Kỷ niệm đẹp về nghề báo ở Trường Sa

PV Xamer

Big Daddy
⚔VIP⚔
Bài viết
122,685
Xu
326
Sau gần hai ngày trên biển, chúng tôi ghé thăm xã đảo Sinh Tồn. Vốn là nghệ sĩ gắn liền với âm nhạc dân tộc nhưng chuyến đi này, tôi không nằm trong “biên chế” của đội văn nghệ xung kích. Nhưng nghĩ đi tới nơi đặc biệt này thì có nề hà gì nếu có cơ hội được hát nhạc dân tộc, nhất là hát xẩm để phục vụ bộ đội.

Trong lúc ngồi dưới gốc cây mù u cổ thụ đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam, vui trong chén trà, tôi nói với các cán bộ trên đảo rằng trở về sau chuyến đi, tôi sẽ viết một bài xẩm về đất nước và biển. Anh cán bộ lập tức đề nghị tôi hát tặng luôn chiến sĩ và nhân dân một bài xẩm vì “không mấy khi trên đảo được nghe hát xẩm”. Chương trình văn nghệ chuẩn bị bắt đầu, anh đã đi cùng tôi ra tận sân khấu để đề nghị bổ sung tiết mục. Tiếng vỗ tay không ngớt sau lời giới thiệu khiến tôi bất ngờ. Bất ngờ hơn, mọi người đều ồ lên khi biết tôi là soạn giả của nhiều bài xẩm theo lối mới kết hợp với EDM và rap khá “hit” trên mạng xã hội gắn với ca sĩ Hà Myo như: “Xẩm Hà Nội”; “Xẩm bốn mùa hoa Hà Nội”...


Tưởng mọi chuyện đã qua, buổi giao lưu tiếp theo, tôi ngồi ở hàng ghế khán giả trước khi chương trình bắt đầu biểu diễn trong 30 phút. Ở phía sau có một giọng nói cất lên: “Chú có phải tác giả Nguyễn Quang Long hay viết báo về âm nhạc không ạ?”. Khá ngạc nhiên vì tôi chưa chia sẻ điều này với ai trong cùng chuyến đi, tôi đáp lại: “Đúng rồi đồng chí ạ!”. Chiến sĩ trẻ cười rạng rỡ: “Cháu đọc mấy bài viết của chú về âm nhạc dân tộc trên Báo Quân đội nhân dân. Khi mọi người giới thiệu chú lên hát xẩm, nghe tên cháu đã ngờ ngợ”.


Cậu chiến sĩ trẻ bày tỏ, trong môi trường quân ngũ, có điều kiện đọc một số tờ báo giấy tại đơn vị nên gần như không bỏ qua các bài viết về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật: “Cháu nhớ nhất là bài chú viết có tên “Hiệu ứng khai thác chất liệu dân gian trong sáng tác âm nhạc” (bài đăng Báo Quân đội nhân dân số 22264, ngày 7-4-2023). Từ những bài viết của chú, cháu thấy các nghệ sĩ trẻ vẫn đang tiếp nối truyền thống cha ông và sự phát triển sáng tạo trong cả yếu tố truyền thống dân tộc và mảng đề tài chính thống”.


Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi, cậu chiến sĩ trẻ đã chia sẻ với tôi quan điểm của bản thân về trách nhiệm của người trẻ với đất nước trong giai đoạn hiện nay. Cậu chiến sĩ là Lê Đức Chính, học viên năm thứ ba Trường Sĩ quan Thông tin, quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Thêm vài câu trò chuyện, hỏi han tình hình học tập thì được biết, Chính từng được Bộ Quốc phòng tuyên dương và được Báo Quân đội nhân dân nhắc đến khi mới là học viên năm thứ nhất đã đoạt giải Nhất trong Kỳ thi Olympic Toán học sinh viên, học sinh toàn quốc năm 2022. Không những vậy, Chính tiếp tục đoạt giải Nhất lần thứ hai trong cuộc thi tổ chức hồi tháng 4-2024.


Với thành tích tốt trong học tập và rèn luyện, Lê Đức Chính vinh dự là thành viên đoàn công tác đi thăm Trường Sa. Về phần mình, cũng là trách nhiệm của người viết báo, tôi đã liên lạc với đồng chí Vũ Hằng Nga, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình thuộc Tỉnh đoàn Thái Bình để đoàn thanh niên địa phương kịp thời động viên, khích lệ Chính. Hoạt động này cổ vũ Lê Đức Chính một niềm tin, mong rằng chiến sĩ trẻ lan tỏa nhiệt huyết tới những đồng đội của mình, sẽ tiếp tục học tập, phấn đấu, cống hiến hết mình cho Quân đội và đất nước trong tương lai.


Khỏi phải nói về những gì tôi nhận được từ chuyến đi. Những cảm xúc khi đặt chân lên đảo nổi, đảo chìm, giây phút tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì biển, đảo quê hương, hình ảnh những chiến sĩ không quản mưa nắng, ngày đêm nơi tuyến đầu và cả câu chuyện về một chiến sĩ trẻ đọc các bài báo nghiêm túc... Tất cả, chỉ có thể nói ngắn gọn nhất là sau chuyến đi thêm yêu Tổ quốc, tự thấy bản thân phải nỗ lực và cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước.


Nhà nghiên cứu âm nhạc NGUYỄN QUANG LONG


*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Xem tiếp...
 

Chủ đề tương tự

Back
Top Bottom