Lớp học xóa mù chữ ở bản Sa Lai

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Những bàn tay chai sần chỉ quen với việc làm nương rẫy nay lại cầm bút tô từng nét chữ thẳng hàng. Dù bước đầu học chữ còn nhiều bỡ ngỡ nhưng ai cũng phấn khởi, miệt mài bởi bà con mong muốn biết đọc chữ, có kiến thức để phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo... Đây là lớp học do Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ tổ chức.

Từ bản Cột Mốc đến bản Sa Lai, nhiều người dân nhắc đến Thiếu tá QNCN Trần Văn Phúc, nhân viên Đội Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn với cách gọi thân thương là "thầy giáo Phúc". Đây là lần thứ hai Thiếu tá QNCN Trần Văn Phúc trực tiếp đứng lớp xóa mù chữ tại xã Tân Xuân. Bản Sa Lai là nơi sinh sống của gần 500 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông.


Người dân ở Sa Lai từng được biết đến với “nhiều không”, sau đó được chính quyền địa phương đầu tư về hạ tầng cơ sở, giúp cuộc sống của bà con đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân mù chữ vẫn còn cao. Vì vậy, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn đã tuyên truyền, vận động người dân tham gia lớp học xóa mù chữ.


 
19 giờ, khi học viên đến khá đông đủ, lớp học tại bản Sa Lai bắt đầu sáng điện. Gần 50 học viên của lớp đợt này chủ yếu là phụ nữ của bản và đều là lao động chính của gia đình. Cũng do trước đây điều kiện gia đình và phong tục tập quán nên trẻ em nữ trong bản không được đi học. "Học sinh" trong lớp người lớn tuổi nhất đã 50 tuổi, nhỏ tuổi nhất cũng tròn 19. Trong lớp có 3 cặp vợ chồng cùng đi học. Nhiều người mẹ phải vừa địu con vừa học.


Ông Lý A Trừ, 50 tuổi, chia sẻ: “Không biết chữ khổ lắm, có con gà, bao ngô đem xuống chợ bán nhiều khi cũng bị thương lái lừa vì không biết chữ, không biết cộng trừ. Tham gia lớp học, chúng tôi không những biết đọc, biết viết mà còn biết tính những phép tính đơn giản”. Có những người chưa một lần biết đến chữ, nhưng cũng có người từng được đi học nhưng đã quên... Vừa địu con trên lưng vừa tập viết, chị Vàng Thị Tra tâm sự: “Ngày trước nhà tôi nghèo nên không có điều kiện đi học, rồi lấy chồng, sinh con nên càng không có cơ hội đến lớp. Tôi vẫn luôn ước mong có thể đọc chữ. Vậy nên khi nghe tin các chú bộ đội mở lớp học, tôi đăng ký ngay. Hiện nay, tôi đã thuộc hết các mặt chữ và biết cộng trừ”.


Thiếu tá QNCN Trần Văn Phúc cho biết: “Lớp có 47 học viên, học từ 19 giờ đến 22 giờ 30 phút các tối từ thứ hai đến thứ sáu. Chúng tôi không thể mở lớp học vào ban ngày, bởi thời gian đó bà con đi làm nương và những công việc khác của gia đình. Người dân bản Sa Lai hiếu học nên quá trình tiếp thu kiến thức khá nhanh. Lớp học được mở trong điều kiện thiếu thốn đồ dùng học tập, tài liệu, thế nhưng lại thu hút được nhiều học viên bởi sâu thẳm bà con trong bản ai cũng muốn học chữ”.


Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Mai Thế Cảnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Chiềng Sơn cho biết: “Việc mở lớp học xóa mù cũng là cách để nâng cao trình độ dân trí, giúp bộ đội dễ tiếp cận, truyền đạt các vấn đề tới người dân; trước mắt là biết chữ, sau này biết tham khảo những sách hướng dẫn sản xuất, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Khó nhất là việc vận động bà con đến lớp và duy trì sĩ số học.


Bởi vậy, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, một số trường học trên địa bàn và phát huy vai trò của người có uy tín trong bản để vận động bà con đi học. Đồng thời, chọn những đồng chí của đơn vị có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, có uy tín với đồng bào, gắn bó mật thiết với nhân dân để tham gia quá trình vận động và giảng dạy. Mỗi một lớp học kết thúc, khi học viên đánh vần rõ ràng dòng chữ: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” thật sự rất xúc động”.


Cuối buổi học, Thiếu tá QNCN Trần Văn Phúc dặn bà con về nhà nhớ làm bài tập và chịu khó nói tiếng phổ thông với nhau. Trên suốt chặng đường về nhà, nghe lời thầy, mọi người nói chuyện với nhau bằng tiếng phổ thông rôm rả. Tiếng cười nói hòa vào ánh sáng lập lòe từ những chiếc đèn pin soi sáng trong đêm, chúng tôi cảm nhận được phần nào quyết tâm của đồng bào Mông khao khát học chữ, có được những kiến thức mới để cùng nhau xây dựng bản làng khá giả hơn.


HUYỀN TRANG


* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom