Lăng kính văn hóa: Ứng xử tinh tế với con trẻ

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Một cậu bé ngồi khóc nức nở ở hàng ghế dưới vì cha mẹ không tới dự đã được cô giáo Phan Thị Ánh Hà ôm ấp, vỗ về.

Cử chỉ đó không chỉ làm những người chứng kiến xúc động mà còn gửi đi một thông điệp sâu sắc về tình người và trách nhiệm xã hội. Nó khuyến khích chúng ta, đặc biệt là những người làm cha mẹ, là nhà giáo hãy luôn lắng nghe, thấu hiểu, ứng xử tinh tế và dành trọn vẹn tình thương cho những tâm hồn non nớt đang cần sự che chở. Cái ôm ấm áp của cô Hà không chỉ là sự an ủi nhất thời mà còn xây dựng niềm tin và tạo nên những ký ức đẹp đẽ, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.


Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” không chỉ là khẩu hiệu mà là phương châm hành động, ứng xử của người lớn đối với thế hệ tương lai, vì trẻ em là niềm hy vọng của mỗi gia đình và là nền tảng phát triển liên tục, bền vững của xã hội. Tuy nhiên, cách đặt kỳ vọng và niềm tin đó thế nào cũng là điều cần suy ngẫm. Mỗi đứa trẻ sinh ra là một cá thể độc lập, mang trong mình những cá tính, nhân cách và năng lực riêng biệt.


 
Nhà vật lý lừng danh Albert Einstein từng nói: Mỗi con người đều là một thiên tài. Thời nay, nhiều bậc cha mẹ luôn cố gắng biến con thành bản sao hoàn hảo của chính mình. Điều ấy vô tình áp đặt những kỳ vọng và mong muốn của bản thân lên con trẻ, khiến cho những tâm hồn non nớt ấy phải gánh chịu áp lực và tổn thương.


Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu dịch tễ học về sức khỏe tinh thần ở thanh, thiếu niên cho thấy, có một tỷ lệ đáng kể cần được quan tâm hỗ trợ, can thiệp. Theo một nghiên cứu từ Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), stress là vấn đề mà học sinh gặp phải nhiều nhất (56%), sau đó đến lo âu và trầm cảm (45%). Số trẻ tự tử do không chịu nổi áp lực học tập không còn là cá biệt.


Bên cạnh đó, trẻ em còn gặp phải những khó khăn trong học tập, định hướng nghề nghiệp... Có lẽ, thay vì thiết kế cuộc đời một đứa trẻ, cha mẹ hãy học cách làm gương, kiên nhẫn và thấu hiểu, vun đắp cho con một môi trường phát triển an toàn, tự lập và sáng tạo, để đứa trẻ tự thiết kế tương lai của chính mình.


Di sản tốt nhất mà cha mẹ có thể dành cho con cái là thời gian chăm sóc, giáo dục, trò chuyện với trẻ mỗi ngày. Tình thương, sự lắng nghe và lòng thấu cảm mà bố mẹ dành cho con cái có khi còn giá trị hơn khoản thừa kế mà chúng được hưởng sau này. Nhất là trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, sự kết nối giữa người với người ngày càng ít đi, việc dành thời gian quan tâm và thấu hiểu con trẻ lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bằng sự chăm lo chu đáo cùng kỷ luật tích cực, cha mẹ sẽ trở thành những người dẫn dắt, đồng hành thân thiện, giúp con trẻ phát triển toàn diện và trở thành những phiên bản tốt nhất của chính mình.


Ứng xử tinh tế với con trẻ là một nghệ thuật đòi hỏi sự học hỏi và thực hành không ngừng từ mỗi bậc cha mẹ. Nghệ thuật này không chỉ tạo nên những ký ức đẹp trong tuổi thơ của trẻ mà còn góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho con và cho xã hội.


THU HÀ


* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom