm meo nấm tràm màu trắng, phủ mỏng trên lớp lá hoặc mặt đất. "Mưa nắng đan xen là điều kiện lý tưởng để meo nấm được ủ", Uyên nói và dùng lá đậy lại lớp meo nấm, ghi nhớ vị trí để sau vài cơn mưa lên hái.



Cụm nấm tràm mọc dưới lớp lá khô, màu tím, đầu tròn và nhỏ. Ảnh: Trần Thanh


Nấm tràm màu tím nhạt, đầu tròn, nhỏ bằng ngón tay chỉ mọc dưới các rừng tràm. Loài nấm này vị đắng đặc trưng với hậu ngọt và béo, món ăn đặc sản được người dân và du khách đến Phú Quốc ưa chuộng.

Đi thêm vài trăm mét, thấy lớp lá tràm nhô cao, Uyên dùng tay quơ nhẹ, đúng cụm nấm mới mọc, đầu nấm búp tròn. Cô ngồi bệt xuống, hái từng cây, sau đó quan sát cạnh các hốc cây, bởi màu nấm trùng với thân gỗ mục, dễ nhầm lẫn mà bỏ qua.

Sau khoảng một giờ cặm cụi dưới gốc tràm, rổ nấm của Uyên được chừng một kg. Trung bình mỗi ngày, Uyên kiếm được 4-5 kg nấm, nếu may mắn trúng được cụm nấm lớn có thể hái được vài chục kg.

Loại nấm búp thường có giá bán 140-160 nghìn đồng mỗi kg, trong khi nấm nở giá chỉ bằng một nửa. Trung bình mỗi buổi ngày người hái kiếm được vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, song cũng có bữa tay không ra về.



Thành quả của nhóm chị Uyên sau một buổi hái nấm trong rừng. Ảnh: Trần Thanh


Chị Nguyễn Thị Hiền, một người chuyên săn nấm tràm, cho biết mùa nấm nở rộ chỉ kéo dài hơn một tháng, sau những cơn mưa đầu mùa vào khoảng cuối tháng 5 đến đầu tháng 7. Người phụ nữ gần 40 tuổi kể, mùa mưa nghề thợ xây ở đảo ít việc nên thường cùng vợ con lên rừng tìm nấm, kiếm thêm thu nhập.

Theo chị Hiền, nghề hái nấm tiềm ẩn nhiều hiểm nguy nhất là gặp rắn rết, muỗi đốt và lạc đường. Người hái thường đi cùng một nhóm nhỏ cho an toàn. Dù cực song nghề hái nấm mang lại thu nhập khá cao.

"Siêng năng, chịu săn tìm, kèm chút may mắn sẽ kiếm được chục triệu mỗi mùa nấm", chị Hiền kể. Ngoài xã Bãi Thơm, nấm tràm còn được tìm thấy ở các vạt rừng của xã Hàm Ninh và Cửa Cạn.



Chị Hiền (phải) tìm hái nấm ở các gốc cây. Ảnh: Trần Thanh


Nấm tràm hái xong bỏ phần gốc, rửa sạch, chế biến ngay để giữ độ tươi. Muốn trữ lại, người lái phải phải luộc sơ nấm, cho vào túi, để trong tủ lạnh. Nấm tràm thân dai, có vị đắng nhẹ pha lẫn ngọt và béo. Dân Phú Quốc thường nấu canh nấm tràm với gà, hải sản hoặc thịt. Riêng loại nấm nở có thể kho tiêu, ăn rất tốn cơm.

Đảo Phú Quốc cách thành phố Rạch Giá 120 km về phía Đông, cách TP Hà Tiên 45 km về phía Tây, có diện tích tự nhiên hơn gần 600 km2, dân số 150.000 người. Tỉ lệ bao phủ rừng ở Phú Quốc chiếm hơn 70% diện tích với hơn 43.000 ha. Đây là môi trường thuận lợi để nhiều loại cây trồng, trong đó có nấm tràm phát triển.

Ngọc Tài

 
Back
Top Bottom