Mô hình Ấp chiến lược trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam

Người Buôn Vịt

Đẹp trai, hào hoa, dâm đãng !
Bài viết
427
Xu
100,156

Mô hình Ấp chiến lược trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam​






“Chiến tranh đặc biệt” là một trong ba loại hình chiến tranh của chiến lược quân sự toàn cầu “phản ứng linh hoạt” của đế quốc Mỹ. Đặc điểm chủ yếu của chiến lược này là đế quốc Mỹ không trực tiếp cai trị mà thông qua chính quyền và quân đội tay sai làm công cụ tiến hành chiến tranh; với vũ khí, phương tiện chiến tranh, tài chính của Mỹ và do cố vấn Mỹ chỉ huy.

Để thực hiện chiến lược chiến tranh đó, đế quốc Mỹ đã áp dụng kinh nghiệm “chống quân nổi loạn” của đế quốc Mỹ đã thành công ở Philipin, của thực dân Anh thành công ở Malaysia trong những năm 40 và 50 và đưa vào miền Nam chính sách mới mang tên là Strategic hamlet – ấp chiến lược.
Mỹ xem việc thiết lập “ấp chiến lược” là một “quốc sách” có ảnh hưởng quan trọng đến sự thành bại của các kế hoạch chiến tranh. Mục đích của “quốc sách” này là nhằm chiếm đất, giành dân, kiểm soát nông thôn, phá hoại hậu phương và căn cứ cách mạng, tiến tới cô lập và tiêu diệt hoàn toàn các lực lượng cách mạng, hòng áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu đề ra, chính quyền Sài Gòn đã quy định sáu tiêu chuẩn cho việc hoàn thành một ấp chiến lược”
Tiêu chuẩn 1: Đã thanh toán cộng sản nằm vùng và đã phối hợp với cảnh sát, hội đồng xã, trưởng ấp để kiểm tra nhân – vật – lực tại ấp chiến lược.
Tiêu chuẩn 2: Đã phối hợp với công – dân – vụ, thông tin… để vận động quần chúng tổ chức thành đoàn thể nhân dân.
Tiêu chuẩn 3: Đã hướng dẫn phân công mọi tầng lớp nhân dân về bổn phận của họ lúc bình thường và khi có biến.
Tiêu chuẩn 4: Đã hoàn thành rào, chông, giao thông hào, hầm kín trong mỗi nhà, v.v…
Tiêu chuẩn 5: Đã tổ chức “mật” hai tiểu tổ đặc công cho mỗi ấp chiến lược.
Tiêu chuẩn 6: Đã tổ chức bầu “kín” ban trị sự và thiết lập hương ước.
Sau một thời gian thực hiện, Mỹ bổ sung thêm hai tiêu chuẩn nữa là:
- “Đã huấn luyện và vũ trang thanh niên chiến đấu”
- Đã tổ chức hệ thống thông tin và liên lạc để xin tiếp viện” [1]
Theo 8 tiêu chuẩn trên, Mỹ – Ngụy đã tiến hành xây dựng một hệ thông ấp chiến lược như những nhà tù khổng lồ, dồn dân, rào làng như những nhà tù khổng lồ, dồn dân, rào làng: với ba vòng rào, trong cùng là cọc tre vót nhọn, giữa là chông, ngoài cũng là dây kẽm gai, quanh các vành đai là hào sâu và các bờ thành có những tháp canh và đồn bốt.
Như vậy, chính sách bình định miền Nam bằng dồn dân, lập ấp chiến lược trong thời điểm này được nâng lên tầm chiến lược, không chỉ để đè bẹp, kiểm soát nhân dân, tách dân với cách mạng, nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng, không chỉ biến nông thôn từ địa bàn chiến lược của ta thành hậu cứ xung yếu của địch, mà còn xây dựng nông thôn miền Nam thành thuộc địa kiểu mới phục vụ lâu dài cho chủ nghĩa thực dân.
“Việt cộng muốn xâm nhập vào đây phải vượt ba sông trèo ba núi (sông, núi do địch đặt ra để chỉ những mương sâu và bờ thành cao bao quanh ấp chiến lược. Mương sâu 2m, rộng 2.5m. Đất đào mương đắp bờ thành cũng cao 2m, rộng 2.5m, ở chân thành và trên mặt bờ thành, từng chặng có lô cốt ngầm và lô cốt nổi). Trước khi qua sông thứ nhất, Việt cộng phải trả giá rất đắt với bãi mìn rãi thảm. Qua sông phải chìm tận đáy sông vì lòng sông đầy chông, mìn, kẽm bùng nhùng. Muốn vượt núi cũng phải qua bãi mìn dày đặc trên sườn núi và hệ thống lô cốt ngầm chằng chịt, đài quan sát có trang bị súng lớn, có đèn pha cực sáng” [2].
Bên trong ấp có nhà tù, sân bay trực thăng, kho vũ khí, kho tập trung lúa của dân…, có những ấp chiến lược đặt ở giữa vòng đồn bốt vây quanh để khống chế nhân dân hoặc tạo thành những vành đai trắng, gây khó khăn cho ta trong việc bắt liên lạc, nắm cơ sở trong dân.
Sau khi rào làng, dồn dân vào những khu vực đã chọn, các “cán bộ bình định” tiến hành phân loại dân trong từng ấp để thực hiện khẩu hiệu “phát giác nội tuyến, tấn công toàn diện”:
- Đối với dân loại 1 là những gia đình cách mạng hay có cảm tình với cách mạng: gom vào một lô riêng để theo dõi và đàn áp.
- Đối với dân loại 2 là loại “lưng chừng” tiến hành chính sách lôi kéo, dụ dỗ, ly gián lẫn nhau.
- Đối với dân loại 3 là những gia đình binh sĩ, ác ôn, có công với chính quyền Sai Gòn: thực hiện chính sách ưu đãi và sử dụng họ làm lực lượng nồng cốt để theo dõi, khống chế nhân dân trong ấp”.
Bộ máy kìm kẹp xen kẽ chằng chịt trong dân, gồm trưởng liên gia, trưởng ô, trưởng ấp, do thám, gián điệp, hội đồng hương chính, dân vệ, công dân vụ, bọn phản động cách mạng… Mỗi xã có từ 20 đến 30 tên cán bộ bình định. Bọn này đều nêu khẩu hiệu “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân, nhưng thực chất là để tổ chức do thám, gián điệp phối hợp chặt chẽ với bọn tề, bảo an, dân vệ nhằm khống chế, kìm kẹp quần chúng.
Ngoài ra, địch tăng cường rải chất độc hóa học với quy mô lớn và ác lệt nhằm triệt phá mùa màng, khủng bố tinh thần nhân dân ở những vùng có phong trào cách mạng mạnh, từng bước dồn dân lập ấp chiến lược, phát quang những vùng có cây cối rậm rạp, triệt lương thực của quân du kích. Mỹ – Diệm còn dùng chất độc trộn vào gạo, thuốc men và các loại thực phẩm khác bán ở các vùng căn cứ của ta làm cho dân hoang mang sợ hãi phải chạy vào các ấp chiến lược.
Hệ thống ấp chiến lược mà Mỹ –Ngụy xây dựng chẳng khác gì hệ thống nhà tù giam cầm, kìm kẹp nhân dân miền Nam, nhằm cô lập lực lượng cách mạng, quây ráp, truy lùng những cơ sở cách mạng để đè bẹp sự nổi dậy của nhân dân. Tại Đại hội lần thứ nhất (từ ngày 16/2/1962 đến 3/3/1962), Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam nhận định: “ấp chiến lược là một hình thức kìm kẹp mới, tổng hợp tất cả thủ đoạn về quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và gián điệp của địch để khống chế, đàn áp nhân dân, cướp giật nhân tài, vật lực của nhân dân, âm mưu dùng lực lượng của nhân dân chống lại nhân dân, thực hiện việc bán nước và cướp nước của chúng”. “Ấp chiến lược là những địa ngục trần gian giết hại dân lành vô tội” [3].
Quốc sách ấp chiến lược là sản phẩm của những chuyên gia hàng đầu chống “chiến tranh nổi dậy” của bộ máy chiến tranh đế quốc trên thế giới, được đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn coi là “bửu bối” để “đánh bại Việt cộng”, là cuộc đại quy mô quyết định sự trường tổn của chế độ, vì vậy đây là một thách thức đầy gay go và quyết liệt đối với cách mạng miền Nam trong giai đoạn này.

Kết quả​

Ban đầu, kế hoạch Ấp chiến lược thực hiện khá hiệu quả, hoạt động của du kích quân Giải phóng bị ngưng trệ. Tuy nhiên về sau thì phản tác dụng rồi thất bại. Trong khi thi hành thì nhiều viên chức tham nhũng ngân sách Ấp chiến lược rồi bắt dân phải gánh chịu khoản này như phải nộp tiền, công sức và tre để làm hàng rào cho ấp. Trong trường hợp ở Vị Thanh thì 20.000 dân công được huy động để xây một ấp cho 6.500 người nên người bỏ ra công sức không hẳn là người được hưởng lợi. Trong khi đó việc đồng áng bị trễ nải vì dân phải xung công xây ấp.[5] Cũng có trường hợp dân địa phương bị cưỡng bách dời vào ấp.[2]

Theo đánh giá của Kevin Gray (Đại học Sussex), chương trình này không có gì khác hơn một thảm họa. Ví dụ: tháng 3 năm 1962, trong chương trình tại Bình Dương, chỉ có 70 hộ gia đình tự nguyện di chuyển tới Ấp chiến lược, trong khi 140 hộ dân bị cưỡng bức tái định cư bằng súng đạn. Chương trình gây ra sự oán giận cực điểm với các nông dân: họ buộc phải rời bỏ đất đai của tổ tiên, đưa vào các đội lao động, không thể tiếp cận với đồng ruộng của họ, và những ngôi nhà cũ của họ bị quân lính của Ngô Đình Diệm đốt cháy. Hơn nữa, chương trình này không ngăn được những cán bộ cách mạng của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam thâm nhập vào các ấp, thường là với sự hợp tác của cư dân trong ấp[7].

Theo Roger Hilsman, giám đốc sở tình báo và nghiên cứu Bộ Ngoại giao từ đầu 1961, chương trình ấp chiến lược đã bị Ngô Đình Nhu thực hiện hoàn toàn sai lầm: Không khởi đầu từ khu vực an ninh trước, mà từ những vùng thiếu an ninh nhất ở gần biên giới Campuchia. Ngô Đình Nhu đã dùng việc thành lập ấp để sàng lọc dân, gây bất mãn trong dân chúng. Từ chỗ bất mãn, rất dễ làm nội ứng cho du kích quân Giải phóng. Và vì nằm tại những vùng thiếu an ninh, chẳng bao lâu sau khi thành lập, ấp thường bị phá, gây tổn thất về tài sản và công sức.

Trong cuốn sách Vietnam: a History (1983), nhà sử học Stanley Karnow mô tả quan sát thực tế của ông về tình hình các ấp chiến lược ở Long An[8]:

Ở đó tôi thấy chương trình ấp chiến lược bắt đầu trong thời kỳ Diệm đang trong cơn hỗn loạn. Tại một địa điểm gọi là Hòa Phú, một ấp chiến lược được xây dựng trong mùa hè năm ngoái nay trông giống như bị trúng bão. Hàng rào kẽm gai bao xung quanh đã bị phá vỡ, tháp canh bị phá hủy và chỉ một vài người dân còn ở lại... Một lính gác địa phương giải thích với tôi rằng một số du kích Việt Cộng đã tới trong một đêm, họ vận động các nông dân hợp sức phá bỏ nó và trở về làng quê của họ. Nông dân đã ủng hộ họ... Ngay từ đầu, ở Hòa Phú và các nơi khác, nông dân căm ghét các ấp chiến lược, nhiều người bị buộc phải dọn tới đó bởi các quan chức tham nhũng, những người đã bỏ túi phần lớn số tiền được phân bổ cho các dự án. Nếu chiến tranh là một trận chiến để giành được sự ủng hộ của trái tim và trí óc người dân, thì Hoa Kỳ và các đối tác ở miền Nam Việt Nam chắc chắn đã đánh mất Long An. 'Cảm giác lướt qua của tôi, sau đó đã được xác nhận trong một cuộc khảo sát rộng rãi hơn được thực hiện bởi Earl Young, đại diện cấp cao của Mỹ trong tỉnh. Ông đã báo cáo vào đầu tháng 12 rằng đã có 200 ấp chiến lược ở Long An đã bị phá hủy kể từ mùa hè, bởi Việt Cộng hoặc bởi những người dân địa phương, hoặc bởi sự kết hợp của cả hai.
Riêng trong năm 1963, quân Giải phóng và người dân miền Nam đã phá hoàn toàn 2.895 Ấp chiến lược trong số 6.164 ấp được lập, số còn lại đã bị phá đi phá lại 5.950 lần ấp. Quân Giải phóng giành quyền làm chủ ở 12.000 thôn trong tổng số 17.000 thôn toàn miền Nam, gồm hơn 5 triệu dân trong tổng số 14 triệu dân toàn miền Nam. Hơn 1,5 triệu ha trên tổng số 3,5 triệu ha ruộng đất đã về tay nông dân; hơn 23.000 thanh niên miền Nam đã gia nhập quân Giải phóng. Hàng nghìn ấp chiến lược đã biến thành làng chiến đấu, hệ thống Ấp chiến lược bị sụp đổ đến 4/5.[3]

Theo thú nhận của chính phủ Sài Gòn, trong vòng ba tháng sau đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, quân Giải phóng phát động nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược ở khắp nơi. Tỉnh Kiến Hoà phải rút đi 51 đồn bót, mất 15 xã. Ở miền Trung từ Phan Thiết trở ra trong vòng hai tháng sau đảo chính, 2.200 ấp chiến lược trong tổng số 2.700 ấp chiến lược hoàn toàn bị phá tan tác[9]

Tổng số 4.248 ấp chiến lược ở miền Nam thì có 3.915 ấp bị phá hẳn. Trong phúc trình gửi Tổng thống Johnson ngày ngày 16 tháng 3 năm 1964, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara đưa ra một bức tranh tổng quan: "Trong số đất đai của 22 tỉnh (trong 44 tỉnh), Việt Cộng kiểm soát tới 50% hoặc nhiều hơn thế. Phước Tuy, Việt Cộng kiểm soát 80%; Bình Dương 90%; Hậu Nghĩa 90%; Long An 90%; Định Tường 90%; Kiến Hoà 90%; An Xuyên (Cà Mau) 85%. Quận Mõ Cày và các xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp, "đỏ 100%"; trên 900 xã như trong trường hợp ba xã này...."[9].

Nhiều năm sau chiến tranh, Roger Hilsman tuyên bố rằng khái niệm ấp chiến lược đã được thực hiện bởi chế độ Ngô Đình Diệm một cách tồi tệ đến mức có thể coi nó là "vô dụng"[10]
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom