Làm gì để khách nhà giàu đến Việt Nam 'chữa lành'?

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Các chuyên gia đánh giá Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch chữa lành, thu hút khách nhà giàu quốc tế lẫn trong nước.


Yan Bernard-Guilbaud, Phó ban biên tập mục Du lịch của Le Figaro - nhật báo lâu đời nhất nước Pháp - đến Việt Nam du lịch hồi tháng 4 và nghỉ tại một resort ở Yên Tử. Ông thích khu nghỉ dưỡng này, cảm giác được "chữa lành" khi sống trong không gian thanh bình, tách biệt khỏi căng thẳng thường nhật. Vị khách Pháp trải nghiệm một số chương trình chăm sóc sức khỏe như thiền, trà đạo và tinh thần sảng khoái hơn sau những buổi trị liệu.

"Sự kết hợp giữa vẻ đẹp tự nhiên, yếu tố lịch sử và các hoạt động chăm sóc sức khỏe đã mang đến cho tôi trải nghiệm chữa lành thực sự", ông nói.

Bernard-Guilbaud cho rằng Việt Nam có đủ tiềm năng phát triển loại hình du lịch thịnh hành này nhưng cần làm rõ khái niệm chữa lành để thiết lập các tiêu chí, chiến lược phát triển và tiếp thị. Theo ông, du lịch chữa lành (healing tourism) là một phần của du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness tourism) nhưng tập trung vào hàn gắn và phục hồi cả tâm hồn, cảm xúc lẫn thể chất của con người. Quá trình này bao gồm từ điều trị y tế đến trải nghiệm tập yoga, spa, hành hương, tâm linh trong môi trường gần gũi với thiên nhiên.



Khu nghỉ dưỡng Bernard-Guilbaud đã ở trong chuyến đi Việt Nam hồi tháng 4. Ảnh: Legacy Yen Tu


Ông Nguyễn Đức Hạnh, CEO All Asia Vacation (AAV) - đơn vị tổ chức chuyến đi cho nhiều tỷ phú, người nổi tiếng tới Việt Nam, nói nhóm khách quốc tế cao cấp do AAV khai thác cũng quan tâm đến du lịch chữa lành tại Việt Nam.

"Họ thực sự muốn tìm những trải nghiệm chữa lành tâm hồn bởi nếu chỉ cần chữa bệnh, nhóm khách này không cần tìm tới Việt Nam", ông nói.

Dù vậy, tỷ lệ khách trực tiếp yêu cầu những trải nghiệm chữa lành khi đặt dịch vụ rất ít. Đại diện AAV nói điều này dễ hiểu bởi du khách cao cấp với thời gian vàng bạc, bay nửa vòng Trái Đất tới Việt Nam muốn nhiều trải nghiệm hơn.

Đơn vị nhận thấy thuật ngữ "healing tourism" không được sử dụng rộng rãi, khi tiếp cận khách, các công ty phải nắm bắt một số từ khóa chính khi trao đổi như "wellness" (lối sống khỏe mạnh, thư giãn, gần gũi thiên nhiên), retreat (không gian nghỉ dưỡng biệt lập mang tới sự thư thái hoàn toàn) hay spiritual (tâm linh). Sau khi hiểu được nhu cầu, công ty sẽ sắp xếp những trải nghiệm phù hợp cho du khách.

AAV đã thực hiện một số nghiên cứu và nhận ra đa số nhóm tuổi từ 16 trở lên đều có nhu cầu chữa lành. Nhóm khách đơn vị quan tâm nhất là 45-60 tuổi vì họ thường có điều kiện tài chính ổn định nhưng phải đối mặt với nhiều áp lực về kinh tế, địa vị, sức khỏe, tuổi già.



Nhóm khách đi "chữa lành" ở Yên Tử tháng 9/2023. Ảnh: Vietnam Detox


Một trong những trải nghiệm được khách hàng của công ty đánh giá cao là gặp gỡ và trò chuyện với một cựu chiến binh Mỹ, từng tham chiến tại Việt Nam giai đoạn 1968-1969 và đã trải qua hội chứng chiến tranh sau khi trở về. Hiện nay, ông chọn Hội An làm quê hương thứ hai và là đối tác đặc biệt của AAV. Ông đón tiếp các đoàn khách của công ty, chia sẻ về những trải nghiệm chiến tranh, giai đoạn sau đó và hành trình chữa lành bản thân mình.

Các hoạt động tìm về với thiên nhiên cũng được công ty của ông Hạnh chú ý cho nhu cầu chữa lành của khách. Có khi, họ sẽ để du khách trồng cây trong rừng ngập mặn, leo đồi ngắm bình minh hay đơn giản hơn chỉ là đi chân trần, tắm rừng để tìm về với thiên nhiên. Yoga cũng được vận dụng trong các bài tập chữa lành để hướng khách hàng tới tư duy tích cực và sự thư giãn thực sự.

Với khách nước ngoài hay trong nước, du lịch chữa lành là xu thế đáng quan tâm, theo Michael Keller, Tổng quản lý Legacy Yên Tử. Ông cho biết đại dịch làm tăng nhận thức về sức khỏe, dẫn đến nhu cầu ngày càng cao về chữa lành cả tâm lẫn thân. Người nước ngoài có nhu cầu cao hơn vì một số lý do như dân số già hơn, các cuộc trao đổi về tâm thần cởi mở hơn. Tuy nhiên, theo Keller, nhu cầu sẽ sớm cân bằng trong thời gian tới.

Dieter Buchner, nhà sáng lập Vietnam Detox, đơn vị cung cấp các chuyến đi chữa lành kết hợp tiết thực theo phương pháp Buchinger, nói khách Việt cũng tìm kiếm sự chữa lành.

Hiện tại, 99% khách hàng của Buchner là người Việt và họ sẵn sàng chi từ 15 triệu đồng tới 25 triệu đồng cho một khóa học kéo dài khoảng 5-8 ngày, giới hạn số người.

"Khách Việt thường ít dành thời gian cho bản thân mà mong muốn lo cho gia đình hơn, đặc biệt là phụ nữ", ông Buchner nói. Theo ông, người Việt có khoảng 12 ngày nghỉ phép mỗi năm và họ thường không sẵn sàng dành 5-7 ngày dành cho bản thân, thậm chí thấy có lỗi khi làm vậy. Tuy nhiên, sau khi tham gia những chuyến đi chữa lành, họ sẽ thấy đó là khoản đầu tư đúng đắn, khiến thân tâm tốt hơn để chăm sóc gia đình.

Các hoạt động chữa lành của Vietnam Detox có thể kể đến như tập thiền, thở, tắm suối, thưởng thức nghệ thuật, đi bộ trong rừng hay tham gia các lớp học về sức khỏe. Học viên tham gia thực hành nhịn ăn thải độc Bunchinger - phương pháp nhịn ăn đã được nghiên cứu và ứng dụng hơn 100 năm.

Đại diện Vietnam Detox đánh giá du lịch chữa lành là "ngành công nghiệp tỷ đô" nhưng Việt Nam còn quá chậm trong việc khai thác, trong khi Thái Lan thậm chí còn có mô hình các resort hợp tác với bệnh viện để tiếp nhận khách hồi phục hậu phẫu thuật.

Việt Nam cũng có sự chuyển mình khi nhiều cơ sở nghỉ dưỡng bắt đầu định vị là "retreat" thay vì cơ sở nghỉ dưỡng đón khách đại trà. Bản thân ông Buchner khi chọn "nơi ẩn dật" cũng có bộ tiêu chuẩn khắt khe như gần gũi với thiên nhiên, lượng phòng nhỏ, yên tĩnh và không team building, karaoke.

"Tôi đã nghe nhiều vị khách ở thành phố phải thốt lên 'đẹp và yên bình quá' khi tới những khu retreat được chọn", ông nói, nhấn mạnh các khu tĩnh tâm, biệt lập hoàn toàn có thể thôi thúc khách ở lại 5-7 ngày trong khi những khu nghỉ dưỡng thông thường sẽ gây chán sau 2-3 ngày.



Khóa học do Vietnam Detox tổ chức ở Le Ba Dang Memory Space, Huế, năm 2023. Ảnh: Vietnam Detox


Đại diện Legacy Yên Tử cho biết họ cũng đã bắt đầu đổi mới và ra mắt những khóa tu chữa lành riêng, thay vì chỉ hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ như trước. Các yếu tố cơ bản trong chương trình chữa lành sẽ tập trung vào bốn yếu tố chính gồm ngủ ngon, dinh dưỡng lành mạnh, tập thể dục và xây dựng thói quen tốt cho cơ thể. Những người tham gia có thể kết nối với những chuyên gia chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp để đo lường dữ liệu cơ thể và chia sẻ lâu dài nếu muốn.

Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.

Ông Hạnh nói khi dân số ngày càng già, mức sống tăng và áp lực cũng tăng, khiến nhu cầu tìm kiếm sự chữa lành cũng tăng lên. Ông cũng nhận thấy một số doanh nghiệp lớn cũng đang chú trọng đầu tư vào các cơ sở nghỉ dưỡng hướng đến mục đích chữa lành, có thể kể đến khu suối khoáng ở Quảng Ninh hay khu nghỉ dưỡng tại Phú Yên.

"Chúng ta cũng có nhiều tài nguyên để chữa lành tâm trí như trà, đạo Phật, chưa kể đồ ăn Việt Nam cũng nhẹ và cân bằng hơn đồ phương Tây", ông Hạnh nói. Dù vậy, đại diện AAV nhận xét doanh nghiệp cần có tư duy khai thác các tài nguyên du lịch dài hạn, phát triển nguồn lực nhân sự có chất lượng cao và hạn chế chỉ mở các dịch vụ ra để khai thác ngắn hạn, check in sống ảo, vô hình chung lại đi ngược lại việc chữa lành.

Nhà báo Bernard-Guilbaud nhận xét cảnh quan thiên nhiên Việt Nam đa dạng, cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại. Tuy nhiên, để trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch chữa lành, Việt Nam cần chuẩn hóa, chứng nhận các phương pháp chữa bệnh an toàn nhằm tạo dựng niềm tin với khách quốc tế. Ngoài ra, việc thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững và đầu tư, đào tạo chuyên môn cho những người địa phương cũng là điều quan trọng.

Tú Nguyễn

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom